Vì sao bị sâu răng?
Vi khuẩn tích tụ trên răng và tạo ra axit gây sâu răng. Vi khuẩn, nước bọt và các mẩu thức ăn tạo thành một lớp mỏng gọi là mảng bám dính vào răng. Theo thời gian, mảng bám dần cứng lại và trở thành cao răng.
Cao răng thường có màu vàng, đôi khi xuất hiện ở chân răng. Vi khuẩn sống trong mảng bám và cao răng rất khó bị loại bỏ.
Môi trường ngọt tạo điều kiện thích hợp để vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Đó là lý do tại sao thực phẩm và đồ uống có đường có thể dẫn đến sâu răng. Lượng đường tiêu thụ không quan trọng bằng tần suất tiêu thụ đường, bởi vì thời gian đường tiếp xúc với răng càng lâu, nguy cơ gây sâu răng càng lớn.
Các đối tượng có khả năng bị sâu răng rất cao: Có nhiều mảng bám và cao răng trong miệng; Ăn và uống thực phẩm có đường hoặc axit, chẳng hạn như nước ngọt hoặc nước trái cây; Có quá ít fluoride trong răng; Bị khô miệng; Bị tụt nướu.
Biểu hiện của sâu răng
Dấu hiệu để nhận biết bệnh sâu răng khác nhau ở từng mức độ của bệnh, ở giai đoạn đầu của bệnh có thể rất khó phát hiện ra và thường không có dấu hiệu gì. Nhưng khi bắt đầu tiến triển, bệnh nhân có thể thấy những dấu hiệu như:
- Nhức răng, răng nhạy cảm và thường xuyên ê buốt khi ăn thức ăn nóng lạnh.

Vi khuẩn tích tụ trên răng và tạo ra axit gây sâu răng.
- Nhìn thấy lỗ, các vệt đen hoặc hố trong răng.
- Cắn thức ăn cảm thấy đau.
- Xuất hiện mủ quanh chân răng
Khi gặp các triệu chứng trên nên nhanh chóng gặp nha sĩ để có phương án xử lý bảo tồn răng tốt nhất. Ngoài ra, một số triệu chứng sau cũng là cảnh báo cho 1 hàm răng không khỏe mạnh:
- Nướu sưng đỏ, mềm, thường xuyên chảy máu nướu răng;
- Xuất hiện mủ quanh răng, nướu tách khỏi răng;
- Răng lung lay và bệnh hôi miệng. Đánh răng cũng cảm thấy đau…
Thường xuyên khám định kỳ tại các cơ sở nha khoa uy tín là một việc quan trọng để bảo vệ sức khỏe răng miệng một cách tốt nhất
Sâu răng có thể gây biến chứng nghiêm trọng
Sâu răng nguy hiểm vì chúng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng ngay cả đối với trẻ chưa mọc răng vĩnh viễn. Các biến chứng có thể bao gồm: Đau; Áp xe răng; Sưng hoặc có mủ xung quanh răng; Hư hỏng hoặc gãy răng; Các vấn đề về nhai, mất răng.
Khi tình trạng sâu răng trở nên nghiêm trọng, có thể mắc một số vấn đề như: Đau răng cản trở ăn uống, sinh hoạt hàng ngày; Sút cân. Trong 1 số ít trường hợp, áp xe răng do nhiễm vi khuẩn có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng.
Điều trị sâu răng như thế nào?
Phân loại sâu răng theo mức độ lỗ sâu:
- Sâu giới hạn ở men;
- Sâu ngà trong lớp ngà;
- Sâu răng sát tủy;
- Sâu răng có thể xảy ra ở các vị trí của răng: thân, cổ, chân..
Tùy vào từng tình trạng mà có các biện pháp xử trí khác nhau, cụ thể:
Hàn phục hồi các lỗ sâu bằng các vật liệu phù hợp. Với các lỗ sâu lớn sát tủy cần dùng phương pháp hàn bảo vệ tủy.
Khi tình trạng răng sâu trở nên nghiêm trọng và không thể khôi phục, nhổ răng là cách điều trị phù hợp nhất. Răng bị sâu sẽ được loại bỏ để ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng đến các răng khác. Sau khi nhổ răng, bạn có thể lựa chọn phương án thay thế như lắp cầu răng hoặc trồng răng implant để khôi phục chức năng nhai và tạo thẩm mỹ cho răng miệng.
Phòng sâu răng
Để phòng sâu răng, không nên ăn vặt, nhất là thức ăn có đường; tăng cường thức ăn có nhiều chất xơ như rau, táo, cam... Cần tăng cường chất lượng tổ chức cứng của răng bằng cách: người mẹ mang thai ăn uống tốt, nhất là cung cấp đủ canxi và vitamin; trẻ em cần chống còi xương, suy dinh dưỡng vì điều này ảnh hưởng tới sự phát triển của răng. Vitamin D, fluor là chất vi lượng rất quan trọng để nâng cao chất lượng tổ chức cứng của răng.
Về vệ sinh răng miệng, cần chải răng đúng cách với kem chứa fluor, tốt nhất là sau bữa ăn. Nên chải răng 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần.