Sau tà áo blouse trắng là một trái tim nồng nàn, đa cảm

06-03-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hiền Phương là một nữ bác sĩ hạnh phúc, bởi trong cả quãng đời làm nghề, chị luôn được cống hiến hết mình đúng với sở trường chuyên môn của mình.

Hiền Phương là một nữ bác sĩ hạnh phúc, bởi trong cả quãng đời làm nghề, chị luôn được cống hiến hết mình đúng với sở trường chuyên môn của mình. Bệnh nhân cảm mến và tin tưởng chị. Với đồng nghiệp, đặc biệt là những người trẻ, chị là một “big mama”, tâm điểm của sự ngưỡng mộ và yêu thương. Đến nay, khi đã rời vị trí quản lý là Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai, một ngày làm việc của chị vẫn sôi động với hàng chục bệnh nhân yêu cầu đích danh bác sĩ khám, liên tục từ 7 giờ sáng đến chiều muộn.

Bác sĩ, thi sĩ Hiền Phương trong công việc thường ngày.

Yêu thơ và học giỏi môn văn, thời học sinh cấp III, Hiền Phương là trò cưng của cô giáo dạy văn, đã từng làm bài tập làm văn bằng thơ. Nhưng cô gái trẻ đã theo sự hướng nghiệp của mẹ mình, một cán bộ y tế dày dặn kinh nghiệm và rất yêu nghề, quyết định chọn nẻo vào đời bắt đầu từ cánh cổng Trường đại học Y khoa Hà Nội. Bấy giờ với chị, nghề y đem lại cảm giác vừa sợ lại vừa thích. Sợ vì chứng kiến sự vất vả của mẹ với những ca trực triền miên, căng thẳng. Thích vì thường xuyên nhìn thấy niềm vui lấp lánh trong ánh mắt của mẹ, mỗi khi bà kể lại đã cứu sống được bệnh nhân hiểm nghèo như thế nào và cảm thấy hạnh phúc ra sao. Lúc đó, trong chị lại bừng lên niềm khao khát được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, được góp phần xoa dịu nỗi đau cho những phận người. Ra trường, được về làm việc tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai và chung thủy với chốn ấy tới tận ngày hôm nay. Là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước, bệnh nhân đến đây thường rất nặng, nhiều khi trong tình trạng chán nản, đã hết cả tiền, lại hết cả kiên nhẫn và hết luôn cả hy vọng, cảm thấy yếu đuối, mệt mỏi, lo lắng, đau đớn, thậm chí tuyệt vọng đến bất cần đã thành “một vùng khí quyển” quen thuộc trong đời chị. Nơi ấy cho chị trải nghiệm nhiều cung bậc tình cảm. Nỗi vất vả xen lẫn với cảm giác tủi thân, thậm chí cảm thấy bị bội bạc, có lúc làm chị kiệt sức, nhưng trên hết vẫn là lòng thương người và yêu nghề tha thiết. Công việc nhiều áp lực, luôn phải đưa ra những quyết định nhanh chóng, chính xác và không được phép sai sót trong những tình huống đầy thử thách trước tính mạng con người, đã tiêu hao không chỉ sức lực, chất xám mà có lúc tưởng như còn làm chai sạn cả những xúc cảm. Thế nhưng cái nghề đầy kịch tính này, cũng đem lại những vỡ òa hạnh phúc, những tình người cao đẹp,  không dễ tìm thấy ở nhiều nghề nghiệp khác. Và đó chính là lúc cảm xúc dâng trào: Tà áo trắng thân thương - điệp khúc sống muôn đời/ Trong thầm lặng suốt đêm ngày trăn trở/ Giữ từng nhịp tim giữ từng hơi thở/ Bằng bàn tay, khối óc, tình thương (Thanh cao).

