Hà Nội

Sau sự cố môi trường Formosa Hà Tĩnh: Vẫn nóng từ biển đến đất liền

03-08-2016 10:13 | Xã hội
google news

SKĐS - Để tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng tại vùng biển miền Trung một cách thuyết phục...

Để tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng tại vùng biển miền Trung một cách thuyết phục, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Ban Bí thư, Chính phủ bằng thái độ bình tĩnh đã từng bước đấu tranh kiên quyết, có lý lẽ, dựa trên những cơ sở khoa học, Formosa đã phải bồi thường 500 triệu USD  đồng thời phải cam kết không tái diễn hành vi vi phạm, nếu tái diễn sẽ kiên quyết đóng cửa. Thế nhưng, ngay sau đó, người ta lại vừa phát hiện hàng trăm tấn chất thải của Formosa được chôn lấp trong đất liền, và đến nay vẫn chưa xác định được mức độ gây ô nhiễm môi trường,...

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trong khi vẫn chờ đợi các cơ quan chức năng công bố chính thức kết quả xét nghiệm chất thải của Formosa được người dân và cơ quan chức năng phát hiện chôn lấp tại một số địa điểm khu vực quanh Hà Tĩnh thì trong nghị trường tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đã tập trung vào vụ việc Formosa gây ô nhiễm môi trường khiến dư luận bức xúc thời gian qua, hậu quả để lại vẫn còn rất nghiêm trọng, nhưng trách nhiệm thuộc về ai vẫn chưa có câu trả lời, chúng ta cần phải có một cái nhìn đúng đắn, trung thực, khách quan về vấn đề này. Vấn đề ô nhiễm môi trường từ biển đến đất liền đang được dư luận đòi hỏi phải làm rõ và triệt để.

Cá chết do môi trường ô nhiễm.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, phải kiên quyết làm rõ nguyên nhân chủ quan để có giải pháp khắc phục triệt để, không để xảy ra tình trạng tương tự với các dự án khác, lấy lại lòng tin của cử tri và người dân. Nhưng thủ phạm vẫn vô danh tính. Không có một cái tên cụ thể nào là tác nhân của thảm họa. Mặc dù cử tri cả nước hiện đang tập trung vào ông Võ Kim Cự - người từng là Trưởng ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Bí thư tỉnh Hà Tĩnh, suốt hai tháng qua luôn được báo chí săn đuổi gắt gao, thậm chí đích thân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi họp báo sau khi tuyên thệ nhậm chức cũng đã yêu cầu ông Võ Kim Cự phải có trách nhiệm trả lời báo chí rõ ràng nhưng chúng ta đều đối mặt với một sự thật “lấp liếm”.

Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - Đoàn TP.HCM cho rằng: “Ủy ban Kiểm tra Trung ương nên xem xét trách nhiệm của ông Võ Kim Cự trong các quyết định trước đây liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh. Với quy định pháp luật, các dự án có thời hạn 50 năm, trường hợp 70 năm là đặc biệt và hiếm hoi. Vì vậy, ở cấp Chính phủ, khi Thủ tướng phê duyệt 70 năm phải có hồ sơ và có sự tư vấn đầy đủ của các bộ, ngành. Không đơn giản Thủ tướng gật đầu ngay mà phải có quá trình xem xét rồi mới quyết định. Ở địa phương, nếu tỉnh tự động cấp 70 năm, làm quá quyền hạn thì không thể bào chữa được”, ông Nghĩa nói.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, Thanh tra Chính phủ khi thực hiện chức năng nhiệm vụ đã cho rằng Hà Tĩnh chưa thực hiện đúng quy định pháp luật liên quan đến thời hạn đầu tư của Formosa Hà Tĩnh. Cụ thể, năm 2012, Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đến tháng 4/2015, thông báo kết luận cuộc thanh tra này xác định: Việc Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng cấp giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn 70 năm cho nhà đầu tư Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa khi chưa được Chính phủ đồng ý là vi phạm Điều 52, Luật Đầu tư 2005. Kết luận của Thanh tra Chính phủ thời điểm đó đã khẳng định Hà Tĩnh làm như thế là chưa đúng pháp luật bởi Luật Đầu tư chỉ cho phép 50 năm. Mặc nhiên, Thanh tra Chính phủ nêu nhưng không đề cập đến trách nhiệm bất cứ cá nhân nào.

