Sau Tết Nguyên đán, đào cổ có giá hàng chục triệu đồng được thu gom trở lại vườn, bắt đầu hành trình hồi sinh

16-02-2025 20:13 | Thị trường
google news

SKĐS - Tại làng đào Nhật Tân (Hà Nội), hàng trăm hàng ngàn gốc đào cổ được thu gom về trồng và chăm sóc lại, để chuẩn bị phục vụ nhu cầu trang trí nhà cửa dịp Tết năm sau.

Bắt đầu từ thời điểm  Tết Nguyên tiêu, khi khách hàng không còn nhu cầu trưng bày, những chậu đào, gốc  đào cổ có giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng được thu gom trở lại vườn để bắt đầu hành trình chăm sóc mới.

Thậm chí, những gốc đào người dân vứt bỏ cũng được các nhà vườn tận dụng đưa về để trồng lại.

Ngày 16/2, tại làng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ,  TP Hà Nội), khi những gốc đào cổ được các xe vận chuyển trở lại vườn, các nhà vườn nơi đây bắt đầu tất bật cắt tỉa, tạo dáng và làm đất, trồng mới.

Sau Tết Nguyên đán, đào cổ có giá hàng chục triệu đồng được thu gom trở lại vườn, bắt đầu hành trình hồi sinh- Ảnh 1.

Tại làng đào Nhật Tân (Hà Nội), hàng trăm hàng ngàn gốc đào được thu gom về trồng và chăm sóc lại, để chuẩn bị phục vụ nhu cầu trang trí nhà cửa dịp Tết năm sau. Ảnh: Hồng Cảnh

Anh Nguyễn Văn Hiệp - chủ vườn đào tại Nhật Tân cho biết, hoạt động thu gom đào sau trưng bày bắt đầu diễn ra từ thời điểm sau Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) trở đi.

Theo anh Hiệp, các nhà vườn sẽ cho các doanh nghiệp, người dân thuê theo chậu/gốc đào thế với các mức giá khác nhau, trung bình từ 1,5 triệu đồng trở lên. Sau thời gian trưng bày, hoa bắt đầu tàn, các chậu đào này sẽ được thu gom, đưa trở lại vườn để bắt đầu chăm sóc lại.

Theo anh Hiệp, những gốc đào cho thuê đều là gốc to, lâu năm, có giá trị cao nên các hộ gia đình hầu hết là cho thuê với giá trị khoảng 70-80% của cây. Sau khi được vận chuyển về vườn, người trồng tiếp tục thuê người cắt tỉa cành, tạo dáng, chăm sóc để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán năm sau.

Sau Tết Nguyên đán, đào cổ có giá hàng chục triệu đồng được thu gom trở lại vườn, bắt đầu hành trình hồi sinh- Ảnh 2.

Những ngày sau Tết Nguyên tiêu, không khí lao động tại các vườn đào Nhật Tân rất sôi động, nhộn nhịp. Ảnh: Hồng Cảnh

Tương tự, thời điểm này, vườn đào của ông Lê Văn Minh (56 tuổi, ở Nhật Tân, Tây Hồ) cũng bắt đầu phủ đầy đào cổ sau thời gian hoàn thành nhiệm vụ trang trí nhà cửa khách hàng dịp Tết Nguyên đán.

Ông Minh cho biết, sau khi đưa trở lại vườn, đào sẽ được cắt tỉa cành, tưới nước, trồng lại bằng đất mới và được theo dõi hàng ngày. Sau khi cây đào bật mầm mới, nhà vườn sẽ bắt đầu tiền hành ghép mắt đào.

Theo ông Minh, ngoài những cây đào gốc cổ thụ, có giá trị cho thuê ở mức tiền triệu, vườn nhà ông Minh cũng thu gom cả những gốc đào có giá trị thấp, thậm chí là thu gom cả những cành đào khách hàng vứt bỏ để trồng lại.

Sau Tết Nguyên đán, đào cổ có giá hàng chục triệu đồng được thu gom trở lại vườn, bắt đầu hành trình hồi sinh- Ảnh 3.

Sau thời gian trưng bày, hoa đào bắt đầu tàn, các chậu đào này sẽ được thu gom, đưa trở lại vườn để bắt đầu chăm sóc lại. Ảnh: Hồng Cảnh

"Cứ hết Tết là có một đội chuyên đi thu gom lại xác đào và bán lại cho các chủ vườn. Đào bỏ đi này chỉ có giá từ 200-500 nghìn đồng/gốc", ông Minh cho hay.

Bởi vậy, những ngày sau Tết Nguyên tiêu, không khí lao động tại các vườn đào Nhật Tân rất sôi động, nhộn nhịp.

Những chiếc xe chở hàng chục gốc đào với những bông hoa đã tàn, tấp nập ra vào nơi đây. Những cành đào nhỏ được cắt bỏ hoặc mang đi bán với giá "rẻ như cho" để dưỡng cây mẹ, chờ Tết năm sau, còn những cành hoa tàn sẽ được vứt bỏ, chờ khô rồi đốt lấy tro làm phân bón gốc.

Không chỉ đào, những chậu quất giá tiền triệu, sau Tết cũng được thu gom về để cắt tỉa, trồng và chăm sóc cho Tết năm sau rực rỡ.


Phạm Xuân
Ý kiến của bạn