Hà Nội

Sau khi Mỹ khai trương đại sứ quán tại Jerusalem, bạo lực bùng phát mạnh

15-05-2018 11:22 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ít nhất 55 người thiệt mạng, trong đó có 7 trẻ em; khoảng 2.400 người bị thương trong một sự leo thang giữa quân đội Israel và người biểu tình Palestine. Tất cả đều diễn ra sau khi Mỹ chính thức khai trương đại sứ quán tại Jerusalem chiều ngày 14/5.

Như vậy kể từ khi diễn ra cuộc biểu tình phản đối Mỹ và Israel từ cuối tháng 3 tới nay đã có 101 người Palestine thiệt mạng. Một ngày sau khi Mỹ khai trương đại sứ quán mới tại Jerusalem, biểu tình vẫn tiếp diễn trong các vùng lãnh thổ Palestine để phản đối Mỹ, Israel và lên án vụ thảm sát của lực lượng Israel.Tổng thư ký PLO, ông Saeb Erekat cho biết, việc Mỹ mở Đại sứ quán tại Jerusalem là bất hợp pháp, chôn vùi các tiến trình hòa bình và sự lựa chọn của một giải pháp hai nhà nước, đồng thời đẩy các dân tộc ở khu vực vào bạo lực, hỗn loạn và đổ máu.

Trước đó, ngày 14/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã gọi hành động của lực lượng Israel là "diệt chủng" và Israel là "quốc gia khủng bố" sau khi binh lính Israel cùng ngày đã bắn chết hàng chục người biểu tình Palestine tại khu vực biên giới với Gaza. Ông Tayyip Erdogan cũng tuyên bố 3 ngày quốc tang kể từ tối 14/5 nhằm tưởng niệm những người Palestine thiệt mạng tại Gaza cũng như lên kế hoạch tổ chức cuộc tuần hành lớn nhằm phản đối động thái của Mỹ và Israel tại Istanbul trong ngày 18/5.

Tổng thống Mỹ phát biểu qua video khai trương đại sứ quán tại Jerusalem.

Trong ngày đẫm máu nhất kể từ nhiều năm qua trong cuộc xung đột tại Trung Đông, đã có ít nhất 55 người Palestine thiệt mạng và hơn 2.700 người khác bị thương trong các vụ đụng độ với lực lượng an ninh Israel.  Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hối thúc cả Israel và Palestine thể hiện sự kiềm chế.  Một nguồn tin ngoại giao cho biết, Mỹ đã cản trở Hội đồng Bảo an LHQ thông qua tuyên bố yêu cầu mở một cuộc điều tra độc lập về làn sóng bạo lực đẫm máu tại Dải Gaza. Bên cạnh đó, Nhà Trắng cùng ngày đã quy trách nhiệm cho Hamas về tình hình bạo lực tại Gaza, trong khi cho rằng Israel có quyền "tự vệ".

Trong một diễn biến khác, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo lên án Mỹ và kêu gọi tất cả các nước kiềm chế, không ủng hộ  theo quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Đại Imam của Al Azhar Tiến sĩ Ahmed el-Tayyeb đã ra tuyên bố lên án việc Mỹ mở đại sứ quán tại Jerusalem. Ông El-Tayyeb nói rằng quyết định của Mỹ đã làm tổn thương cảm xúc của 1,5 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới.

Những kịch bản xấu

Dư luận nhiều nước đã nhanh chóng chỉ trích tình trạng bạo lực đẫm máu ở Dải Gaza, đồng thời bày tỏ quan ngại việc Mỹ chuyển Đại sứ quán tại Israel tới Jerusalem làm căng thẳng gia tăng và gây bất ổn trong vấn đề hòa bình Trung Đông. Trên thực tế, quy chế của thành phố Jerusalem lâu nay vốn là chủ đề đặc biệt nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel chiếm đóng khu vực Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem, trong khi người Palestine luôn xác định Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.

Những hình ảnh đối nghịch tại Trung Đông.


Do đó, động thái của Mỹ chuyển trụ sở đại sứ quán nước này tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem ngày 14/5, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, được cho là một “cơn địa chấn” chính trị - ngoại giao tại khu vực Trung Đông. Bởi nó không chỉ đẩy cuộc xung đột Israel - Palestine tiếp tục bế tắc, mà hành động của Mỹ đang làm bùng phát thêm “điểm nóng” mới tại vùng đất Trung Đông.

Đáng chú ý, Mỹ chọn ngày 14/5 là ngày chính thức mở đại sứ quán mới tại Jerusalem đều có dụng ý. Một ngày trước sự kiện này, Israel đã kỷ niệm Ngày Jerusalem, ngày mà người dân nước này cho là “ngày thống nhất thành phố”. Ngày mở cửa đại sứ quán Mỹ cũng trùng với lễ kỷ niệm 70 năm lập quốc của Israel. Trong khi đó, ngày 15/5 lại là ngày người Palestine gọi là “Nakba”, hay “ngày thảm họa”, để tưởng niệm quãng thời gian đen tối khi 700.000 người Palestine phải rời bỏ quê hương sau sự kiện nhà nước Israel ra đời năm 1948. Do đó, việc lựa chọn ngày 14/5 để chính thức mở cửa đại sứ quán mới của Mỹ tại Jerusalem có thể xem như một động thái mang tính biểu tượng nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với đồng minh Trung Đông. Tuy nhiên, bước đi này cũng là một động thái khiêu khích, không tôn trọng đối với người dân Palestine nói riêng và cộng đồng Arab nói chung.

Ở một góc độ khác, việc Mỹ chính thức chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem đồng nghĩa với việc Mỹ mặc nhiên thừa nhận đây là thủ đô vĩnh viễn của Nhà nước Do Thái. Hành động này đảo ngược chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập niên qua đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, đặc biệt khi Washington đang giữ vai trò trung gian nhằm thúc đẩy một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho cuộc xung đột giữa Palestine và Israel. Rõ ràng với hành động của Mỹ, Jerusalem đã trở thành điểm nóng dễ “bắt lửa” khiến Trung Đông càng thêm bất ổn.


N.Minh
Ý kiến của bạn