Hiền Phương không buộc mình làm thơ. Chị không thuộc hàng ngũ các tác giả sáng tác chuyên nghiệp. Với chị, thơ ca là một cuộc ngao du trong tâm trạng của mình. Có khi ý thơ chợt đến sau một ca cấp cứu, khi vừa viết xong y lệnh, chị phải ghi vội ra mặt sau tờ đơn thuốc. Có những tứ thơ chị đọc nháp cho đồng nghiệp nghe giữa hai ca trực, sau đó thì... quên khuấy, nếu họ không tua lại. Xã hội thừa nhận sự vất vả của nghề y, nhưng chỉ người trong ngành mới thấm thía đến tận cùng nỗi cực nhọc và sự hy sinh thầm lặng. Tự nhận mình có biệt tài tẩu tán nỗi buồn, nhân bản niềm vui, thơ với chị là cách để chia sẻ cảm xúc, cân bằng tinh thần. Hiền Phương ưa ngồi một mình sau những giờ làm việc tập trung, căng thẳng, gom lại những mảnh cảm xúc ngẫu hứng của mình: Dạo bước giữa thinh không/ Bồi hồi vườn hoài niệm/ Nhặt từng mảnh tâm tư/ Rụng đầy như lá/ Lặng lẽ ngồi/ Vuốt phẳng lại/ Thành thơ (Đêm hoài niệm). Những câu thơ chị viết cho chính mình, chỉ đơn giản là mô tả những tiếng lòng riêng tư, đôi khi như là một sự giải tỏa những nặng nề trong lòng, vậy mà lại được nhiều người ưa thích. Những bài thơ của chị cũng có duyên với nhạc, nên đã được các nhạc sĩ Văn Ký, Thuận Yến, Tuấn Phương, Văn Tiến, Thế Hùng... phổ nhạc, được giới thiệu trong những chương trình Tác phẩm mới của VTV, được vang lên trong những đêm thơ sinh viên, được in trên các báo Văn nghệ, Tiền Phong, Người Hà Nội, Sức khỏe & Đời sống, Quân đội nhân dân, Tạp chí Văn học của Hội Nhà văn... và cả báo của các tỉnh bạn. Bên cạnh những đồng nghiệp ngành y, nữ thi sĩ, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội còn có khá nhiều bạn thơ vong niên và đồng niên như các nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Hữu Thỉnh, Lê Đạt, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa, Trần Sĩ Tuấn, Hữu Việt...

Bác sĩ Hiền Phương đã có 3 năm phục vụ trong quân ngũ. Quãng thời gian đó đã rèn luyện cho chị tính kỷ luật, tỉ mỉ, làm gì cũng chỉn chu. Để sống trọn vẹn với nghề y, chị hiểu rằng cần có một hành trình rõ ràng để cập nhật kiến thức, liên tục hoàn thiện bản thân, kể cả khi đã trở thành bác sĩ chuyên khoa 2, rồi tiến sĩ y khoa và thầy thuốc ưu tú. Sự mạch lạc trong tư duy lan cả vào thơ, dẫu là những câu thơ biểu đạt một tâm hồn đàn bà mẫn cảm: Em cứ muốn/ Mình suốt đời khờ dại/ Tim của mình/ Mà nhịp đập của anh. Hay những khát khao được nói ra một cách giản dị: Em muốn mềm ra/ Như lạt/ Buộc ghì ánh mắt/ Để anh nhìn say đắm/ Chỉ em thôi. Hoặc thẳng thừng đến mức đắng chát: Mẹ mang cả tuổi xuân mình/ Cá vào một thời ngây dại/ Nếu không được con làm lãi/ Canh bạc cuộc đời trắng tay!

Tập thơ đầu tay ra đời năm 1992. Tập thơ mới nhất hiện đang nằm trên bàn biên tập của nhà xuất bản. Nữ cựu chiến sĩ, bác sĩ, tiến sĩ, thi sĩ Hiền Phương vẫn đang ngày đêm say mê với sự nghiệp trị bệnh cứu người và lãng mạn bước tiếp trong cuộc dạo chơi thi ca đầy ngẫu hứng của riêng mình...

  Võ Hồng Thu

 

 

 


Ý kiến của bạn