Hà Nội

Sau làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản, Hà Nội tiếp tục với công nghệ Châu Âu

04-06-2019 07:02 | Thời sự
google news

SKĐS - Cùng với việc thử nghiệm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Nhật Bản, Thành phố Hà Nội cũng đồng thời thử nghiệm nhiều công nghệ làm sạch khác.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đi thực tế kiểm tra công tác làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Châu Âu.

Theo đó, một đoạn sông Tô Lịch tiếp tục được thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ Châu Âu. Như vậy, cùng với việc thử nghiệm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Nhật Bản, Thành phố Hà Nội cũng đồng thời thử nghiệm nhiều công nghệ làm sạch khác.

Sau thử nghiệm, dựa trên kết quả phân tích, TP. Hà Nội sẽ lựa chọn phương pháp công nghệ phù hợp, hiệu quả nhất để áp dụng.

Tiếp đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cũng đã đi kiểm tra việc làm sạch tại sông Tô Lịch đoạn qua địa bàn phường Kim Giang, quận Thanh Xuân.

Theo dõi buổi thử nghiệm, ông Trần Quốc Tuấn, ngõ 236 Khương Đình, phường Hạ Đình, Thanh Xuân cho hay, nhiều năm qua, nước sông ô nhiễm nặng nề, bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Ông hy vọng, với những phương pháp công nghệ mới được thử nghiệm sẽ mang lại hiệu quả tốt, việc làm sạch nước sông Tô Lịch sẽ giúp bà con sinh sống quanh đây có môi trường sống tốt hơn.

Hà Nội tiếp tục thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Châu Âu.

Cùng với việc trồng các cây xanh trong thành phố, với nỗ lực làm sạch nước sông Tô Lịch thì chắc chắn Hà Nội sẽ là một điểm đến ấn tượng trong lòng du khách.

Trước đó, ngày 16/5, Hà Nội đã triển khai thí điểm thả máy nano xuống một đoạn sông Tô Lịch để làm sạch. Đây là con sông nằm ở giữa lòng thủ đô, được biết đến là khá "nặng mùi", nước sông ô nhiễm bốc mùi trầm trọng khiến người đi qua đây rất khó chịu.

Công nghệ được áp dụng để làm sạch sông Tô Lịch là công nghệ kết hợp công nghệ nano và công nghệ sinh học.

Sau khi thả hệ thống máy này xuống sông Tô Lịch sẽ sục khí nano lên và làm chất bẩn khó phân huỷ trở thành dễ phân huỷ hơn. Tiếp tục sau đó sẽ thả một loại vi sinh vật xuống sông, vi sinh vật này sẽ sống khoẻ, tăng dần số lượng lên để "ăn" chất bẩn dễ phân huỷ đó.

Được biết, công nghệ này cũng đã được áp dụng xử lý ô nhiễm môi trường ở Hạ Long, Quảng Ninh và Hải Phòng và cho kết quả tốt.


L.Nguyên
Ý kiến của bạn