Sau nắng nóng, Biển Đông khả năng sắp hứng bão

06-06-2023 11:38 | Xã hội
google news

SKĐS - Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ giảm dần đến giữa tháng 6. Trong khi đó, Biển Đông khả năng hứng bão hoặc áp thấp nhiệt đới trong vài ngày tới.

Đầu mùa đã có siêu bão, dấu hiệu của mùa mưa bão nhiều bất thườngĐầu mùa đã có siêu bão, dấu hiệu của mùa mưa bão nhiều bất thường

SKĐS - Siêu bão Mawar đã vượt qua đảo Guam (Mỹ), tiến về khu vực đảo Luzon (Philippin) với cường độ hiện tại là cấp 17, cấp siêu bão, báo hiệu một mùa mưa bão với nhiều bất thường.

Tháng 6 có thể đón cơn bão đầu mùa

Thông tin về các hình thái thời tiết tháng 6/2023, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Đức Hòa cho biết, bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Trên biển, trong ngày và đêm 6/6, ở khu vực Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2-3m; biển động. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp phân tích trên với gió mùa Tây Nam ở phía Nam có cường độ trung bình đến mạnh nên ngày và đêm 6/6, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan và khu vực Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Sau nắng nóng, Biển Đông khả năng sẽ có bão - Ảnh 2.

Biển Đông có thể chuẩn bị đón cơn bão đầu tiên trong năm.

Đề cập đến xu thế nhiệt độ và lượng mưa trong tháng 6, Phó Trưởng phòng Nguyễn Đức Hòa cho rằng, nhiệt độ trung bình tháng tại các khu vực trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn từ 0,5-1 độ C, có nơi cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Trong tháng 6/2023, lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-20%. Khu vực Nam Trung Bộ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 5-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Ngoài ra, khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ xuất hiện nhiều ngày mưa rào và dông; khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ mưa có xu hướng tập trung vào giữa và cuối tháng, tuy nhiên tổng lượng mưa cả tháng vẫn có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm.

"Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh. Các hiện tượng này tập trung nhiều hơn ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ", ông Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.

Trước hình thái thời tiết trên, chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo, chính quyền và các đơn vị chức năng cần cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai bằng các hình thức khác nhau; vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá...

Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương; cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tối và đêm qua (5/6), ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa dông rải rác, có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 5/6 đến 3 giờ ngày 6/6 có nơi trên 60mm như: Lục Yên (Yên Bái) 127mm, Gia Phú (Lào Cai) 109.7mm, Yên Minh (Hà Giang) 61.8mm, Minh Quang (Vĩnh Phúc) 113.6mm, Bảo Lộc (Lâm Đồng) 141mm, Hà Mòn (Kon Tum) 102.6mm, Đăk R'Tih (Đắk Nông) 70mm, Chư Prông (Gia Lai) 69.8mm…

Trung tâm này dự báo ngày và đêm 6/6, khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 60mm. Khu vực Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác; riêng chiều và tối có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa 30-60mm, có nơi trên 90mm. Khu vực Thanh Hóa có mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa to (mưa tập trung vào chiều tối và tối); với lượng mưa ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Cảnh báo mưa dông ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.

Mùa mưa bão năm nay ít về số lượng nhưng phức tạp về đường đi

Theo ông Vũ Tuấn Anh - Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ ngày 8/6 trở đi, mưa dông ở Bắc Bộ, Trung Bộ có xu hướng tăng lên ở nhiều nơi. Khi đó, nền nhiệt Bắc Bộ, Trung Bộ giảm rõ rệt, thời tiết mát mẻ hơn.

Về tình hình bão/áp thấp nhiệt đới, ông Vũ Tuấn Anh cho biết, hiện tại, trên khu vực Biển Đông đang tồn tại một vùng áp thấp. Ngày 5/6, vùng áp thấp này ở vào khoảng 15-17 độ Vĩ Bắc; 113-115 độ Kinh Đông.Trong vài ngày tới, vùng áp thấp này có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới hoặc bão và có khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 15-17 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp phân tích trên nên đêm 5/6 và ngày 6/6, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan và khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Năm 2023, hiện tượng ENSO (sự biến đổi có tính chu kỳ không đều của gió và nhiệt độ bề mặt biển trên Đông Thái Bình Dương) duy trì trạng thái trung tính từ nay đến khoảng tháng 6/2023. Sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương có xu hướng tăng dần và nghiêng về pha nóng El Nino. Do El Nino nên số lượng, cường độ bão, áp thấp nhiệt đới năm nay sẽ ít hơn giai đoạn năm 2020-2022 (trung bình mỗi năm có 12-13 cơn, trong đó 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam). Bão chỉ xuất hiện từ giữa tháng 6. Từ tháng 8 đến 10, có khoảng 6-7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, tác động chủ yếu đến miền Bắc và Trung.

"Năm chuyển pha ENSO, thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh nên trên phạm vi toàn quốc cũng như khu vực Biển Đông đề phòng bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong các tháng chuyển mùa và trong thời kỳ mùa mưa bão năm 2023. Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn tiếp tục diễn ra do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ. Lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc", ông Vũ Tuấn Anh cho biết.

Mùa lũ 2023 trên sông Mekong xuất hiện tương đương hằng năm. Đỉnh lũ năm 2023 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1 và dưới báo động 1, tương đương đỉnh lũ các năm trước. Đỉnh lũ tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức báo động 2 - báo động 3 và trên báo động 3.

Chuyên gia cảnh báo mưa lũ bất thường sau nắng nóngChuyên gia cảnh báo mưa lũ bất thường sau nắng nóng

SKĐS - Bước vào giai đoạn El Nino, Việt Nam phải đối mặt với những diễn biến thời tiết bất thường, trong đó đề phòng mưa bão cực đoan có thể gây ngập úng sau nắng nóng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dự Báo Thời Tiết Ngày 6/6: Bắc Bộ Và Trung Bộ Tiếp Tục Giảm Nhiệt, Ban Ngày Mưa Xen Kẽ | SKĐS



Tô Hội
Ý kiến của bạn