Sau khi dừng hàng loạt kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, nhiều đơn vị được cấp phép trở lại

08-12-2022 07:23 | Thời sự

SKĐS - Sau khi IELTS và các chứng chỉ tiếng Anh khác cũng như các kỳ thi năng lực Hán ngữ, tiếng Hàn và tiếng Nhật bị tạm hoãn để rà soát theo Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT, đến nay, Bộ GD&ĐT đã cấp phép tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cho hàng loạt đơn vị.

Những trường đại học nào dùng chứng chỉ tiếng Anh của Việt Nam để tuyển sinh?Những trường đại học nào dùng chứng chỉ tiếng Anh của Việt Nam để tuyển sinh?

SKĐS - Trước thông tin các kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc tế bị dừng tại Việt Nam, mới đây, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đề nghị 9 trường thành viên công nhận chứng chỉ tiếng Anh VSTEP của Việt Nam để tuyển sinh, đào tạo và xét công nhận tốt nghiệp.

Chứng chỉ tiếng Anh Cambridge

Bộ GD&ĐT vừa phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Cambridge. Theo quyết định này, Bộ GD&ĐT phê duyệt cho Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học trực thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM liên kết tổ chức với Tổng hiệu trưởng, Thạc sĩ và Học giả của Đại học Cambridge hoạt động thông qua tổ chức trực thuộc Nhà xuất bản và Hội đồng Khảo thí Đại học Cambridge (Cambridge). Địa điểm tổ chức thi tại số 94 Trần Quang Khải, phường Tân Định, Quận 1, TP.HCM.

Chứng chỉ được cấp gồm: Cambridge: A2 Key English Test (KET), B1 Preliminary English Test (PET), B2 First Certificate in English (FCE).

Bộ GD&ĐT yêu cầu các bên liên kết tuân thủ pháp luật Việt Nam. Các kế hoạch đăng ký, thi, bảo mật đề... phải bảo đảm các điều kiện về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài quy định tại Nghị định số 86.

Sau khi dừng hàng loạt kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, nhiều đơn vị được cấp phép trở lại - Ảnh 2.

Một kỳ thi IELTS tại Việt Nam (Ảnh: IELTS British Council Vietnam)

Lệ phí thi và các loại phí khác (nếu có) thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về giá của Nhà nước Việt Nam. Thời hạn hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Cambridge này có hiệu lực 5 năm tính từ ngày ra quyết định.

Bộ GD&ĐT giao Cục Quản lý chất lượng chịu trách nhiệm kiểm tra và phối hợp với các đơn vị có liên quan thanh tra việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Cambridge.

Chứng chỉ tiếng Nhật JLPT

Theo quyết định mới nhất của Bộ GD&ĐT, các đơn vị được tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Nhật JLPT gồm: Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng và Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản; Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản; Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM và Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản; Trường Đại học Hà Nội và Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản.

Chứng chỉ được cấp là Certificate Japanese - Language Proficiency, thời hạn hoạt động liên kết là 5 năm tính từ ngày quyết định này có hiệu lực thi hành (30/11/2022).

Chứng chỉ IELTS

Bộ GD&ĐT đã phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh IELTS cho hai đơn vị là IDP Việt Nam và Hội đồng Anh thực hiện cùng với các đơn vị liên kết. Trong đó, Hội đồng Anh được phép tổ chức thi chứng chỉ IELTS tại 10 địa điểm của 5 tỉnh thành: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, TPHCM.

Thí sinh có thể dự thi chứng chỉ IELTS của IDP ở 4 địa điểm trên cả nước, cụ thể gồm 2 điểm ở Hà Nội, 1 điểm ở Đà Nẵng và 1 điểm ở TPHCM. Tại Hà Nội, thí sinh dự thi ở số 30 Triệu Việt Vương, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng và số 15-17 Ngọc Khánh, phường Giảng Võ, quận Ba Đình. Ở Đà Nẵng, thí sinh dự thi tại số 10 Ngô Gia Tự, phường Thạch Thang, quận Hải Châu. Các thí sinh ở TPHCM dự thi ở số 161-161A Hai Bà Trưng, phường Võ Thị Sáu, quận 3.

Chứng chỉ Linguaskill

Tại Quyết định số 3731, Bộ GD&ĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh Linguaskill giữa Công ty Cổ phần nghiên cứu, ứng dụng và thực nghiệm công nghệ REAP và Tổng hiệu trưởng, Thạc sĩ và Học giả của Đại học Cambridge hoạt động thông qua tổ chức trực thuộc Nhà Xuất bản và Hội đồng Khảo thí ĐH Cambridge. Địa điểm tổ chức thi của chứng chỉ Linguaskill là số 187B Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, TP.Hà Nội.

Chứng chỉ APTIS

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 3646/QĐ-BGDDT về việc phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh APTIS. Đây là chứng chỉ đầu tiên của Hội đồng Anh đã được cấp phép liên kết tổ chức thi trở lại sau khi bị tạm hoãn để bổ sung các điều kiện theo Thông tư 11.

Các đơn vị được thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng Anh APTIS giữa Công ty TNHH British Council (Việt Nam), Công ty TNHH thương mại và phát triển Giáo dục Việt Nam, Công ty cổ phần Truyền thông giáo dục và thời đại, Công ty TNHH ETE Việt Nam, Công ty TNHH công nghệ và phát triển giáo dục Thời đại và Hội đồng Anh (Vương quốc Anh).

Lý do dừng tổ chức thi chứng chỉ IELTS và nhiều chứng chỉ quốc tế

Lý giải về lý do dừng tổ chức thi chứng chỉ IELTS và nhiều chứng chỉ quốc tế, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ nói chung, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nói riêng của nước ngoài có xu hướng phát triển cả về quy mô, hình thức, ngôn ngữ. Hoạt động này đáp ứng nhu cầu của người dự thi lấy chứng chỉ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng xác định được năng lực ngoại ngữ của người lao động.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể: Hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian qua được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng.

Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát...) dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ....

Những tiêu cực này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc; người dân lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi để được cấp chứng chỉ; gây thất thu thuế nhà nước và giảm sức hút, sự minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.

Thí sinh có cần cuống cuồng ra nước ngoài thi IELTS?Thí sinh có cần cuống cuồng ra nước ngoài thi IELTS?

SKĐS - Sau thời gian hoang mang trước thông tin kỳ thi IELTS tạm hoãn tại Việt Nam, nhiều thí sinh đã lên kế hoạch bỏ thêm chi phí để sang nước ngoài thi IELTS, chuyên gia khuyên gì?


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn