Sâu răng & các yếu tố nguy cơ

08-08-2012 14:07 | Bệnh thường gặp
google news

Bệnh sâu răng là một bệnh của tổ chức cứng, biểu hiện bằng sự hủy khoáng các thành phần tổ chức và sự phá hủy tổ chức cứng của răng tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng.

Bệnh sâu răng là một bệnh của tổ chức cứng, biểu hiện bằng sự hủy khoáng các thành phần tổ chức và sự phá hủy tổ chức cứng của răng tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng.

Bệnh thường xuất hiện sớm sau khi mọc răng và tăng dần theo lứa tuổi. Ngày nay việc vệ sinh răng miệng đã được thực hiện rộng rãi nhưng tỷ lệ bệnh sâu răng vẫn ngày càng tăng ở các nước phát triển. Ở Việt Nam các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ  mắc bệnh sâu răng trong cộng đồng  còn khá cao so với các nước trên thế giới cũng như các nước trong khu vực.

Bệnh sâu răng là một bệnh mạn tính, bệnh tiến triển từ từ qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn sớm có thể chỉ là những đốm trắng hoặc đục xuất hiện trên mặt nhai hay kẽ giữa hai răng. Thường khó phát hiện do người bệnh không thấy đau. Chỉ đến khi lỗ sâu lớn ăn vào lớp ngà răng thì mới xuất hiện đau với cường độ nhẹ, hay cảm giác ê buốt thoáng qua với các kích thích nóng, lạnh của bệnh lý tủy. Lúc này sâu răng mới được phát hiện và điều trị.

 Chế độ ăn nhiều đường dễ khiến răng bị sâu.

Nguyên nhân gây sâu răng

Nước bọt cung cấp các yếu tố bảo vệ tự nhiên cho răng. Giảm dòng chảy nước bọt đến mức tối thiểu sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng mặc dù quá trình sâu răng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.

Sâu răng được coi là bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, nguyên nhân chính bao gồm vi khuẩn: thường xuyên có trong miệng, trong đó Streptococcus  mutans là thủ phạm chính, đồng thời chất bột và đường dính vào răng sau ăn sẽ lên men và biến thành acide do tác động của vi khuẩn.
Vi khuẩn và mảng bám răng: Mảng bám răng là một màng mỏng bám trên bề mặt răng có chứa nhiều vi khuẩn (trong đó chủng vi khuẩn Streptococcus mutans chiếm đến 95%). Các acid sinh ra từ các chất có trên mảng bám có vai trò quan trọng trong việc gây bệnh sâu răng.
 
Trong môi trường miệng răng được bao phủ bởi lớp màng dính glycoprotein có nguồn gốc từ nước bọt. Sau 2 giờ các cầu khuẩn bắt đầu bám trên màng dính. Sau 24, có tới  95% các chủng vi khuẩn nuôi cấy được trên mảng bám. Các vi khuẩn thường xếp song song hoặc theo kiểu hàng rào bắt đầu từ lớp sâu của mảng bám, bao gồm cầu khuẩn, trực khuẩn, xoắn khuẩn và vi khuẩn sợi.
 
Các nghiên cứu thực nghiệm trên động vật cho thấy Streptococcus mutans  là chủng vi khuẩn có khả năng gây sâu răng cao nhất. Các chất đường từ thức ăn nhanh chóng  khuyếch tán vào mảng bám được vi khuẩn chuyển hóa thành acid (chủ yếu là acid lactic, ngoài ra còn có acid acetic và acid propionic). pH mảng bám có thể giảm xuống rất thấp sau 10 phút ăn đường, mật độ tập trung cao của vi khuẩn trên mảng bám có vai trò quan trọng trong hiện tượng giảm nhanh chóng pH mảng bám.
 
Sau khoảng 30-60 phút, pH mảng bám quay về pH ban đầu do sự khuyếch tán của đường và các acid mảng bám ra môi trường miệng và sự khuyếch tán của các ion đệm từ nước bọt vào mảng bám. Các ion chất đệm này có vai trò hòa loãng và trung hòa acid trong mảng bám. Nếu pH của mảng bám < 5.5 thì sẽ gây ra hiện tượng mất khoáng men răng, đây là yếu tố khởi đầu cho sâu răng.

