Sau ngã, va đập có biểu hiện đau đầu, nói ngọng, buồn nôn… thận trọng với tụ máu dưới màng cứng

19-08-2022 07:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Nhiều người bị ngã, va đập không thấy có biểu hiện nghiêm trọng như chảy máu, đau đớn, vẫn tỉnh táo. Tuy nhiên, vài ngày sau thấy đau đầu và đau tăng dần, khi đưa tới bệnh viện được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán máu tụ dưới màng cứng.

Tụ máu dưới màng cứng, chữa thế nào?Tụ máu dưới màng cứng, chữa thế nào?

SKĐS - Bố cháu năm nay 50 tuổi, cách đây 3 tháng bị ngã phải phẫu thuật hút máu bầm do bị tụ máu màng cứng.

Tụ máu dưới màng cứng nguyên nhân thường gặp là do chấn thương đầu nghiêm trọng, làm rách tĩnh mạch ở khoang dưới màng cứng. Vết rách làm cho máu chảy vào khoang này, tạo thành khối tụ máu chèn ép mô não. Tình trạng này thường gọi là máu tụ dưới màng cứng cấp tính. Ngoài ra, tụ máu dưới màng cứng có thể do chấn thương, do dị dạng động tĩnh mạch, phình mạch não, các bệnh tăng huyết áp, bệnh rối loạn chức năng đông máu…

Sau ngã, va đập có biểu hiện đau đầu, nói ngọng, buồn nôn… thận trọng với tụ máu dưới màng cứng - Ảnh 2.

Tụ máu dưới màng cứng nguyên nhân thường gặp là do chấn thương đầu nghiêm trọng.

Tụ máu dưới màng cứng là gì?

- Tụ máu nội sọ xảy ra khi một mạch máu bên trong não, giữa sọ và não bị vỡ, tích tụ máu gây chèn ép nhu mô não.

- Từ xương sọ vào trong não có 3 lớp màng não: Màng cứng, màng nhện và màng nuôi. Máu tụ giữa các lớp này tạo thành các loại máu tụ khác nhau gồm: Tụ máu ngoài màng cứng, tụ máu dưới màng cứng, xuất huyết dưới nhện, máu tụ trong não, xuất huyết não thất.

- Tụ máu dưới màng cứng được hình thành trong khoang dưới màng cứng, giữa màng cứng và màng nhện, thường do rách các tĩnh mạch liên lạc hoặc chảy máu từ bề mặt mô não dập.

Có 3 thể tụ máu dưới màng cứng:

+ Thể cấp tính: Máu tụ hình thành nhanh chóng sau khi bị chấn thương ở đầu, các triệu chứng có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc trong vòng vài giờ. Là thể nghiêm trọng nhất, nguy cơ tử vong cao nhất.

+ Thể bán cấp: Khi các triệu chứng xuất hiện từ 3 - 7 ngày sau khi bị chấn thương đầu.

+ Thể mạn tính: Khi máu tụ từ từ sau một chấn thương đầu, các triệu chứng có thể xảy ra 2 - 3 tuần sau khi chấn thương ban đầu.

Sau ngã, va đập có biểu hiện đau đầu, nói ngọng, buồn nôn… thận trọng với tụ máu dưới màng cứng - Ảnh 3.

Đau đầu là một trong những biểu hiện của tụ máu dưới màng cứng. Ảnh minh họa

Biểu hiện của tụ máu dưới màng cứng

Triệu chứng của bệnh máu tụ dưới màng cứng phụ thuộc vào độ nặng của chấn thương và kích cỡ, cũng như vị trí của khối máu tụ. Các triệu chứng có thể bắt đầu ngay lập tức hoặc sau một vài tuần kể từ khi chấn thương đầu. Một vài người có vẻ ổn lúc đầu (vẫn tỉnh táo) sau khi gặp chấn thương.

