Phạm Thùy Hương (Quảng Ninh)
Tình trạng khó thụ thai, thậm chí là vô sinh xảy ra ở người từng chấm dứt thai kỳ có thể do các nguyên nhân sau: Tình trạng sót mô thai, nhau... làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, sẹo, biến chứng dẫn đến khó thụ thai. Trong một số trường hợp, việc nong và nạo cổ tử cung không được thực hiện đúng cách dẫn đến nguy cơ cao gây tổn thương cho tử cung, cổ tử cung. Bệnh viêm vùng chậu là một bệnh nhiễm trùng có nguy cơ xảy ra sau khi tiến hành chấm dứt thai kỳ bằng thủ thuật. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn ống dẫn trứng, tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Việc nong, nạo lòng tử cung có thể làm gia tăng nguy cơ sẹo hình thành bên trong tử cung hoặc trên cổ tử cung. Nếu vết sẹo lớn có thể dẫn đến khó thụ thai, sẩy thai vì gây cản trở khả năng làm tổ của trứng đã thụ tinh. Thực tế là chưa có đủ bằng chứng để chứng minh việc từng nạo phá thai, hút thai nhiều lần gây trở ngại cho vấn đề thụ thai. Điều quan trọng là bạn phải thực hiện tại cơ sở y tế đảm bảo. Nếu bạn có kế hoạch mang thai sau khi thực hiện chấm dứt thai kỳ, tình trạng sức khỏe tốt, tử cung đã phục hồi thì không có gì phải lo lắng. Việc mang thai sau khi chấm dứt thai kỳ cần có kế hoạch cụ thể: chuẩn bị tâm lý, sức khỏe, thời gian tốt nhất để mang thai.