Từng lời Người nói ra, đi sâu vào trái tim tôi, bỗng dưng Người dừng lại và hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Bây giờ nghĩ lại càng thấy rõ tấm lòng của Người không lúc nào là không nghĩ tới nhân dân, lo lắng cho nhân dân, bất chấp mọi công thức, thủ tục. Câu hỏi giản dị đó cùng với Bản Tuyên ngôn bất diệt đã đi vào lịch sử, nhưng đến nay, ôn lại chuyện xưa, tôi cảm thấy vẫn văng vẳng bên tai tiếng Người nói: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”...
Bác Hồ trò chuyện với trí thức ngành y.
Một lần khác, tôi lại được gần Người. Trong một buổi liên hoan ở Phủ Chủ tịch năm 1946, sau khi mọi người ăn xong bánh kẹo, Hồ Chủ tịch đứng lên và trước khi nói chuyện có hỏi: “Tất cả đã ăn đủ chưa? Còn ai chưa được ăn không?”. Ở đây tôi cũng lại thấy tấm lòng của Người vẫn hằng quan tâm lo lắng cho mọi người. Lúc đó, tôi nghĩ dù anh em nào chưa được hiểu biết Người, lại vẫn thường quen với tác phong của các chính khách tư sản cũng không thể nào không cảm thấy Người rất gần mình.
Lần thứ ba vừa được gặp Hồ Chủ tịch, tôi đã cảm thấy ngay sức hấp dẫn của Người. Cũng trong năm 1946, cùng với đoàn đại biểu của Trường Đại học y dược do bác sĩ Hồ Đắc Di dẫn đầu, chúng tôi được Hồ Chủ tịch tiếp ngay trong phòng làm việc một cách thân mật. Hôm đó, Hồ Chủ tịch bận bộ quần áo kaki thường lệ, đi giày vải đen, người mảnh khảnh... Người hỏi về tình hình học tập của các anh em sinh viên, hỏi về vấn đề giảng dạy, nêu lên yêu cầu đào tạo cán bộ y tế... Tất cả những lời nói, những cử chỉ của Người đều rất giản dị, rất tự nhiên làm cho các anh em trong đoàn thấy mến phục và mạnh dạn phát biểu ý kiến.
Từ khi hòa bình lập lại, tôi có nhiều lần được gặp Hồ Chủ tịch, được gặp Bác hoặc trong các buổi lễ lớn, trong các hội nghị hoặc khi Bác đi thăm bệnh viện và nhà trường. Đặc biệt là dịp Tết, gia đình tôi có vinh dự lớn là được Bác đến thăm nhà. Bác đến giữa tối 30, ngoài trời vừa mưa vừa rét, phố xá yên lặng, nhà nào nhà nấy đang chuẩn bị đón giao thừa. Sau hồi chuông và nghe thấy các cháu xôn xao gọi nhau “Bác Hồ đến! Bác Hồ đến!”, tôi vội xuống gác, chạy qua sân ra cửa ngoài nhưng đã thấy Bác, Bác thực! Tôi choáng váng không sao nén nổi cảm xúc, tôi bối rối không nhớ lúc đó đã nói được gì. Hai tay tôi ôm choàng lấy Bác và dẫn Bác vào nhà. Bác muốn xem sự chuẩn bị Tết trong gia đình như thế nào: có bánh chưng không, có thịt không? Bác hỏi việc mua gạo bánh có dễ không... Mời Bác ra phòng khách, Bác gọi các cháu ngồi xung quanh Bác. Lúc đó, một phần nào sự cảm động đã ổn định, tôi ngỏ lời chúc thọ Bác. Bác vừa cười vừa nói: “Nếu khỏe thì đã chẳng đến bác sĩ”. Tôi báo cáo với Bác về tình hình công tác và học tập. Bác nói chuyện với các cháu. Bác bảo các cháu hát và không quên chia kẹo cho các cháu trước khi đứng dậy ra về...
Riêng đối với bản thân, một người trí thức xuất thân từ nhà trường cũ, tôi không sao nói siết cảm xúc và lòng biết ơn sâu sắc của tôi đối với Bác và đối với Đảng. Chỉ từ khi có Bác và có Đảng, tôi mới thấy rõ con đường đi của mình. Được sự giáo dục của Đảng, được nhân dân giúp đỡ, tôi đã thực sự tìm thấy lẽ sống của mình là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Bác đã chỉ cho chúng tôi là phải hòa mình với nhân dân, khiêm tốn học tập nhân dân và một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Đảng và Bác còn tạo điều kiện cho chúng tôi đi sát thực tế, giúp tôi cải tạo tư tưởng và tiến bộ. Tin theo Bác và làm theo Đảng, trong những năm qua, tôi đã cố gắng học tập chính trị, hăng hái tham gia lao động chân tay cũng như đi sâu vào thực tế xã hội, do đó mà trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa được nâng cao, những tàn tích tư tưởng đế quốc phong kiến dần dần được gột rửa. Qua thực tế, tôi nhận thấy rằng chỉ có mang hết khả năng của mình phục vụ cho sự nghiệp cách mạng thì khả năng của mỗi người mới được phát triển, trí thức của mỗi người mới được bồi dưỡng và nâng cao. Cũng như qua thực tế ở các nước Liên Xô, các nước anh em khác, tôi nhận thấy người trí thức ở trong chế độ xã hội chủ nghĩa mới có đầy đủ điều kiện để hoạt động và tiến bộ không ngừng...
Nói tới Hồ Chủ tịch, tôi thấy không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại giải phóng đất nước và đang lãnh đạo nhân dân ta trên con đường xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất nước nhà, tôi còn thấy hình ảnh người cha, người thầy thương yêu nhân dân như con trong một gia đình. Người là trái tim, là tình cảm, là đời sống của chúng ta cũng như Người là linh hồn dân tộc...
LINH TRANG
(Trích từ báo Tổ quốc, tháng 5/1960)