Mặc dù thời điểm đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ không chỉ rõ từng cá nhân cụ thể nhưng thiết nghĩ đương nhiên gắn với tên tuổi cá nhân lãnh đạo tại thời điểm đó thì phải có trách nhiệm, không thể không có trách nhiệm.

Chất thải của Formosa được chôn lấp trong đất liền, đến nay vẫn chưa xác định được mức độ gây ô nhiễm môi trường...

Chính phủ kịp thời hỗ trợ người dân đảm bảo cuộc sống

Một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm, không thể vì phát triển kinh tế, vì thu hút đầu tư mà bỏ qua môi trường, nhất là môi trường sống của người dân. Từ sự cố này, Thủ tướng đề nghị các đơn vị bộ, ngành Trung ương, địa phương phải nhanh chóng có chính sách đảm bảo hỗ trợ toàn diện cho ngư dân, đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho ngư dân trong việc đánh bắt xa bờ của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra. Thủ tướng yêu cầu cụ thể đối với các bộ, ngành, địa phương sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân cá chết tại miền Trung phải thực hiện đề xuất hỗ trợ lãi suất cho người dân, hỗ trợ cho người dân tái sản xuất.

Ngoài ngư dân thì các cơ sở du lịch cũng ảnh hưởng lớn, đặc biệt nhiều nhà đầu tư mới xây dựng xong. Chính phủ cũng đã có chính sách tín dụng, giảm thuế giúp các nhà đầu tư vượt qua khó khăn, bởi nhiều cơ sở du lịch khách đăng ký nhưng đã huỷ hết từ lúc đó đến hết năm; Hỗ trợ việc làm cho người dân các địa phương, vùng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, cần xử lý khoản tiền 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng) đền bù của Formosa không phải để chi trực tiếp ngay các việc trước mắt mà phải dành chủ yếu cho phát triển lâu dài. Đó là việc quan trọng nhất. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu sau việc này là Formosa phải cam kết không tái diễn hành vi vi phạm, nếu tái diễn sẽ kiên quyết đóng cửa.

Người dân vẫn trông chờ hành động quyết liệt của bộ máy “Chính phủ liêm chính”, “Chính phủ vì dân” nhiệm kỳ mới này sẽ làm thay đổi bộ mặt của người miền Trung vốn dĩ đã nhiều kham khổ và chỉ ra được sai phạm do đâu? Và trách nhiệm trước sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng này là do ai?

(Mời bạn đọc xem tiếp trên SK&ĐS số 125 ra ngày 5/8/2016)

Mời tham gia Diễn đàn Môi trường với sức khoẻ

Mỗi năm, theo WHO, trung bình trên thế giới có 13 triệu người tử vong vì môi trường sống ô nhiễm. Tại Việt Nam, tình trạng nguồn nước không sạch, không khí ô nhiễm, đất trồng ô nhiễm, ô nhiễm tiếng ồn… ngày càng nghiêm trọng. Đây là hệ luỵ của việc quản lý, xử lý chất thải sản xuất, chất thải sinh hoạt chưa triệt để. Hậu quả trước mắt là chất lượng sức khoẻ người dân giảm sút, gia tăng bệnh tật, điển hình là tỷ lệ ung thư ở người trẻ tăng cao. Hậu quả lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển sức khoẻ, thể chất của thế hệ con cháu sau này.
Trước thực trạng cấp bách đó, báo Sức khoẻ&Đời sống mở Diễn đàn Môi trường với sức khoẻ với sự góp tiếng nói của cơ quan quản lý, của các nhà khoa học, các doanh nghiệp và người dân... nhằm kiến nghị với các cấp quản lý giải pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề môi trường cũng như giúp người dân có ý thức hơn trong việc phát hiện sai phạm, gìn giữ môi trường, biết cách bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình trước tình trạng ô nhiễm môi trường. Tin, bài, ảnh và các thông tin tố cáo hoạt động gây ô nhiễm môi trường xin gửi về hòm thư bandientuskds@gmail.com, thoisuchinhtri@gmail.com và đường dây nóng 0901727659.

SK&ĐS


Minh Phong
Ý kiến của bạn