Sâu răng ở tuổi học đường Làm sao tránh?

26-12-2013 16:25 | Đời sống
google news

SKĐS - Sâu răng là một bệnh khá phổ biến, thường gặp ở lứa tuổi học đường. Đặc biệt, trẻ từ 6 - 8 tuổi có tỉ lệ sâu răng rất cao, lên đến 85%.

Sâu răng là một bệnh khá phổ biến, thường gặp ở lứa tuổi học đường. Đặc biệt, trẻ từ 6 - 8 tuổi có tỉ lệ sâu răng rất cao, lên đến 85%. Ngày nay, khi kinh tế ngày càng phát triển, dinh dưỡng được cải thiện đi kèm với nó là hàm lượng đường trong khẩu phần ăn cũng tăng lên, điều này góp phần làm cho tỉ lệ sâu răng ngày càng lan rộng. Bệnh sâu răng ẩn chứa nhiều nguy cơ, cần được phòng ngừa và chữa trị một cách hợp lý.

Tình hình thực tế

Theo kết quả điều tra về răng miệng gần đây cho thấy trên toàn quốc có trên 60% người bị sâu răng. Đặc biệt, có khoảng 85% trẻ em từ 6 - 8 tuổi bị sâu răng, mỗi trẻ trung bình có tới 6 răng sâu. Sâu răng xuất hiện ở cả hàm răng sữa và răng hỗn hợp (trong miệng có cả răng sữa và răng vĩnh viễn). Đây là lứa tuổi trẻ bắt đầu đến trường. Đặc điểm của răng sữa là kết cấu không bền vững, mềm và dễ bị tác động của vi khuẩn trong miệng, do vậy, răng sữa rất dễ bị sâu.

Hàm răng sữa ở trẻ em có chức năng quan trọng không kém gì răng vĩnh viễn. Ngoài chức năng ăn nhai, răng sữa còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển xương hàm và giữ đúng vị trí cho răng vĩnh viễn mọc sau này. Do đó, để trẻ có bộ răng vĩnh viễn không bị lệch lạc, cần phải theo dõi và chăm sóc răng sữa thật tốt.

 

Nguyên nhân...

Nguyên nhân chính dẫn đến sâu răng là do vệ sinh răng miệng không sạch và không thường xuyên. Trong quá trình ăn uống, các mảng thức ăn dính lại trên các kẽ răng nếu không được làm sạch sẽ lên men và tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển tấn công và hình thành lỗ sâu. Các em học sinh là lứa tuổi rất hay ăn quà vặt, đặc biệt là các loại bánh kẹo, đồ ăn sẵn chứa nhiều đường, tinh bột. Hầu hết khi ăn các loại thức ăn này, răng miệng các em đều không được làm sạch ngay, các mảng thức ăn còn sót lại trên răng trở thành mảnh đất màu mỡ cho vi khuẩn răng miệng phát triển. Hầu hết trẻ không có thói quen kiểm tra tình trạng răng của mình, chỉ đến khi sưng đau, trẻ mới báo cho cha mẹ biết, lúc đó bệnh thường đã nặng.

... và giải pháp

Cha mẹ cần phòng ngừa sâu răng cho trẻ bằng cách thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng đúng lúc, đúng cách. Hạn chế cho trẻ ăn quà vặt, nhất là đồ ăn sẵn và thức ăn đường phố không hợp vệ sinh. Nên cho trẻ đi khám răng định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện các dấu hiệu sớm của sâu răng và có hướng xử trí thích hợp.

Nhà trường nên kết hợp với Chương trình nha học đường để được trang bị thêm ghế răng và nhân viên y tế giúp kiểm tra răng miệng và hướng dẫn chăm sóc răng cho trẻ. Ngoài cung cấp kem đánh răng, nước súc miệng flour, trám bít hố rãnh ngừa sâu răng, Chương trình nha học đường còn cung cấp dự án flour hóa nước uống và dự án muối flour giúp ngăn ngừa sâu răng hiệu quả.

Để trẻ có răng chắc khỏe, phát triển tốt, khi mang thai, bà mẹ cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng giúp tạo được mầm răng khỏe cho trẻ ngay từ giai đoạn bào thai vì mầm răng hình thành ngay từ tháng đầu của thai kỳ. Khi trẻ đã hình thành răng sữa, cần chăm sóc răng miệng sạch sẽ. Người lớn cần tạo cho trẻ thói quen đánh răng, đặc biệt là buổi tối trước khi đi ngủ. Trẻ nên dùng kem đánh răng phù hợp lứa tuổi. Chỉ chải răng 2 lần/ngày, trong đó 1 lần trước khi đi ngủ đã có thể ngừa sâu răng hiệu quả, giúp phòng các bệnh quanh răng... Y tế học đường với chăm sóc răng miệng cho trẻ em sẽ được mở rộng, đem đến hiệu quả lâu dài về sức khỏe răng miệng cho cộng đồng.  

BS. Lê Ngọc Diệp (Khoa Răng trẻ em, BV Răng hàm mặt T.Ư, Hà Nội)

 


Ý kiến của bạn