Cụ thể, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe quản lý chặt chẽ giáo viên, xe tập lái, chỉ sử dụng các giáo viên và phương tiện đủ điều kiện giảng dạy. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng phải kiểm tra tính chính xác thông tin về giáo viên, xe tập lái đã khai báo trên phần mềm quản lý đảm bảo đúng với giáo viên, xe tập lái được phân công.
"Các sở GTVT kiểm tra, cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe, cấp giấy phép xe tập lái đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định. Bên cạnh đó, rà soát việc cấp phép tuyến đường tập lái cho các cơ sở đào tạo lái xe, đảm bảo tuyến đường tập lái phù hợp với các yêu cầu của nội dung đào tạo, giao thông thực tế trên tuyến, tránh xảy ra nguy cơ mất ATGT", Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu.
Khẳng định các cơ sở đào tạo lái xe chỉ được phép đào tạo cho học viên trên tuyến đường tập lái đã được cấp phép, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các sở GTVT nghiêm cấm các trường hợp chủ quan, giao phương tiện để học viên tự học mà không có giáo viên bảo trợ tay lái hoặc đào tạo trên các phương tiện không đảm bảo điều kiện theo quy định.
"Các sở GTVT khai thác dữ liệu trên phần mềm hệ thống thông tin DAT của cơ sở đào tạo để giám sát lộ trình đào tạo thực hành lái xe của giáo viên và các thông tin liên quan theo đúng kế hoạch giảng dạy", Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo.
Các sở GTVT cũng có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra và rà soát các sân tập lái tự phát, xử lý các trường hợp đào tạo thực hành lái xe sai quy định. Trường hợp người đào tạo không phải là giáo viên của cơ sở đào tạo, người điều khiển phương tiện chưa có giấy phép lái xe cần báo với chính quyền địa phương, cơ quan công an để xử lý.
Thời gian qua, các quy định về đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe có nhiều cải tiến nhằm nâng cao chất lượng trong đào tạo. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều tồn tại dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra ngay trong quá trình tập lái.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hải Hậu (Nam Định) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Lê Thị Dung (32 tuổi, trú tại xóm 2, xã Hải Vân, huyện Hải Hậu) về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Đồng thời, khởi tố Đinh Công Thành (59 tuổi, trú tại xóm Cầu Đôi, xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu) về tội "Giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.
Ngày 11/8/2022, Lê Thị Dung là nữ học viên, người trực tiếp lái xe ô tô mang BKS 18A-005.40 gây tai nạn khiến một cháu bé tử vong. Đinh Công Thành là thầy dạy lái xe của Lê Thị Dung, nhưng tại thời điểm xe gây tai nạn, bị can Thành không có trong xe mà giao xe cho Lê Thị Dung điều khiển và ra phía ngoài uống nước.
Trước đó không lâu, một vụ tai nạn chết người liên quan đến xe tập lái xảy ra tại TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) cũng được dư luận hết sức quan tâm.
Cụ thể, chiều 19/6, anh Trần Trường Giang, 21 tuổi, điều khiển xe ô tô tải tập lái lưu thông trên QL91 đoạn qua phường Bình Đức, TP. Long Xuyên đã va chạm với một xe máy khiến người đàn ông đi xe máy tử vong. Thời điểm này có ông Trần Văn Thảo (45 tuổi, thầy dạy lái) cũng ngồi trên xe.
Gần đây nhất, ngày 15/9, tại km 449+200 trên đường Hồ Chí Minh thuộc thôn Thạch Quyền, xã Cao Dương đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến một người tử vong.
Vào thời điểm trên, chiếc xe ô tô tập lái mang BKS 28C-062.35 do ông Bùi Văn Điệp (SN 1986, xóm Tiện, xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) điều khiển hướng đi Chợ Bến - Xuân Mai đã va chạm với xe máy điện (không BKS) do cháu T.B.N (SN 2011, xóm Chợ Bến, xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình điều khiển hướng cùng chiều.
Hậu quả vụ tai nạn khiến cháu N tử vong trên đường đi cấp cứu.
Hiện nay, không khó để bắt gặp những chiếc xe ô-tô gắn biển "Tập lái" vẫn ngày ngày lưu thông trên đường và cũng không có gì để bảo đảm những chiếc xe này đang được điều khiển và giám sát bởi những người có đủ năng lực điều khiển nhằm đảm bảo an toàn.
Theo quy định của pháp luật, những xe cho học viên tập lái chỉ được đi trên những tuyến đường ghi trên giấy phép xe tập lái. Giấy phép này do các Sở Giao thông vận tải cấp tỉnh cấp với thời gian bằng với chu kỳ đăng kiểm của xe.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên dạy lái muốn tiết kiệm thời gian, cho nên đã tự ý cho học viên của mình ngồi điều khiển xe từ nhà đến sân tập để học viên có thêm kinh nghiệm lái xe trên đường, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra. Thậm chí, nhiều giáo viên còn "khoán trắng" để cho người học tự lái xe trong bãi tập hoặc trên các tuyến đường ít người qua lại mà không có sự giám sát, mặc dù đây là điều cấm. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng không chú trọng kiểm tra xử lý đối với những vi phạm của xe tập lái khi lưu thông trên đường với tâm lý cho rằng người đang trong quá trình tập lái có thể chưa thành thạo hoặc vi phạm những lỗi nhỏ có thể thông cảm bỏ qua.
Xem thêm video được quan tâm:
Xe tập lái lao như điên, "bay" thẳng vào nhà dân khiến 3 người bị thương