Sau tai nạn là hào quang, hạnh phúc

18-03-2019 07:36 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Một người đàn ông không may bị tai nạn cụt cả hai chân, năm 18 tuổi.

Một phụ nữ bẩm sinh mắc bệnh cơ thể thiếu phát triển sụn. Sau thời gian chán đời, cả hai nhanh chóng gạt bỏ mặc cảm khuyết tật, phấn đấu hết mình với đam mê mới. Và đều gặt hái thành quả ấn tượng...

1. Trở thành nhà vô địch sau tai họa thảm khốc

Ngày 15/7/2017, tại London, Janusz Rokicki - vận động viên cụt cả hai chân đoạt huy chương đầu tiên cho đoàn Ba Lan tại giải Vô địch Điền kinh người khuyết tật Thế giới.

Tương tự một năm trước, tại Paralympic Rio de Juaneiro 2016, lần này tác giả Huy chương Bạc bộ môn đẩy tạ cũng chiến đấu không chỉ với các đối thủ, mà cả với cái đau đến buốt óc vì chấn thương.

- Thật hú vía, tôi như rơi vào trạng thái tiền nhồi máu cơ tim. Cuộc thi cân não, khó khăn, rất may tất cả đã kết thúc! Chỉ là chiếc Huy chương Đồng, nhưng thực tế đáng giá hơn thế. Tôi thầm lo sợ, mình không đủ sức. Khi ở lượt đầu, VĐV Ấn Độ ném xa hơn tôi 1cm, tôi bấm bụng, đã chấm hết hy vọng.

Nhưng rồi tôi nín thở, hít một hơi dài: “Đau, kệ đau, mình phải cố hết sức. Nhất định phải có huy chương!”. Và tôi đã gặp may - người chiến thắng hồ hởi chia sẻ, ngay khi rời khỏi đường piste sân Olympic London.

Rokicki bị tái phát chấn thương vai, anh không may bị dính hơn năm trước trong thời gian tham dự Paralympic Rio de Janeiro. 10 ngày trước cuộc thi Rokicki bị ngã lộn nhào xuống sàn toilet ẩm ướt trong lúc chuyển tư thế từ xe lăn sang ghế đẩu. Con người thiếu may mắn bị rách cơ bả vai và trật khớp cổ tay. Hệ quả, Rokicki chỉ có thể thực hiện duy nhất một buổi tập trước ngày đua tài. Nếu không có “bàn tay vàng” của êkip các chuyên gia phục hồi chức năng, Rokicki không thể tham gia thi đấu vào thời điểm đó.

Justyna Kozdryk tại đấu trường Paralympic London 2012.

Justyna Kozdryk tại đấu trường Paralympic London 2012.

Những chiếc HC Bạc Paralympic

- Tưởng như tôi đã chữa khỏi chấn thương, song thực tế không phải như vậy. Chấn thương của tôi đòi hỏi phải phẫu thuật, nhưng vì thiếu tài trợ, tôi chưa thể thực hiện. Chuyên gia phục hồi chức năng, BS. Danusia Tadel đã làm nên điều kỳ diệu, bà giúp tôi đứng vững trên hai chân cụt, song vẫn chưa thể thực hiện 100% yêu cầu rèn thể lực. Bình thường tôi có thể đẩy được quả tạ 230 kilogam, bây giờ mới 80 kilogam đã toát mồ hôi. Tại các cuộc thi thành tích đẩy tạ của tôi càng kém. Tôi đã thầm lo, mình giống cái bình điện đã đến độ trơ lì, không thể nạp điện - nội lực cạn kiệt. Tuy nhiên, cũng may, sức tôi chưa cạn - tác giả Huy chương Đồng giải Vô địch Thế giới bộc bạch.

Rokicki là VĐV khuyết tật đã 3 lần giành HC Bạc bộ môn đẩy tạ tại các kỳ Paralympic Athens 2004, London 2012 và Rio de Janeiro 2016.

Tai họa bất ngờ

Nhà vô địch bị gắn vào xe lăn từ năm 1992. Sự cố xảy ra sau mùa hè định mệnh năm đó, khi chàng trai phụ nề 18 tuổi hàng ngày đổ mồ hôi 12 tiếng dưới cái nóng 40 độ C trên công trường xây dựng. Lĩnh lương tháng đầu tiên, Rokicki hứng khởi ghé vào quán bia, trên đường trở về nhà.