Vai trò của đường

Sự lên men đường có vai trò quan trọng trong việc gây bệnh sâu răng. Các loại carbohydrate  khác nhau có đặc tính gây sâu răng khác nhau. Sucrose (đường mía) có khả năng gây sâu răng cao hơn các loại đường khác.

Đường trong chế độ ăn được chia làm 2 loại: đường nội sinh (đường trong hoa quả và rau) và đường ngoại sinh (đường bổ sung, nước quả tổng hợp, sữa). Đường ngoại sinh có khả năng gây bệnh cao hơn do vậy nên giảm đường ngoại sinh trong chế độ ăn.

Các nghiên cứu cho thấy sự liên quan trực tiếp giữa chế độ ăn đường và tỷ lệ bệnh sâu răng phụ thuộc vào cách thức và tần suất ăn đường hơn là tổng lượng đường tiêu thụ của mỗi cá thể. Nguy cơ sâu răng sẽ cao hơn ở những cá thể ăn đường giữa các bữa ăn và ở những cá thể hay ăn các loại đường dính trên bề mặt răng.

Nhóm yếu tố nguy cơ khác

Tình trạng men răng như men răng thiểu sản hay men răng kém khoáng hóa có thể ảnh hưởng đến tiến triển của tổn thương sâu răng. Do khả năng hòa tan men tỷ lệ nghịch với nồng độ fluor của men răng vì thế với men răng thiểu sản hay men kém khoáng hóa thì khả năng tái khoáng kém hơn răng bình thường.

Hình thể và vị trí răng với những răng có hố rãnh sâu hay răng lệch lạc thì nguy cơ sâu răng cao hơn do sự tập trung cũng như khả năng lưu giữ mảng bám.

Sự bất thường của tuyến nước bọt cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc cũng như tốc độ tiến triển của bệnh sâu răng do khả năng bảo vệ răng khỏi các acid gây sâu răng.

Tốc độ dòng chảy của nước bọt là yếu tố làm sạch tự nhiên để loại bỏ các mảnh vụn thức ăn còn sót lại sau ăn và vi khuẩn trên bề mặt răng. Bằng chứng lâm sàng là chứng khô miệng do tia xạ hoặc do dùng thuốc hay do một số tình trạng bệnh lý toàn thân thì tỷ lệ sâu răng rất cao và nặng nề.
 
Nước bọt cung cấp các ion Ca2 , PO43-  và fluor để tái khoáng hóa men răng, các bicarbonate tham gia vào quá trình đệm, đồng thời tạo một lớp màng mỏng từ nước bọt có vai trò như một hàng rào bảo vệ men răng khỏi pH nguy cơ. Hàng rào này ngăn cản sự khuyếch tán của các ion acid vào răng và sự di chuyển của các sản phẩm hòa tan từ  apatite ra khỏi mô răng. Nó ức chế sự khoáng hóa để hình thành cao răng từ các ion calci và phosphate quá bão hòa trong nước bọt. Ngoài ra, nước bọt còn cung cấp các kháng thể IgM, IgG đề kháng vi khuẩn.

Nước bọt cung cấp các yếu tố bảo vệ tự nhiên cho răng. Giảm dòng chảy nước bọt đến mức tối thiểu sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng mặc dù quá trình sâu răng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.

 Hình ảnh giải phẫu răng bị sâu.

Chế độ ăn

Ăn nhiều đường, nhất là ăn vặt thường xuyên giữa các bữa ăn chính làm tăng nguy cơ sâu răng.

Thói quen ăn uống trước khi đi ngủ, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, việc cho bú bình kéo dài với sữa và các loại chất ngọt nhất là bú trong khi ngủ làm tăng tỷ lệ sâu răng gây nên hội chứng bú bình.

Chỉnh nha, sử dụng hàm giả bán phần, trám răng không đúng quy cách làm tăng khả năng lưu giữ các mảnh thức ăn, mảng bám vi khuẩn do đó làm tăng nguy cơ gây sâu răng.

Tóm lại, tuy không phải là một bệnh cấp tính nhưng nếu không được điều trị sớm và kịp thời sâu răng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và công việc. Để phòng ngừa bệnh sâu răng chúng ta cần có chế độ ăn uống hợp lý cũng như thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách. Kết hợp với khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm các dấu hiệu sâu răng và có biện pháp điều trị kịp thời.

 BS. Nguyễn Phương Thảo


Ý kiến của bạn