Cây sầu riêng tên khoa học là Duro Zibethinus Murr còn được mệnh danh là “hoàng hậu của loài quả”, “quả nhiệt tình”. Đó là đặc sản của vùng Đông Nam Á. Cây sầu riêng hấp dẫn không chỉ bởi mùi vị đặc trưng mà nó còn là một loại quả nhiều dinh dưỡng, được dùng làm nước giải khát, mứt kẹo, bánh, nấu chè, xôi, thơm, ngon, mát, bổ. Các bộ phận cây sầu riêng được dùng làm thức ăn và thuốc chữa bệnh. Hạt sầu riêng được dùng như hạt mít, hạt điều. Ăn có tác dụng bổ tỳ, bổ thận. Sau đây là một số món ăn thuốc bổ thận tráng dương từ sầu riêng:
Bổ thận tráng dương: bầu dục lợn 1 bộ, sầu riêng (sắp chín) 200g, gia vị vừa đủ. Bầu dục thái nhỏ ướp gia vị. Sầu riêng chọn quả sắp chín để thái miếng nhỏ xào với bầu dục. Ăn nóng. Ngày 1 lần. Món này rất tốt cho người bị chứng lãnh cảm, suy yếu tình dục.
Chữa di tinh, liệt dương: sầu riêng 50g, đường 20g (hoặc mật ong lượng thích hợp) đánh nhừ như kem, thêm khoảng 100ml nước chín nguội hòa đều để uống. Ngày 2 lần, trong 10 ngày.
Bổ thận, cứng gân cốt, kích thích tiêu hoá: vỏ quả sầu riêng 15g, đậu đen sao 10g, tang ký sinh 12g, hà thủ ô chế 15g, đỗ trọng 15g, cốt toái bổ 15g, vỏ quýt 8g. Sắc uống.
Ngoài ra, sầu riêng còn được dùng làm thuốc trong các trường hợp:
Tiêu chảy: vỏ quả sầu riêng 20g, vỏ quả măng cụt 20g, sắc với 3 bát nước lấy 1 bát chia 2 lần uống. Bệnh nhẹ chỉ dùng 1 trong 2 vị.
Sốt rét, đau gan vàng da: rễ hoặc lá cây sầu riêng 12g, cam thảo dây 12g, chi tử (quả dành dành) 12g sắc với 3 bát nước lấy 1 bát. Uống làm 2 lần. Dùng 5 ngày.
Cảm sốt, viêm gan vàng da: lá và rễ cây sầu riêng 30-40g, lá và rễ cây đa 20-30g, sắc uống. Có thể chỉ dùng lá rễ sầu riêng sắc uống trong ngày. Lá dùng nấu nước cho bệnh nhân viêm gan vàng da, tắm rửa.
Các bệnh về gan: rễ lá sầu riêng 10-16g sắc với 600ml nước còn 200ml chia 2 lần uống trong ngày.