“Từ mùng 2 Tết tới giờ, ngày nào tôi cũng nhặt được 1-2 bánh chưng từ các thùng rác, có ngày nhặt tới 5 cái. Ngoài bánh chưng, có nhà vứt nguyên cả con gà…”, chia sẻ của một công nhân môi trường.
Giật mình vì rác… bánh chưng
Chị Nguyễn Thị Hà, công nhân vệ sinh thuộc Công ty môi trường số 4 (quận Đống Đa, Hà Nội) vừa đẩy xe rác đầy lặc lè vừa kể chuyện. Khu vực dọn rác của chị là khu vực phố Tây Sơn tới hết công viên Gò Đống Đa. Trong ngày mùng 6 tháng Giêng (Âm lịch), chị phải hót, dọn khoảng 3 xe rác…
Vừa nói, chị Hà vừa giở một túi to, bên trong có nguyên hai đĩa xôi, vài miếng cá rất nạc và một túi thịt vụn. Chị bảo: “Trong xe tôi đang đẩy còn 4 cái bánh chưng nữa, nhưng tôi chẳng chăn nuôi gì nên cứ để nguyên trong túi đổ đi thôi”.
Chị Nguyễn Thị Hà với xe rác thứ 2 đầy ngập trong ngày mùng 6 Tết. Trong xe này có 4 cái bánh chưng vứt bỏ. Ảnh: Lê An
Cũng theo chị Hà, năm nay thời tiết ngày Tết nóng ẩm nên từ mùng 2 Tết đã thấy bánh chưng… vứt ra thùng rác. “Những chiếc bánh này vẫn còn ăn được, không hiểu sao người ta đã vứt đi. Ngày mùng 3 Tết vừa rồi, tôi còn nhặt được nguyên một con gà chưa luộc. Thấy vẫn chưa ôi nên tôi mang về ăn. Càng ngày càng thấy người ta lãng phí…”, chị Hà chép miệng.
Không chỉ trong nội thành, khu vực ven đô lượng thực phẩm đổ đi cũng không ít. Anh Nguyễn Xuân Cường, công nhân vệ sinh thuộc xí nghiệp môi trường đô thị Từ Liêm (Hà Nội) dọn rác khu vực xóm Đình (Đại Mỗ, Từ Liêm) chia sẻ: “Từ mùng 5 Tết trở đi đã thấy người dân vứt bánh chưng. Nhưng cao điểm nhất là từ mùng 10 tới rằm tháng Giêng. Bánh chưng mốc xanh mốc đỏ. Có nhà vứt 2 - 3 cái”.
Anh Cường có nhà cửa rộng rãi nên tăng gia nuôi thêm vài con lợn. “Cơm, thức ăn vứt nhiều, nhất là sau Tết nên tôi gom lại để tăng gia. Sau Tết, lượng cơm, thức ăn, bánh chưng, gà, xôi vứt nhiều tới mức lợn ăn không xuể. Trong đội của tôi, chị em biết tôi nuôi lợn nên có thức ăn thừa là cho. Sau Tết, xe rác nào cũng có bánh chưng” - anh nói.
Xí nghiệp môi trường đô thị Từ Liêm nơi anh Cường làm việc có 200 công nhân trực tiếp dọn rác. Anh Cường ước tính: “Nếu mỗi xe rác Tết trung bình có khoảng 4-5 cái bánh chưng bỏ đi thì riêng khu vực chúng tôi làm đã có cả ngàn bánh chưng bị đổ bỏ sau Tết. Chưa ai tính chung cả Hà Nội nhưng các quận, huyện khác tôi nghĩ cũng không ít hơn khu vực tôi làm”.
Khốn khổ dọn… thực phẩm
Trong ngày mùng 6 Tết, chị Vũ Thị Hương (phố Hồ Đắc Di, Hà Nội) đổ bỏ nửa cái bánh chưng rán và khoảng nửa ký giò ép. Chị phân trần: “Giò ép ông ngoại gói cho, nhưng mấy ngày Tết không động đến, để trong tủ lạnh mà vẫn bị ôi, mốc nên đành phải bỏ. Còn bánh chưng cứ rán bỏ lăn lóc không ai ăn”. Tuy nhiên, khi vứt bỏ, chị cũng… ý nhị buộc mấy lần túi nilon. Chị bảo: “Tết nhất chuẩn bị nhiều đồ ăn, nhưng giò, bánh chưng là hương vị tết, không có không được. Giờ không ăn hết đổ đi cũng áy náy lắm…”.
Túi nilon chứa 2 đĩa xôi, cá và thịt vụn bị đổ vào thùng rác. Ảnh: Lê An
Tuy nhiên, sự cẩn thận của chị Hương và nhiều bà nội trợ như chị lại là nỗi… ám ảnh của công nhân vệ sinh. PV tiếp cận đội công nhân vệ sinh khu vực phường Vạn Phúc (Hà Đông), các chị cho biết, sau Tết vất vả nhất là hót, đổ thực phẩm, nhất là bánh chưng. Người dân thường buộc chặt trong túi, trộn lẫn lộn và phần lớn đều ôi thiu. Nếu muốn lấy thực phẩm để tăng gia thì phải mở mấy lần túi. “Nhiều lúc mở ra, mùi hôi thối bốc lên lộn mửa. Bánh chưng, giò chả lên rêu xanh rì, cho lợn ăn cũng sợ lợn… ngộ độc”- một chị trong đội cho biết.
Việc xử lý rác thải là thực phẩm cũng nhiêu kê. Anh Nguyễn Đình Tân, từng làm công nhân chôn lấp rác ở xã Xuân Sơn (TX Sơn Tây, Hà Nội) kể: “Sau Tết, chúng tôi ngán nhất là xử lý rác thực phẩm. Xe nào về cũng thấy túi lớn túi bé bỏ đổ ăn ôi, thiu không ăn hết. Rác thực phẩm thường tiết ra nước, để lâu trong túi kín còn sinh trương hơi. Mở ra rất độc. Người dân buộc kín, thực phẩm thì tiêu hủy nhanh, nhưng túi nilon thì tiêu hủy rất lâu nên chỉ vài hôm là tạo ra vùng hôi thối khủng khiếp”.