Sau phẫu thuật gãy xương hàm, có cần tháo nẹp vít ra không?

14-06-2016 14:12 | Đời sống
google news

SKĐS - Xương hàm dưới thì thường khoảng 6 tháng là có thể tháo nẹp vít – tùy vào mức độ liền xương của bệnh nhân.

Bác sĩ cho em hỏi em bị tai nạn gãy xương hàm trên (lerfort II), đã phẫu thuật nắn chỉnh và kéo thun. Bây giờ khớp cắn đã ngay vị trí nhưng phần răng hàm trên vẫn còn lung lay, không thể nhai đồ cứng và dai được. Trường hợp của em đã phẫu thuật từ tháng 11/2015 đến nay. Giờ em có phải phẫu thuật lại không? Hay phải làm như thế nào để phần răng của xương hàm trên cứng lại. Phần xương hàm dưới được cố định bằng nẹp, vít. Bây giờ có cần phải phẫu thuật tháo nẹp, vít ra không?

Le Mai Tuan (khanhmt.cnkt@gmail.com)

Ảnh minh họa: ranghammat.com

Chào em,

Xương hàm trên gồm hai xương đối xứng nhau qua mặt phẳng dọc giữa, góp phần chính tạo nên khối xương tầng mặt giữa, nên khi chấn thương gãy xương hàm trên thường kèm theo chấn thương các xương tầng mặt giữa khác như xương chính mũi, xương lệ, xương gò má, xương xoăn dưới, xương lá mía.

Chân thương vùng hàm mặt, đặc biệt là gãy xương hàm trên là một trong những chấn thương nặng, hay gặp trong tai nạn lao động, sinh hoạt, đặc biệt là tai nạn giao thông. Chấn thương có thể  gây gãy 1 phần như gãy xương ổ răng, gãy mỏm lên, gãy bờ dưới xương ổ mắt, góc trong mắt, lún hố nanh, gãy mỏm và vòm khẩu cái hoặc gãy toàn bộ: có hai loại, gãy dọc và gãy ngang.

Trong đó, một trong những tình huống của gãy ngang người ta gọi là gãy Le Fort II (tách rời sọ mặt giữa, dưới xương gò má): Đường gãy bắt đầu giữa xương chính mũi, qua mấu lên XHT đến thành trong hốc mắt, tổn thương xương lệ, vào sàn ổ mắt rồi bờ dưới ổ mắt, sau đó chạy gần hay ngang qua lỗ dưới ổ mắt. Tiếp tục đi dưới xương gò má ra lồi củ XHT, đoạn này song song với LeFort I, phía sau gãy 1/3 giữa xương chân bướm, ở giữa gãy 1/3 giữa xương lá mía.

Gãy Le Fort II sẽ làm cho bệnh nhân choáng, đau dọc đường gãy ở gốc mũi bờ dưới hốc mắt, nơi tiếp giáp xương gò má. Có thể bị tê mặt do tổn thương lỗ dưới ổ mắt, chảy máu mũi, nhai vướng đau. Xẹp phần giữa mặt do khối răng cửa lún lên trên và lùi ra sau, bầm tím mi dưới, chảy nước mắt do chèn ép ống lệ tị. Trong miệng: sai khớp cắn do khối răng hàm bị đẩy xuống dưới và ra sau nên khi cắn, răng hàm chạm sớm. Ngách lợi vùng răng hàm bầm tím, ấn đau, ngách lợi tiếp giáp xương gò má có thể có hình bậc thang.

Điều trị gãy Le Fort II thường bao gồm cấp cứu chống choáng, làm thông thoáng đường thở ngay tức khắc, chống nhiễm trùng và sau đó là phẫu thuật (treo xương hàm vào gò má – Phẫu thuật Adams) kết hợp điều trị chuyên khoa như nắn chỉnh bằng tay, bằng dây thép kéo, máng chỉnh hình, buộc chỉ thép vào răng hai hàm, tạo các móc Ivy cải tiến, liên hoàn Stout kéo chỉnh liên tục bằng cao su, kéo qua xông Nélaton luồn qua mũi họng, sử dụng bộ dụng cụ ngoài (Rudko). Phẫu thuật khi xương đã liền…

Chúng tôi sơ lược  một vài nét về xương hàm trên, phân loại gãy xương và cách điều trị để em dễ hình dung. Của em, việc điều trị phẫu thuật đã thành công. Xương đã liền lại. Bây giờ răng lung lay thì cần phải quan tâm tới một số vấn đề sau: cần phải phân biệt được tình trạng chấn thương của răng khi bị thương? Răng đã bị lung lay do tổn thương xương khi chấn thương hay là răng bị lung lay do lực kéo quá mức của quá trình nắn chỉnh?

Phải phân biệt điều này vì: nếu răng lung lay từ khi bị chấn thương – có nghĩa là từ trước tháng 11/2015 – đến nay đã khoảng 10 tháng, mà giờ vẫn còn lung lay thì khả năng cứng chắc lại là rất khó. Bởi vì theo sinh lý tự nhiên, răng lung lay quá 6 tháng thì mô xơ sẽ xâm lấn vào khoảng dây chằng nha chu, làm dây chằng nha chu mất khả năng hồi phục. Mà dây chằng nha chu chính là yếu tố làm cho răng cứng chắc ở trong xương ổ răng.

Nếu răng lung lay bởi lực nắn chỉnh quá mức (cần xác định thời gian nắn chỉnh và thời gian răng bắt đầu lung lay). Cắn cứ vào yếu tố này thì có thể tiên lượng mức độ hồi phục của răng.

Mức độ lung lay của răng hiện tại tùy thuộc vào mức độ tổn thương của xương ổ răng và khoảng dây chằng nha chu. Điều này có thể nhận biết qua hình ảnh phim X-Ray. Khả năng hồi phục của răng cũng tùy thuộc vào mức độ này.

Ở mức độ nhẹ và thời gian lung lay trước 6 tháng thì tiên lượng răng chắc lại là tốt. Ngươc lại, mức độ tiêu xương nặng cũng như khoảng dây chằng nha chu lớn và thời gian răng lung lay kéo dài trên 6 tháng thì hầu như không có hi vọng làm cho răng chắc trở lại. Trong trường hợp này, răng có thể phải nhổ.

Xương hàm dưới thì thường khoảng 6 tháng là có thể tháo nẹp vít – tùy vào mức độ liền xương của bệnh nhân.

Ở mức độ của một bài tư vấn, chúng tôi chỉ có thể cung cấp cho em một vài thông tin như vậy. Điều quan trọng của em là bây giờ nên quay trở lại nơi đã phẫu thuật cho em và nhờ bác sĩ thăm khám, kiểm tra lại. Phải dựa trên nhiều yếu tố bệnh sử, thời gian điều trị, phương pháp điều trị và kết hợp với thăm khám, chẩn đoán tình trạng hiện tại thì mới đưa ra câu trả lời chính xác cho em được.

Thân chào em.


ThS. BS. Nguyễn Bá Lân
Ý kiến của bạn