- Và đến hôm nay tôi vẫn hối tiếc vì cơn bốc đồng, khát một vài vại bia, khi ấy... có thể cuộc đời của tôi sẽ khác, nếu tôi rảo bước, về thẳng nhà. Bây giờ tôi hiểu, lúc ấy mình đã bị theo dõi. Có kẻ nào đó phát hiện, tôi có ví tiền khá dày. Tôi về nhà theo dọc đường ray. Bất ngờ từ đằng sau, đầu tôi dính cú đánh cực mạnh bằng vật cứng, sau đó tôi bất tỉnh. Bọn chúng lột chiếc ví của tôi gồm giấy tờ tùy thân, số tiền cả tháng lương, rồi chúng đặt tôi vào đường ray, nhằm đến cái chết chắc chắn. Đoàn tầu chạy qua lúc 4 giờ sáng đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Người lái tàu nhìn thấy tôi nằm vắt ngang hai đường ray, nhưng tất cả đã quá muộn... Cho dù đã phanh gấp, ba toa tàu lăn qua đã cắt gọn cả hai chân tôi.

Sau đó, Rokicki nằm viện 4 tháng, trải qua 3 lần phẫu thuật tháo chân phải. Cái đau đôi lúc không thể chịu đựng.

Tiếp theo liên tục nhiều năm anh trở thành tù nhân trong ngôi nhà của chính mình. Suốt 8 năm đầu Rokicki chán đời, không tập luyện thể thao, bởi anh không biết có hoạt động như thế dành cho người khuyết tật.

Huấn luyện viên Czeslaw Banot đã thuyết phục mày râu tập luyện. Thoạt đầu là bơi lội, sau đó đến cử tạ. Nhưng đẩy tạ là bộ môn thích hợp nhất với Rokicki. Nhờ say mê và kiên nhẫn, ngay sau 6 tháng rèn luyện, Rokicki đã đăng quang ngôi Á quân Ba Lan. Đến nay, sự nghiệp của anh là chuỗi dài thành tích.

Sứ mệnh mới

Tìm lại bản thân, Rokicki tự đặt cho mình sứ mệnh mới: Thuyết phục những người khuyết tật tham gia hoạt động thể thao.

- Hễ gặp trên đường phố thị trấn Cieszyn quê hương đối tượng cùng cảnh ngộ, tôi quyết không bỏ qua! Tôi bắt chuyện, hỏi han và thuyết phục họ đăng ký vào câu lạc bộ thể thao. Tôi giải thích, thật lãng phí cuộc đời, nếu bạn suốt ngày tự giam mình trong bốn bức tường. Đến mức độ nhất định, thể thao là hoạt động phục hồi chức năng, nhưng nó sẽ trở thành cuộc phiêu lưu thú vị, khi bạn bắt đầu hoạt động chuyên nghiệp - tín đồ yêu thể thao dẫn giải.

- Sau Paralympic Rio 2016, sự kiện thể thao được kênh Truyền hình Quốc gia Ba Lan tường thuật trực tiếp, tôi nhận thấy sự cải thiện rõ rệt trong nhãn quan người dân về đồng loại khuyết tật. Xã hội tỏ ra ngày càng thân thiện và đánh giá cao nỗ lực của chúng tôi. Tôi liên tục nhận được lời mời giao lưu với tuổi trẻ học đường. Tôi đã thành lập câu lạc bộ thể thao dành cho người khuyết tật ở Cieszyn. Nhờ Paralympic Rio, câu lạc bộ dễ dàng chiêu mộ thành viên. Vừa qua, tại giải Vô địch toàn Ba Lan, chúng tôi mang đến đội tuyển có tới 6 vận động viên!

2. Lùn tịt không tự ti

Cao chỉ 1m16 do bẩm sinh mắc bệnh cơ thể thiếu phát triển sụn, chị Justyna Kozdryk, nhân viên hành chính Cảnh sát huyện Grojec đã 18 năm hồn nhiên tập luyện bộ môn cử tạ. Hiện chị còn tham gia huấn luyện vận động viên trẻ tại câu lạc bộ GKS Kraska Jasieniec.

Người phụ nữ “dị nhân” đã 3 lần tham dự Paralympic (2008, 2012 và 2016) và 1 giải Vô địch Cử tạ Thế giới dành cho người khuyết tật Mexico 2017.

Tại giải Vô địch Cử tạ người khuyết tật Ba Lan 2017, Justyna Kozdryk đạt thành tích 100 kilogam, giành chiến thắng đồng thời lập kỷ lục quốc gia mới (kỷ lục cũ - 95kg), hạng cân 47kg.

Tuổi học đường, cơ thể thiếu phát triển sụn không bỏ giờ học thể dục

- Ngày mẹ sinh tôi, bác sĩ sản khoa đã nói với mẹ, lớn lên con gái sẽ lùn tịt. Tôi bị bệnh achondroplasia (cơ thể thiếu phát triển sụn). Dân gian gọi là người lùn, cho dù tôi không thích khái niệm này - nữ VĐV cử tạ bộc bạch.

