Sau giãn cách, kinh tế Thủ đô khởi sắc trở lại

02-11-2021 14:06 | Doanh nghiệp

SKĐS - Nhiều chỉ số kinh tế - xã hội vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020, riêng tháng 10, nhiều chỉ số tăng mạnh so với thời gian trước đó.

Doanh nghiệp ở Hà Nội được tháo gỡ khó khăn sau dịch COVID-19 thế nào?Doanh nghiệp ở Hà Nội được tháo gỡ khó khăn sau dịch COVID-19 thế nào?

SKĐS - Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đã ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo với nhiều giải pháp hiệu quả.

Các chỉ số thương mại, dịch vụ của Hà Nội tăng mạnh

Tháng 10/2021, các chỉ số thương mại, dịch vụ của TP. Hà Nội tăng mạnh khi Thành phố tập trung chuyển trạng thái từ "không COVID-19" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh như Chính phủ chỉ đạo; từng bước mở cửa trở lại nhiều hoạt động…

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước tính đạt 56.000 tỷ đồng, tăng 59,8% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 32.300 tỷ đồng, tăng 25,5% so với tháng trước và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 5.300 tỷ đồng, gấp 2,1 lần tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Doanh thu du lịch, lữ hành đạt 304 tỷ đồng, tăng mạnh so với tháng 9 nhờ mở cửa trở lại nhưng chỉ bằng 68,8% cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 18.100 tỷ đồng, gấp 2,7 lần tháng trước và tăng 35,7% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 10 tháng năm 2021 ước thực hiện 216.900 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán Trung ương giao (đạt 86,3% dự toán Thành phố giao) và tăng 8,7% so với cùng kỳ.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 ước tính đạt 1.279 triệu USD, tăng 3% so với tháng trước và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 715 triệu USD, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 58,8% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 564 triệu USD, tăng 2,1% so với tháng trước và giảm 9,8% so với cùng kỳ.

Sau giãn cách, kinh tế Thủ đô khởi sắc trở lại - Ảnh 2.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố đạt 92,1% dự toán Trung ương giao. Ảnh minh họa

Trong tháng có 57 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 34 triệu USD. Bên cạnh đó, có 7 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 112,6 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 43 lượt, đạt 113 triệu USD. Lũy kế 10 tháng năm 2021, toàn Thành phố thu hút 1,2 tỷ USD vốn FDI.

Trước đó, Cục Thống kê thành phố Hà Nội cũng công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021.

Theo đó, mặc dù từ đầu năm đến nay, thành phố triển khai nhiều hoạt động chống dịch, trong đó có việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng hoạt động kinh tế - xã hội vẫn có nhiều điểm sáng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến hết tháng 10 ước tính thực hiện 216,9 nghìn tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán Trung ương giao và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi nới lỏng giãn cách và trở về trạng thái bình thường mới, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ đều khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tính tăng 10,2% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành công nghiệp có chỉ số IIP 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất xe có động cơ tăng 14,7%; sản xuất trang phục tăng 14,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 8,2%.

Đối với nông nghiệp, thành phố đã hoàn thành thu hoạch 74 nghìn ha lúa vụ mùa, đạt 96,1% diện tích gieo cấy. Năng suất lúa ước tính đạt 58,4 tạ/ha, tăng 1% so với vụ mùa năm trước. Thành phố đã gieo trồng được 4.250 ha ngô vụ đông, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Thành phố hiện có gần 160 nghìn trâu bò các loại; 1,38 triệu con lợn. Tất cả các chỉ số đều tăng so với năm 2020. Doanh thu thương mại, dịch vụ tháng 10 tăng mạnh so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước tính đạt 56 nghìn tỷ đồng, tăng 59,8% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 440 nghìn tỷ đồng, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Từ đầu năm đến hết tháng 10, thành phố đã giải ngân vốn ngân sách đạt 32,3 nghìn tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 63,7% kế hoạch năm.

Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội (đoạn Nhổn-Ga Hà Nội), có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32,9 nghìn tỷ đồng.

Đến nay, tiến độ thực hiện các gói thầu phần trên cao đạt trên 90%; việc giải phóng mặt bằng các ga ngầm cơ bản hoàn thành và 10/10 đoàn tàu đang được chạy thử nghiệm.

Dự kiến thời gian tới, 10 đoàn tàu sẽ chạy liên tục tại các ga trên cao với chiều dài 8,5km đoạn Nhổn - Cầu Giấy.

Dự án đường Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, đến nay, tiến độ toàn dự án ước đạt trên 80% khối lượng công việc; đã hoàn thành đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động và đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở.

Dự án đường Vành đai 2 trên cao đang được nhà thầu khẩn trương triển khai thi công để kịp đảm bảo tiến độ.

Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Cầu có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,4 km, được khởi công từ đầu năm 2021.

Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành khoan nhồi nhiều trụ cầu và đang hoàn thiện mặt bằng đường dẫn lên cầu.

Việc thi công đang bị chậm lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng nhà thầu đang cố gắng đảm bảo các biện pháp phòng dịch cũng như huy động nhân lực nhằm thi công vượt tiến độ dự án.

Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố thu hút 1,2 tỷ USD vốn FDI. Trong tháng 10, có 2.298 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 37,1 nghìn tỷ đồng, tăng 71%; thực hiện thủ tục giải thể cho 292 doanh nghiệp, tăng 48%; 1.332 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 81%; 1.060 doanh nghiệp trở lại hoạt động, gấp hai lần cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, nhiều chỉ số kinh tế - xã hội vẫn tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020, riêng tháng 10, nhiều chỉ số tăng mạnh so với thời gian trước đó. Đó là tín hiệu tốt cho thấy kinh tế - xã hội đang hồi phục sau khi thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, đặt ra kỳ vọng vào sự bứt tốc trong những tháng cuối năm.

3 nhiệm vụ quan trọng của Hà Nội tới cuối năm để thúc đẩy kinh tế

Sau giãn cách, kinh tế Thủ đô khởi sắc trở lại - Ảnh 3.

Kinh tế Hà Nội khởi sắc trở lại

UBND TP Hà Nội đã và đang triển khai kế hoạch tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng 3 nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt từ nay đến cuối năm là: Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Tháng 11 này, Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19". Hội nghị sẽ đưa giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế của TP trong thời gian tới; đồng thời trao đổi, giải đáp khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Trước đó, vào đầu tháng 10, Thành ủy, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19".

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thời gian tới, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, TP Hà Nội sẽ ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 của TP; kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, trong các khu, cụm công nghiệp và các địa phương.

Bên cạnh đó, tạo chuyển biến căn bản về xây dựng Chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; hướng tới cơ bản các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp được tinh gọn và thực hiện trực tuyến; thúc đẩy và khuyến khích đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề, kỹ năng, trình độ và ý thức cao, đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng.

"TP Hà Nội sẽ thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; chuẩn bị tốt các điều kiện để đón làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trên thế giới và trong khu vực trong giai đoạn hậu COVID-19", ông Quyền nói.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Mời bạn đọc theo dõi video đang được quan tâm:

Hàng quán lơ là phòng dịch.



Nguyệt Minh
Ý kiến của bạn