Hà Nội

Sau kết luận thanh tra đất đai ở Sóc Sơn, Hà Nội: Dân địa phương vẫn bức xúc, vì sao?

27-03-2019 17:40 | Xã hội
google news

SKĐS - Mới đây Thanh tra TP. Hà Nội đã công bố Kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay tại xã Minh Trí và xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn - vùng “nóng” về sai phạm đất đai trong địa bàn Hà Nội.

Dù kết luận đã chỉ ra nhiều sai phạm về quản lý đất rừng và xây dựng trên địa bàn, trách nhiệm của những cá nhân, tập thể có liên quan nhưng nhiều nội dung trong kết luận vẫn khiến nhiều người dân địa phương tỏ ra “bức xúc” và chưa “tâm phục, khẩu phục”,...

"Đánh bùn sang ao"

Trở lại với khu kinh tế mới Đồng Đò - thôn Minh Tân, xã Minh Trí, ngay sau khi có kết luận của Thanh tra TP. Hà Nội, chúng tôi thấy bà con nơi đây không khỏi lo lắng, thậm chí là bức xúc vì nội dung kết luận thanh tra không đề cập tới nguồn gốc đất rừng mà bà con đã bỏ công sức ra khai hoang, trồng rừng từ năm 1985 tới nay. Ông Nguyễn Đình Cường - Trưởng thôn Minh Tân cho biết, tới đây, ông cùng bà con trong thôn sẽ cùng nhau họp và có ý kiến lên trên đối với kết luận thanh tra này vì với kết luận “kiểu chung chung, đánh bùn sang ao, bà con sẽ còn khổ nữa, công sức hàng chục năm khai hoang sẽ bị lãng quên”. Trưởng thôn Minh Tân cũng cho rằng, đây không phải là kết luận thanh tra toàn diện vì chỉ riêng ở thôn Minh Tân, nguồn gốc đất đai bà con đi xây dựng vùng kinh tế mới Đồng Đò từ năm 1985 theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước và TP. Hà Nội sau đó mới trồng rừng, xây dựng nhà cửa, đường sá, trạm điện, trường học như hôm nay. Tuy nhiên, trong kết luận thanh tra không đề cập tới nguồn gốc lịch sử trước đây về việc bà con khai hoang đất đai, trồng rừng, làm nhà làm cửa từ năm 1985 và trường học, đường điện được làm vào năm 2000 (xã cuối cùng của Hà Nội - khi chưa mở rộng, có điện). “Ở Đồng Đò, Minh Tân có nguồn gốc lịch sử riêng so với những xã khác. Ở đây, người có trước rừng có sau mà kết luận thanh tra lại kết luận chung chung là 9 xã có rừng và 7 hồ ở Sóc Sơn có vi phạm đất rừng là không hợp lý, chưa đi sâu đi sát thực tế địa phương...”, ông Cường bày tỏ.

Phóng viên báo SK&ĐS làm việc với Chủ tịch xã Minh Trí và Trưởng thôn Minh Tâm.

Phóng viên báo SK&ĐS làm việc với Chủ tịch xã Minh Trí và Trưởng thôn Minh Tâm.

Về phía chính quyền địa phương, ông Dương Văn Nhuận - Chủ tịch UBND xã Minh Trí cho biết, trong kết luận thanh tra đã chỉ rõ trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương, tuy nhiên, nội dung của kết luận thanh tra vẫn chưa thuyết phục và chưa đưa vào những kiến nghị của địa phương trước đó khi dự thảo kết luận thanh tra được đưa ra. Theo ông Nhuận, vào cuối tháng 1/2019, UBND xã Minh Trí đã đề nghị Thanh tra TP. Hà Nội bổ sung một số nội dung vào kết luận thanh tra để đúng với lịch sử và thực tế đất đai của địa phương nhưng đã không được xem xét. Theo đó, UBND xã Minh Trí đề nghị TP. Hà Nội cho điều chỉnh quy hoạch rừng năm 2008 theo Quyết định 2100/QĐ-UBND ngày 29/5/2008 của UBND TP. Hà Nội về việc điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng Sóc Sơn. Tách diện tích 52,4ha chồng lấn Bản đồ địa chính đo đạc năm 1993 và 611 hộ trên địa bàn xã ra khỏi quy hoạch rừng. Đặc biệt, tách thôn Minh Tân ra khỏi từ quy hoạch rừng vì nhân dân thôn Minh Tân đến ở khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới Đồng Đò từ năm 1985. “Dân có trước, rừng có sau”, ông Nhuận nhấn mạnh. Trong kiến nghị của mình lên Thanh tra TP. Hà Nội, chính quyền xã Minh Trí cũng nêu rõ: Năm 2000, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội về thăm nhân dân thôn Minh Tân có chỉ đạo các sở, ban, ngành đầu tư xây dựng đường điện phục vụ nhân dân thôn Minh Tân. Từ đó, các công trình điện, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng. Do vậy, UBND xã Minh Trí đề nghị không đưa nội dung việc đầu tư xây dựng đường ngõ xóm theo QĐ 16/2012/QĐ-UBND TP. Hà Nội là sai vì đây là nhu cầu tối thiểu phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Xử lý kiểu nửa vời

Trong Kết luận Thanh tra cũng nêu rõ, việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác và thực tế số công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều, chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực 7 hồ lớn trong khu vực quy hoạch rừng hiện có 797 công trình vi phạm. Đối với vi phạm trật tự xây dựng trong quy hoạch rừng tại 2 xã trên, nhiều hộ dân đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình, nhà ở trên đất nằm trong quy hoạch rừng năm 2008 với tổng số 688 trường hợp (xã Minh trí có 524 trường hợp, Minh Phú có 164 trường hợp).

Dù kết luận sai phạm là “khủng” như vậy nhưng trong phần kiến nghị xử lý sau khi thanh tra đất rừng Sóc Sơn lại rất chung chung và nửa vời. Đó là ngoài kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân lãnh đạo xã, huyện và nhiều lãnh đạo cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn qua các thời kỳ từ 2006 - 2018 đã để xảy ra vi phạm thì phần kiến nghị xử lý với các công trình sai phạm cũng rất đáng suy ngẫm. Cụ thể, Thanh tra TP. Hà Nội chỉ kiến nghị “tổ chức cưỡng chế ngay đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017 - 2018 trên địa bàn 2 xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven các hồ đã được UBND huyện Sóc Sơn lập hồ sơ xử lý vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu”. Rõ ràng, với đề nghị xử lý như vậy thì không khó để nhận ra rằng, các công trình lớn trong số sai phạm ở trên như hộ ông Ngô Văn Cam hay hộ gia đình ca sĩ Mỹ Linh... đều không nằm trong diện “cưỡng chế ngay” hay phải “trả lại nguyên trạng”.

Đối với các công trình vi phạm từ trước, Thanh tra TP. Hà Nội kiến nghị “thiết lập hồ sơ, có phương án xử lý đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đất đai sử dụng đúng mục đích” nhưng không có một đề xuất cụ thể nào.


Việt Quốc
Ý kiến của bạn