Bướu cổ là một bệnh lý phổ biến của tuyến giáp biểu hiện rất điển hình, nhất là có khối lồi lên ở cổ do sự tăng kích thước nhanh ở tuyến giáp.
Mỗi người bệnh sau khi mổ bướu cổ sẽ được theo dõi ít nhất một vài ngày tại bệnh viện. Việc nằm viện sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng, phát hiện nhanh các tai biến sớm sau mổ. Sau xuất viện thì người nhà cần chủ động nhắc nhở, theo dõi sát sao bệnh nhân để kịp phát hiện những bất thường.
Dưới đây là những điều người bệnh cần lưu ý khi chăm sóc sau mổ bướu cổ
Chăm sóc vết mổ
- Tùy thuộc vào kích thước vết mổ, nếu không nhiễm trùng, bệnh nhân cần chú ý vệ sinh tay thật sạch trước khi chạm vào vết mổ.
- Nhẹ nhàng làm sạch khu vực này bằng nước muối sinh lý hoặc povidine pha loãng. Tránh làm trầy xước hoặc chà xát mạnh vào vết mổ.
- Không bôi bất kỳ loại thuốc mỡ nào nếu không có chỉ định từ bác sĩ.
- Luôn giữ cho vết mổ khô ráo.
- Theo dõi các triệu chứng nhiễm trùng.Không tắm hay bơi lội cho tới khi vết mổ lành. Nghỉ ngơi ít nhất 2 tuần trước khi quay lại công việc.
- Nằm đầu cao để máu được lưu thông tốt, tránh bị phù vùng mổ.
- Đến gặp bác sĩ nếu vết thương có những dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như tiết dịch, chảy máu…
Theo dõi thay đổi thói quen
- Một số người bệnh sau mổ bướu cổ sẽ xuất hiện tình trạng khàn tiếng, khiến người bệnh khó nói to, khó cử động lưỡi và cảm thấy rất mệt khi nói chuyện. Người nhà cần khuyên bệnh nhân tránh nói chuyện nhiều và triệu chứng này có thể sẽ từ từ hết trong vài ngày hay vài tuần. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
- Thông thường sau mổ, bệnh nhân sẽ được cho thuốc hormone bổ sung để phòng ngừa suy giáp. Sau một thời gian sẽ có chỉ định ngưng thuốc này. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu suy giáp nặng thì cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn.
- Người bệnh sau mổ bướu cổ cần kiêng vận động mạnh, la hét nhiều. Kiêng đụng chạm vào vết mổ khi chưa lành.
- Ăn thức ăn mềm, dễ nuốt, kiêng ăn đồ cứng, cay, nóng. Ngưng hút thuốc lá, hạn chế rượu bia. Tránh stress quá nhiều.
Nên ăn gì sau mổ bướu cổ?
Sau khi mổ bướu cổ nên ăn các thực phẩm dạng lỏng như soup, nước ép... vì sẽ có tác dụng giúp làm giảm cảm giác đau đớn khi nuốt. Người bệnh nên ăn chậm, nhai kỹ để làm mềm thức ăn, tránh bị nghẹn, tránh ăn những loại thực phẩm quá nóng gây ảnh hưởng lên vết thương. Ngoài ra, người bệnh sau khi mổ bướu cổ thường dễ mắc các bệnh về họng, đặc biệt là viêm họng. Vì vậy, mỗi lần nên ăn ít và chia thành nhiều bữa.
Các loại thực phẩm người bệnh nên ăn:
- Bổ sung thêm các thức ăn giàu năng lượng, vitamin và những loại có hàm lượng protein cao như thịt, trứng, sữa, trái cây…
- Các món ăn dễ tiêu hóa như đu đủ, khoai lang, chuối, sữa chua, rau… không chỉ dễ ăn mà còn bổ sung đủ các dưỡng chất thiết yếu, phù hợp với thể trạng của người bệnh.
- Cần sử dụng thức ăn giàu đạm như thịt nạc, cá, trứng… vì đây là nguồn protein dồi dào rất cần thiết đối với quá trình tăng sinh và tái tạo mô cho vết mổ.
- Tăng cường vitamin và khoáng chất giúp vết mổ nhanh phục hồi.
- Vitamin C có trong các loại hoa quả như cà chua, cam, ớt chuông, dâu tây…
- Vitamin A và vitamin K chứa nhiều trong súp lơ, rau ngót, cải bó xôi, rau chân vịt…
- Khoáng chất sắt, kẽm có tác dụng thúc đẩy chức năng tuyến giáp được tìm thấy trong nấm, các loại rau củ quả…
- Tinh bột có lợi cho sức khỏe và tuyến giáp, vì trong tinh bột chứa nhiều kẽm, magie, vitamin A và vitamin E.
Tái khám định kỳ
Sau khi xuất viện người nhà cần đưa bệnh nhân tái khám định kỳ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, kiểm tra vết mổ, khả năng hồi phục sức khoẻ cũng như các vấn đề liên quan đến triệu chứng hạ canxi máu hay thay đổi giọng nói. Có thể cần điều chỉnh thuốc và làm các xét nghiệm để kiểm tra kết quả phẫu thuật cũng như diễn biến thay đổi của bệnh.
Tóm lại: Sau mổ bướu cổ bệnh nhân cần thực hiện theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, nghỉ ngơi và theo dõi sau phẫu thuật. Điều này có vai trò quan trọng trong việc ổn định sức khỏe, tăng sức đề kháng để hỗ trợ phục hồi vết mổ một cách nhanh chóng.