Sau hơn 1 tháng hoạt động vẫn nóng

11-12-2013 21:11 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thông tin tại Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác về việc triển khai đường dây nóng (ĐDN) để tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh từ người dân về chất lượng dịch vụ KCB giữa Bộ Y tế và Tổng Công ty Viễn thông Viettel diễn ra sáng 10/12 tại Hà Nội

Thông tin tại Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác về việc triển khai đường dây nóng (ĐDN) để tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh từ người dân về chất lượng dịch vụ KCB giữa Bộ Y tế và Tổng Công ty Viễn thông Viettel diễn ra sáng 10/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Trường - Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, sau hơn 1 tháng hoạt động, ĐDN của Bộ Y tế liên tục nhận được các cuộc gọi phản ánh những vấn đề chuyên môn, thái độ phục vụ, làm sai quy định của nhân viên y tế...

Kênh thông tin giúp giải quyết ngay bức xúc của người dân

Theo TS. Trường, đối với các cuộc gọi khẩn cấp, Bộ Y tế sẽ trực tiếp điện thoại ngay cho các BV để yêu cầu can thiệp. Còn các trường hợp phản ánh thông tin liên quan đến thái độ giao tiếp, đòi hối lộ, khám chữa bệnh sai..., Bộ sẽ gửi văn bản yêu cầu các Sở Y tế kiểm tra, làm rõ, xử lý và báo cáo về Bộ (trong 1 tháng qua, Văn phòng Bộ Y tế đã ban hành 21 văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin người dân phản ánh qua ĐDN). Dẫn chứng từ thực tế, TS. Trường cho biết, trường hợp cháu Nguyễn Tấn Phát (5 tháng tuổi) được bố mẹ đưa đến tiêm phòng tại Trạm Y tế xã Lộc An, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An nhưng bị từ chối vì không có hộ khẩu thường trú tại đây. Sau khi gia đình cháu gọi điện thoại đến ĐDN, Sở Y tế tỉnh Long An đã chỉ đạo trạm y tế tiêm phòng cho cháu. Quá trình giải quyết mất chưa đầy 2 giờ.


	Đại diện Bộ Y tế và Công ty Viettel ký kết thỏa thuận hợp tác về đường dây nóng ngành y tế.

Đại diện Bộ Y tế và Công ty Viettel ký kết thỏa thuận hợp tác về đường dây nóng ngành y tế.

Cũng theo Bộ Y tế, những thông tin người dân phản ánh tới ĐDN đã giúp ngành xử lý được nhiều sai phạm. Điển hình vào ngày 24/11, ĐDN tiếp nhận cuộc gọi phản ánh PKĐK Năm Châu (707 đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) có BS người Trung Quốc hành nghề KCB, không biết tiếng Việt, khám bệnh bằng phiên dịch, kê một đơn thuốc 9 triệu đồng chữa dạ dày, không ký tên vào đơn thuốc, thuốc không có nhãn mác và toàn tiếng Trung Quốc. Sau khi nhận được thông tin, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội kiểm tra, xác minh và xử lý. Kết quả kiểm tra PKĐK Năm Châu cho thấy, hầu hết thông tin người dân phản ánh là đúng sự thật. Đoàn thanh tra đã đình chỉ hoạt động KCB của 2 BS dỏm người Trung Quốc, thu hồi giấy chứng nhận hoạt động của phòng khám Năm Châu...

Trong thống kê về hoạt động của ĐDN ngành y tế, BV K (Hà Nội) là một trong những BV có nhiều ý kiến gọi đến ĐDN, trong đó nổi bật là chuyện bệnh nhân khám tại đây phản ánh về việc nhân viên y tế tại cơ sở Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội có thái độ hách dịch, quát nạt bệnh nhân từ khâu đón tiếp. Mỗi tuần bệnh nhân gặp BS xạ trị đều phải có phong bì, muốn có kết quả xét nghiệm nhanh cũng phải có phong bì. Còn tại phòng xét nghiệm tế bào, bình thường một tuần mới trả kết quả, nếu ai đưa tiền thì có kết quả ngay, tình trạng khi tiêm truyền, người dân  phải cho tiền điều dưỡng để tiêm không đau. Hay tình trạng nhân viên y tế bắt tay với “cò”... Từ phản ánh của người dân qua ĐDN, Bộ Y tế đã yêu cầu BV K xử lý ngay tình trạng “cò” KCB bắt tay với BS của BV. “Nội dung người bệnh phản ánh là có trong thực tế, BV sẽ xử lý đến cùng”, ông Bùi Diệu, Giám đốc BV K khẳng định.

Chúng ta làm tốt ĐDN bao nhiêu thì người dân hưởng lợi bấy nhiêu

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của ĐDN, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, ĐDN là một trong những biện pháp quan trọng quản lý, đánh giá chất lượng dịch vụ KCB của ngành y tế, đồng thời là một kênh để Bộ Y tế đánh giá nhanh, chính xác, kịp thời chất lượng KCB của các cơ sở y tế và giải quyết bức xúc của người dân. “Do đó, nếu chúng ta làm tốt hoạt động của ĐDN bao nhiêu thì người dân được hưởng lợi bấy nhiêu, đồng thời chúng ta cũng kịp thời chấn chỉnh được những thiếu sót”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.

Trước những thông tin cho rằng, việc Bộ Y tế siết chặt hoạt động ĐDN đang làm tăng áp lực lên chính nhân viên y tế, TS. Nguyễn Xuân Trường cho hay, không ai muốn làm tăng áp lực cho bác sĩ nhưng trước những bức xúc của dư luận đối với ngành y trong thời gian qua, đây là biện pháp cần phải thực hiện. Trước mắt, ĐDN là một công cụ tốt giúp cho việc quản lý, giám sát trong ngành y. Việc củng cố lại ĐDN thống nhất từ Trung ương đến địa phương của Bộ Y tế nhằm làm cho việc giám sát được thông suốt, đồng thời, bản thân mỗi cán bộ, nhân viên y tế khi thực hiện các dịch vụ phục vụ nhân dân cũng có ý thức hơn. Do đó, không chỉ ban hành chỉ thị nhằm tăng cường và chấn chỉnh hoạt động của ĐDN ở 3 cấp (BV, Sở Y tế và Bộ), Bộ Y tế cũng đang xây dựng quy chế hoạt động và chế tài thưởng, phạt các trường hợp được phản ánh qua ĐDN.          

Theo TS. Nguyễn Xuân Trường, sau 1 tháng triển khai ÐDN qua số điện thoại 0973.306.306 (từ ngày 8/11 - ngày 7/12) đã có 1.469 cuộc gọi đến, trung bình có 50-60 cuộc gọi mỗi ngày. Trong số 448 cuộc gọi phản ánh đúng phạm vi tiếp nhận tổng đài thống kê có 80% (357) cuộc gọi phản ánh của người dân ở mức độ bình thường, yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra xác nhận lại hiện tượng tiêu cực tại các cơ sở y tế; 20% cuộc gọi phản ánh ý kiến bức xúc về thái độ, trách nhiệm, giao tiếp của nhân viên y tế cả ở bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, trạm y tế xã.

Bài và ảnh: Thái Bình

 


Ý kiến của bạn