Cần vệ sinh răng miệng sau sinh
Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh cho vấn đề phụ nữ sau sinh nên kiêng đánh răng để tránh làm yếu răng hoặc bị rụng răng lúc về già. Thực tế cho thấy sau khi sinh, sản phụ có thể bị ê buốt răng hoặc răng yếu. Nguyên nhân là sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ và sau khi sinh em bé.
Mẹ bầu và phụ nữ sau sinh còn thiếu hụt nhiều chất như sắt, canxi, vitamin, khoáng chất... do phải cho bé bú. Vì thế, phụ nữ sau khi sinh dễ bị mắc bệnh lý về răng miệng như viêm nha chu, viêm nướu…
Việc kiêng cữ đánh răng sau khi sinh có thể khiến vi khuẩn tích tụ nhiều trong miệng. Tình trạng này sẽ dẫn đến nhiều vấn đề răng miệng.
Chưa kể chế độ ăn của sản phụ là phải tăng cường hàm lượng đạm cùng dinh dưỡng cao trong bữa ăn để có dưỡng chất cho bé bú và phục hồi sức khỏe. Điều này sẽ hình thành các mảng bám thức ăn ở kẽ răng, nướu, chân răng… gây viêm nướu, sâu răng, chảy máu chân răng, răng yếu và lung lay. Chính vì thế, các bà mẹ sau khi sinh không được kiêng đánh răng mà cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Thực tế nếu không vệ sinh tắm rửa và vệ sinh răng miệng sạch sẽ thơm tho thì cơ thể và khoang miệng các mẹ sẽ là môi trường lý tưởng cho nhiều loại vi trùng, vi khuẩn trú ngụ phát triển, gây khó chịu và các bệnh về răng miệng sẽ xuất hiện. Vì thế, sau khi sinh con sản phụ đã có thể ngồi và đi lại thì cũng có thể đánh răng như bình thường.
Nhưng lúc này mẹ phải lưu ý chỉ nên chải răng nhẹ nhàng, không nên chải quá mạnh vì khoang miệng lúc này dễ bị tổn thương. Đồng thời để giảm bớt tình trạng đau nhức do răng ê buốt, mẹ bỉm cũng nên dùng nước súc miệng hoặc nước muối pha ấm.
Việc thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách vào buổi sáng và tối sẽ giúp khoang miệng của mẹ luôn thông thoáng, hạn chế tối đa tình trạng vi khuẩn tích tụ gây hại cho men răng và nướu.
Chăm sóc răng miệng đúng cách sau sinh
- Chọn bàn chải đầu nhỏ, lông bàn chải mềm. Chải răng nhẹ nhàng từ hàm trên xuống và từ hàm dưới lên, hoặc xoay tròn bàn chải đánh răng.
- Sử dụng chỉ nha khoa để lấy những mẩu thức ăn nhỏ còn sót lại ở chân răng. Các mẹ nên tránh dùng tăm vì dễ gây chảy máu nướu răng và tạo thành các kẽ hở cho răng.
- Nên đánh răng súc miệng bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý.
- Cạo vôi và thăm khám nha sĩ định kỳ.
Chế độ ăn uống sau sinh cần lưu ý gì?
Tránh các loại đồ ăn có nhiều tinh bột, đường - những loại thức ăn này dễ hình thành mảng bám vào răng và các loại đồ uống có đường (như đồ uống có gas hoặc trà ngọt) dễ làm mòn răng, sâu răng.
Nếu cảm thấy đói giữa các bữa ăn, các mẹ có thể ăn nhẹ với các loại thực phẩm như rau, trái cây tươi hoặc sữa chua, các loại hạt.
Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu canxi như: Tép nhỏ, cua đồng, cá hồi, hải sản, sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa tươi, phô mai, yogurt…) các loại đậu (đậu đen, đậu trắng, vừng…) và các loại rau củ, hoa quả giàu canxi (bông cải xanh, rau bina, rau dền, bí đỏ, chuối, kiwi…) để bổ sung cho chính mình và cho bé qua đường sữa mẹ.
Lời khuyên thầy thuốc phòng bệnh răng miệng sau sinh
Sau sinh men răng của bà mẹ sẽ trở nên nhạy cảm hơn, men răng trở nên yếu hơn và vi khuẩn cũng có điều kiện thuận lợi để tấn công và phát triển, dẫn đến sự xuất hiện của một số vấn đề liên quan đến sức khỏe răng miệng.
Những bệnh về đường miệng mà các mẹ sau sinh hay gặp như ê buốt răng, viêm chân răng, viêm lợi, viêm nha chu, chảy máu chân răng…
Vì vậy, ngoài việc thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách, sản phụ cần thực hiện các nguyên tắc sau để phòng bệnh răng miệng.
Chú ý không ăn các thực phẩm có chứa nhiều đường, bột như nước ngọt, bánh kẹo. Chúng sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng, mòn răng.
Sản phụ hạn chế không ăn những thực phẩm có nhiều gia vị như chua, cay, quá nóng hay quá lạnh. Bởi chúng có khả năng gây kích ứng chân răng. Chưa kể đồ ăn có vị cay sẽ dễ làm hệ tiêu hóa của mẹ rối loạn, đường ruột của trẻ cũng bị ảnh hưởng thông qua sữa mẹ.
Sản phụ không uống bia rượu, trà, cà phê để tránh ảnh hưởng xấu đến chất lượng sữa, gây mất ngủ, khó tiêu, tác động không tốt đến tinh thần của người mẹ.