Mưa lũ đổ về gây ngập lụt trên diện rộng và tình trạng ô nhiễm môi trường là điều kiện rất thuận lợi để dịch bệnh phát triển mạnh, nhất là các bệnh tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ… Trong đó, đáng lo ngại nhất là bệnh về đường tiêu hóa, vì khi lũ lụt đổ về, nước bẩn của các ao hồ tù đọng và nước thải, rác thải, thuốc bảo vệ thực vật ở đồng ruộng… hòa vào bể nước ngầm, hòa vào giếng nước làm cho nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Thêm vào đó, bệnh tay-chân- miệng đang hoành hành là mối lo tiềm tàng của y tế cơ sở.
Từ 4 tại chỗ...
Các loại thực phẩm rau, quả ngập chìm trong lũ lâu ngày sẽ bị nhiều vi khuẩn bám vào và gây bệnh. Nước ngập và tù đọng lâu ngày cũng là môi trường thuận lợi cho muỗi phát triển và dễ bùng phát dịch sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, việc người dân đi lại, sinh hoạt trong môi trường nước lũ ngâm lâu ngày rất dễ mắc bệnh đau mắt đỏ, các bệnh viêm nhiễm ngoài da, bệnh về đường hô hấp…
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong và sau lũ lụt, ngay từ đầu mùa mưa, y tế các tỉnh chịu nhiều lũ lụt đã tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng hóa chất, các cơ số thuốc và phương tiện phòng chống dịch, cứu hộ cho các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch; đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về việc ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường sạch sẽ nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị, tình hình dịch bệnh 9 tháng đầu năm 2011 diễn biến phức tạp, nhiều dịch bệnh mới bùng phát như: tay-chân-miệng tăng 98%; liên cầu khuẩn lợn tăng 100%; các bệnh truyền nhiễm gây dịch cũng tăng cao như cúm tăng 31%, tiêu chảy tăng 5,1%, lỵ trực tràng tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2010.
Với phương châm không để xảy ra dịch bệnh trong và sau lũ lụt, cùng với việc theo dõi, giám sát chặt chẽ các ca bệnh sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, liên cầu khuẩn lợn, cúm A… tại các ổ dịch cũ và xã có nguy cơ nhằm cảnh báo sớm, khống chế không để dịch lan rộng, Sở Y tế Quảng Trị phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương, đơn vị chủ động kiểm tra việc cung cấp nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện, công tác kiểm tra trước, trong và sau lũ lụt theo phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch của trung tâm và 2 đội cơ động phòng chống dịch, cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị 1 tấn cloramin B, 300.000 viên cloramin xử lý nước sinh hoạt và trên 60.000 gói xử lý nước, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, khu dân cư ngập lụt trong mùa mưa bão. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo bệnh viện đa khoa các huyện có kế hoạch giúp các xã vùng thấp tổ chức sơ tán bệnh nhân lên vùng cao khi có lũ lụt, sạt lở đất hoặc triều cường; chỉ đạo, điều hành và dự trữ thuốc men cấp phát khi lũ lụt lớn xảy ra.
![]() Cán bộ y tế hướng dẫn khử trùng nước sinh hoạt. |
Về với dân
Song song với việc chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh trong và sau lũ lụt, Sở Y tế các địa phương tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn biện pháp xử lý môi trường, phòng chống dịch cho cán bộ y tế các tuyến; hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và phát tờ rơi hướng dẫn về tận hộ gia đình để người dân biết và thực hiện.
Ông Trương Đình Định, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình trao đổi với phóng viên cho biết, ngành y tế địa phương đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách phòng bệnh, bảo vệ nguồn nước, lương thực, thực phẩm trong và sau khi lũ lụt xảy ra… Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vận động các hộ gia đình xây dựng tủ thuốc gia đình với các loại thuốc, hóa chất cần thiết như: thuốc đau bụng, dầu xoa, thuốc nhỏ mắt, orezol, cloramin... để phòng, chống dịch bệnh.
Khó khăn lớn nhất của công tác phòng, chống dịch bệnh trong và sau lũ lụt là do địa bàn bị ngập lụt rộng, giao thông đi lại bị chia cắt, trong khi đó phương tiện đi lại như ca nô, xuồng máy thiếu, khó có thể tiếp cận được với vùng lũ. Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong và sau lũ lụt, mỗi người dân ở địa bàn ngập úng cần làm tốt công tác vệ sinh cá nhân trong ăn uống, sinh hoạt, không ăn quả xanh, không uống nước lã, bảo đảm ăn chín, uống sôi, đồng thời có ý thức tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom tẩy uế khi mưa lũ rút, bảo đảm an toàn vệ sinh nguồn nước, giảm tối đa ô nhiễm do mưa lũ gây ra.
Trong và sau khi nước lũ rút, việc xử lý nguồn nước đảm bảo sạch, không bị ô nhiễm và vệ sinh môi trường sẽ góp phần chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho nhân dân, hạn chế được dịch bệnh bùng phát trong mùa mưa lũ.
Y tế các tỉnh chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ, không để dịch bệnh lây lan Bộ Y tế vừa có công điện số 6691/CĐ-BYT yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố ven biển từ Hà Tĩnh đến Bình Định theo dõi sát tình hình mưa, lũ để triển khai ngay các phương án phòng, chống mưa, lũ khi có tình huống khẩn cấp xảy ra cũng như các biện pháp khắc phục hậu quả do mưa, lũ theo phương châm nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó. Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do ảnh hưởng của mưa, lũ, sạt lở đất… Để kịp thời hỗ trợ ngành y tế một số địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ và dự phòng cho đợt bão, lũ tiếp theo, Bộ Y tế đã cấp hỗ trợ Sở Y tế Long An 100 áo phao, 100.000 viên cloraminB; Sở Y tế Tiền Giang 500.000 viên cloraminB; Sở Y tế An Giang 20 cơ số thuốc phòng chống lụt bão. Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu công ty TNHH một thành viên Dược TW II và Công ty cổ phần thiết bị y tế MEDINSCO chuyển 40 cơ số thuốc, 100.000 viên cloramin B, 5 bộ nhà bạt, 100 áo phao và 100 phao tròn cho Bộ Tư lệnh quân khu 9 để phục vụ công tác khắc phục hậu quả mưa lũ.
T.B |
Thanh Hải - Phúc Tâm