Lũ lụt, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và của, nhấn chìm lương thực, các loại cây lương thực và rau quả, gây ra tình trạng thiếu thực phẩm. Vậy, cần phải làm gì để đảm bảo nguồn lương thực cung cấp dinh dưỡng sau lũ rút là một trong những vấn đề quan trọng không kém với công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường sau lũ.
Theo Bs. Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, sau lũ lụt, để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng các gia đình nhanh chóng tạo ra nguồn thực phẩm tại chỗ bằng việc lựa chọn các loại giống cây trồng mau có thu hoạch, để có nguồn thực phẩm sớm nhất. Và, trong điều kiện khó khăn thì nguồn dinh dưỡng cần ưu tiên cho bà mẹ trẻ em. Đối với các bà mẹ đang cho con bú cần duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Đáng nói là trong và sau lũ lụt dễ gia tăng các bệnh về đường tiêu hoá như tiêu chảy, các bệnh hô hấp, đặc biệt ở trẻ nhỏ nếu không có chế độ chăm sóc và nuôi dưỡng kịp thời sẽ bị thiếu cả về số lượng và chất lượng.
Ngoài ra, lũ lụt không những làm cho môi trường bị ô nhiễm mà còn là điều kiện cho vi sinh vật phát triển gây ô nhiễm thực phẩm, có thể gây ngộ độc. Vì thế, theo Bs. Tiến người dân đặc biệt là trẻ nhỏ cũng nên thực hiện các biện pháp vệ sinh thông thường khác như: thực hiện “ăn chín, uống sôi”. Không ăn thực phẩm từ các loại động vật đã chết vì lũ cuốn, thực phẩm đã bị ngâm dưới nưới, mọc mầm, có mùi lạ (chua, mốc) và các thực phẩm bị nhiễm nấm mốc.
Cán bộ y tế Trạm y tế xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị tư vấn về dinh dưỡng và các biện pháp phòng bệnh sau bão lũ cho bà mẹ nuôi con nhỏ
Để phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ các bà mẹ cần cho trẻ bú sớm ngay sau một giờ đầu sau sinh, cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu, không cai sữa trước 18 tháng tuổi.
Ngoài chế độ ăn uống hợp lý, cần thực hiện theo dõi biểu đồ tăng trưởng để phát hiện sớm trẻ suy dinh dưỡng, thực hiện tiêm chủng đề phòng các bệnh nhiễm khuẩn và xử lý đúng khi trẻ bị ỉa chảy và viêm đường hô hấp (những bệnh rất phổ biến sau lũ)
Về kế hoạch lâu dài để đảm bảo dinh dưỡng cho người dân ở vùng kinh tế khó khăn nhưng lại thường phải đối mặt với thiên tai bão lũ các hộ gia đình cần canh tác theo mô hình VAC (vườn- ao- chuồng) sẽ giúp cải thiện chất lượng bữa ăn phòng chống suy dinh dưỡng.
Bởi, về nguyên tắc, một bữa ăn đa dạng, cân đối phải đủ 4 nhóm thực phẩm với nhiều loại thực phẩm phong phú được sử dụng cho bữa ăn hàng ngày của người dân. Mà canh tác VAC là canh tác với đa dạng nhiều loại cây trồng, vật nuôi nên nó cung cấp nguồn thực phẩm rất đa dạng, sẵn có quanh năm theo mùa vụ, nguồn thực phẩm an toàn để bổ sung vào bữa ăn của trẻ và gia đình.
VAC tạo nguồn thực phẩm, có thể giải quyết vấn đề thiếu đói trong các thời kỳ “giáp hạt” giữa các vụ thu hoạch. Đặc biệt ở những nơi bão lụt, thiên tai thì các loại rau, củ có thể được gieo trồng và phát triển nhanh chóng thu hoạch trong một thời gian ngắn.
Thông điệp về đảm bảo Dinh dưỡng trong bão lũ do Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo.
1. Hàng ngày, đảm bảo ăn đủ bữa, ăn nhiều loại thực phẩm, ưu tiên các thực phẩm được sản xuất tại chỗ.
2. Gia đình có trẻ đang bú mẹ hoặc trẻ nhỏ dưới 5 tuổi cần được tạm trú ở những địa điểm an toàn để có thể cho trẻ tiếp tục bú mẹ và nhận hỗ trợ về nuôi dưỡng trẻ nếu cần.
3. Duy trì thực hành nuôi con bằng sữa mẹ: bú mẹ sớm trong 1h đầu sau sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Với trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, đặc biệt lưu ý đến các điều kiện vệ sinh khi nuôi ăn bằng sữa công thức.
4. Tìm kiếm, lựa chọn các thực phẩm an toàn và phù hợp cho việc ăn bổ sung của trẻ 6 đến 24 tháng cùng với các điều kiện để có thể chuẩn bị bữa ăn an toàn. Đảm bảo trẻ ăn đủ số lượng, đủ số lần theo độ tuổi của trẻ và đa dạng thực phẩm.
5. Liên hệ với cán bộ y tế để được bổ sung các vi chất dinh dưỡng (đa vi chất, vitamin A) cho các đối tượng bà mẹ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi, người cao tuổi.
6. Liên hệ với cán bộ y tế để được phát hiện sớm và điều trị trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính bằng sản phẩm điều trị hoặc hướng dẫn chế độ ăn.
7. Với người đang mắc các bệnh mạn tính không lây, cần duy trì thuốc điều trị và chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sỹ điều trị. Ăn đủ bữa và kiểm soát các yếu tố nguy cơ.
8. Sử dụng tối ưu tất cả nguồn nước và các phương tiện vệ sinh được cấp và thực hành vệ sinh an toàn.
9. Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
10. Sau bão lũ: Thực hiện 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý. Thực hành nuôi dưỡng trẻ