Hà Nội

Sau phẫu thuật ung thư đại tràng, ăn thế nào?

05-06-2018 09:49 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS_Chế độ ăn uống của người bệnh sau khi phẫu thuật ung thư đại tràng là cực kỳ quan trọng có tác dụng làm tăng nhanh hoặc làm chậm quá trình điều trị.

Chế độ ăn uống của người bệnh sau khi phẫu thuật ung thư đại tràng là cực kỳ quan trọng có tác dụng làm tăng nhanh hoặc làm chậm quá trình điều trị.

Đối với người bệnh ung thư sau phẫu thuật đại tràng do không muốn ăn nên không có đủ dinh dưỡng, cơ thể suy yếu, việc chọn lựa thức ăn lại càng cần đặc biệt chú ý, thức ăn phải được coi trọng như việc dùng thuốc thậm chí còn phải được quan tâm và chú ý hơn. Lựa chọn thức ăn hợp lý là một cách bồi bổ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Sau 2-3 ngày sau khi phẫu thuật cắt đoạn đại tràng nên nuôi dưỡng thông qua đường tĩnh mạch. Điều này rất có lợi cho thời gian để vết mổ cũng như miệng nối đại tràng liền tốt. Khi người bệnh bắt đầu ăn, sẽ bắt đầu với nước hầm thịt, nước trái cây và các loại thức ăn dễ tiêu hoá. Trong thực đơn hàng ngày có thể cần phải tránh một số loại thực phẩm có hại đồng thời cần cung cấp một số thực phẩm để cung cấp năng lượng.

Sau khi phẫu thuật đại tràng, khả năng của người bệnh để phân huỷ sữa có thể được tạm thời hoặc vĩnh viễn thay đổi. Trung tiện nhiều lần, chuột rút và tiêu chảy là một số biểu hiện thường gặp ở những người uống sữa sau mổ cắt đoạn đại tràng. Người bệnh có chế độ ăn uống kiêng có thể làm giảm hoặc mất hẳn các triệu chứng trên sau khi phẫu thuật ung thư đại tràng.

Sau phẫu thuật, người bệnh ung thư đại tràng nên ăn lỏng, dễ tiêu và bổ sung các loại đậu đỗ như cháo nấu thịt cùng đậu Hà Lan.

Khi người bệnh dần phục hồi, muốn duy trì cân bằng dinh dưỡng thường xuyên thì phải thông qua việc lựa chọn và kết hợp điều phối nhiều loại thức ăn, chứa nhiều calo, albumin và giàu vitamin như các loại cá, thịt nạc, sữa, nấm... và từ các loại rau xanh. Thức ăn nhiều đạm sẽ cung cấp cho người bệnh nhiều axit amin.

Thực phẩm nên dùng

Các loại axit amin có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, vì vậy cần ăn nhiều thức ăn chứa nhiều đạm như thịt nạc, trứng, các loại quả, hạt và đậu đỗ, dầu cá, các chế phẩm từ sữa. Mỗi ngày nên uống 1 - 2 cốc sữa.

Ăn các thức ăn dễ tiêu, lỏng, chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Ăn phong phú các loại thực phẩm nhưng thức ăn phải được chế biến càng đơn giản càng tốt, chủ yếu là ăn món luộc, hấp. Thức ăn nên được nấu kỹ với các thực phẩm có xơ khó tiêu nên xay nhỏ, lọc bỏ bã, chế biến dưới dạng cháo, súp. Nên chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày (5-6 bữa/ngày), ăn nhẹ, tránh ăn quá no hoặc quá đói. Nghỉ ngơi sau khi ăn.

Đảm bảo đủ dinh dưỡng cho bữa ăn: glucid, protein, vitamin, khoáng chất để tăng cường sức khỏe và khả năng đề kháng của cơ thể. Trong mỗi bữa ăn nên có rau, nước ép hoa quả nhiều vitamin.

Thực phẩm cần tránh

Tránh các loại quả chua, dưa chua, gia vị cay nóng, các chất kích thích vì gây kích thích vết loét. Tránh ăn các thức ăn khô, cứng.

Không nên ăn những món rán, quay, nướng hoặc những thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói, những thức ăn sinh hơi như đậu, bắp cải, dưa hấu, mít hoặc những thức uống có gas...


BS. Trần Anh Ngọc
Ý kiến của bạn