- Tuổi ấu thơ, cho dù chiều cao đáng xấu hổ, tôi không né tránh vận động, không e ngại hoạt động thể chất, không xin phép nghỉ giờ học thể dục.

Tất nhiên tôi không thể thực hiện các bài tập của các bạn cao hơn. Thầy giao cho tôi bài tập riêng. Vì thế tôi rất kính trọng các thầy cô thời ấy, những người đã áp dụng chế độ đặc thù dành cho học trò cá biệt là tôi - Justyna bổ sung.

- Sau ngày thi tốt nghiệp phổ thông trung học và chờ vào đại học, tôi bắt đầu theo học khóa thể dục thể hình cùng chị gái. Thời gian sau, tôi đam mê và gắn với bộ môn cử tạ là nhờ thầy, huấn luyện viên tài hoa Miroslaw Malec.

Hào quang quốc tế

Trước ngày gắn tương lai nghề nghiệp của mình với cơ quan cảnh sát, Justyna là biên chế Phòng Lao động huyện Grojec. Tuy nhiên, công việc của các nhân viên mặc cảnh phục vẫn lôi cuốn thiếu nữ có chiều cao hạn chế.

- Công việc thuộc ngành cảnh sát là ước mơ cháy bỏng, giấu kín nhiều năm của tôi. Ngày tôi may mắn được tuyển dụng làm nhân viên hành chính Cảnh sát huyện, chỉ huy đơn vị giao cho tôi nhiệm vụ: ngoài nghĩa vụ hoàn thành công việc tại cơ quan, tôi phải tiếp tục tập luyện và huấn luyện các vận động viên bộ môn cử tạ. Các đồng nghiệp nhiệt tình động viên, hỗ trợ tôi. Điều đó thật đáng quý, tôi luôn biết ơn họ - nữ VĐV chân thành chia sẻ.

Tại giải Vô địch Cử tạ người khuyết tật Ba Lan 2018, học trò của Justyna thành viên CLB GKS Kraska Jasieniec cũng giành thành tích đáng khích lệ: Bartlomiej Tuszynski giành HC Bạc hạng cân trên 105kg, tuổi U16 (với thành tích 107,5kg); Jakub Grzelak - vị trí thứ 4, hạng 74kg với kết quả 90kg; Jakub Cieslak - vị trí thứ 5, hạng 83kg, cử giật 90kg.

Trước đó, tháng 4/2017 tại giải Vô địch Thế giới cử tạ dành cho người khuyết tật tổ chức tại Killeen, bang Texas, Mỹ, Justyna Kozdryk giành ngôi Vô địch sau khi chiến thắng nữ VĐV đối thủ Mông Cổ.

Đến nay Justyna đã có thành tích gồm 9 HC Vàng các giải Vô địch Thế giới, 10 HC Vàng giải Vô địch châu Âu và HC Bạc Paralympic Bắc Kinh 2008. Chị cũng lần lượt tham gia hai giải thi đấu tiếp theo thuộc sự kiện này ở London 2012 và Rio de Janeiro 2016, song không mang về huy chương. Hiện Justyna tham gia thi đấu cả các giải cử tạ dành cho người khuyết tật, cũng như người khỏe mạnh bình thường ở Ba Lan và châu Âu.

Bận tối ngày, nhưng hạnh phúc

Hàng ngày, ngoài công việc nhân viên hành chính Cảnh sát huyện Grojec, Justyna Kozdryk còn làm đại diện  CLB Kraska Jasieniec và Hiệp hội Thể thao phục hồi chức năng người khuyết tật Start Radom.

Chị thích chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình cho những người khuyết tật trẻ tuổi. Justyna quảng bá lối sống lành mạnh trong thanh niên và sự hòa nhập của họ với cộng đồng người khuyết tật. Chị thường xuyên được Ban giám hiệu các trường học tại địa phương mời đến nói chuyện và giao lưu với học sinh.

Justyna thừa nhận, chị bận công việc cả ngày. - Tôi không có thời gian dành cho sở thích nào khác, bởi ngoài việc chuyên môn ở cơ quan, tôi còn hoạt động thể thao và hoạt động xã hội. Tuy nhiên lúc nào tôi cũng thấy hạnh phúc với cuộc sống.

Năm nay 37 tuổi, Justyna Kozdryk đã tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành giáo dục trẻ câm điếc thuộc Học viên Sư phạm đặc biệt mang tên Maria Grzegorzewska, Warszawa.


Ngọc Báu
Ý kiến của bạn