Tuy nhiên, sau đó áp lực trong não gây ra do khối tụ máu có thể bắt đầu dẫn đến các triệu chứng như: Mất ý thức hoặc thay đổi mức độ tỉnh táo. Nôn. Đau đầu. Mất khả năng định hướng. Nói ngọng. Mất trí nhớ thậm chí còn co giật, yếu liệt nửa người…

Chẩn đoán tụ máu dưới màng cứng

Khi nghi ngờ người bệnh nhập viện sau khi bị chấn thương đầu, thường được làm chẩn đoán hình ảnh đầu như chụp cắt lớp vi tính (CT) phát hiện máu tụ dưới màng cứng trên CT hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Những kiểm tra hình ảnh này có thể giúp bác sĩ phát hiện sự tồn tại của tụ máu dưới màng cứng. Chụp MRI ưu thế hơn chụp CT trong khả năng phát hiện tụ máu dưới màng cứng nhưng chụp CT lại nhanh và thường sẵn có hơn.

Một số trường hợp hiếm xảy ra có thể dùng chụp mạch não đồ (DSA) để chẩn đoán tụ máu dưới màng cứng. Trong kỹ thuật này, sẽ có một ống thông được đưa vào động mạch ở bẹn và luồn lên động mạch cổ và não. Sau đó chất cản quang đặc biệt được tiêm vào để cho hình ảnh dòng máu chảy qua các động tĩnh mạch trên phim X-quang.

Sau ngã, va đập có biểu hiện đau đầu, nói ngọng, buồn nôn… thận trọng với tụ máu dưới màng cứng - Ảnh 4.

Tụ máu dưới màng cứng là một bệnh nặng và cần điều trị cấp cứu.

Điều trị máu tụ dưới màng cứng

Việc điều trị phụ thuộc vào kết quả khám lâm sàng, triệu chứng, kích thước, vị trí khối máu tụ và khối máu tụ là cấp tính hay mạn tính.

Người bệnh có thể phải phẫu thuật ngay lập tức để làm giảm bớt áp lực lên não. Bác sĩ có thể khoan một lỗ ở sọ để giúp lấy máu tụ và làm giảm bớt áp lực. Khối tụ máu quá lớn hoặc đã đông cứng lại có thể cần được loại bỏ qua phẫu thuật mở hộp sọ.

Bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc để làm giảm tình trạng phù não. Thuốc chống co giật như Phenytoin, cũng có thể được sử dụng để kiểm soát hay ngăn chặn cơn co giật.

Những người bị tụ máu dưới màng cứng mãn tính và ở trong tình trạng ổn định có thể chỉ cần theo dõi cho đến khi thực sự cần điều trị.

Việc hồi phục có thể chậm và lên đến 2 năm. Trẻ em nhìn chung phục hồi nhanh hơn người lớn.

Tóm lại: Tụ máu dưới màng cứng là một bệnh nặng và cần điều trị cấp cứu. CT Scan có thể cho thấy máu tụ dưới màng cứng. Bệnh nhân có thể cần phải được phẫu thuật để lấy máu tụ. Nhiều người bị máu tụ dưới màng cứng lượng ít có thể hồi phục nhanh chóng và hoàn toàn.

Vì vậy, hãy cảnh giác với máu tụ dưới màng cứng, dù là những va chạm nhỏ nhất. Người cao tuổi cần phòng bệnh bằng cách đi lại cẩn thận, tránh nguy cơ té ngã gây chấn thương vùng đầu.

Nếu người bệnh đang sử dụng thuốc chống đông, nên đi khám và làm các xét nghiệm máu kiểm tra định kỳ để kiểm soát việc dùng đúng liều lượng thuốc. Những người nghiện rượu nên tìm phương án trợ giúp ở những trung tâm tư vấn cai rượu, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và có chất lượng cuộc sống tốt.

Người có nguy cơ cao nên đi khám bệnh tại các tuyến bệnh viện có chuyên khoa khi có những chấn thương về đầu dù nhẹ để có thể được phát hiện kịp thời.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-



ThS. BS. Nguyễn Hải
Ý kiến của bạn