Chiều 13/7 tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng, NSUT Khánh Hòa đã giới thiệu đến người yêu nhạc nói chung và người lính biên phòng nói riêng album nhạc Tình biên cương. Đây là một sản phẩm âm nhạc đặc biệt, được thực hiện bởi một e-kip là những nhạc sĩ, nhà quay phim, nhà văn, nhà thơ có tên tuổi như: đạo diễn Việt Hương, nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, diễn viên Thiện Tùng, Hoạ sĩ: Đồng Thanh Phong, Đinh Quang Hiếu
Theo đạo diễn album ca nhạc Tình biên cương Việt Hương, câu chuyện trong album nhạc này xuất phát từ cảm nhận các anh lính Biên phòng toàn sống ở núi rừng với đồng bào dân tộc, phải làm thế nào để có tác phẩm mà cả quân và dân đều cảm thấy gần gũi. Theo đó, mạch hình ảnh và ca khúc trong album có một cô gái H’mong vùng cao xinh đẹp hát hay, trai bản rất thích cô nhưng cô lại trót yêu thương người lính Biên phòng.
Sau Gần lắm Trường Sa, NSUT Khánh Hòa lại vừa giới thiệu đến công chúng album ca nhạc về tình quân dân, về tình yêu Tổ quốc mang tên Tình Biên cương
Phim xây dựng hình tượng người chiến sĩ Biên phòng với suy nghĩ và tình cảm của người lính dành cho mảnh đất nơi Biên cương của Tổ quốc là: Đồn là nhà, biên giới là Quê hương. Ngoài việc cầm súng canh giữ chốt tiền tiêu thì các anh cũng đã hết lòng chăm lo cho đời sống của dân bản, vì thế mà cô gái H’mong đã thầm yêu anh chiến sĩ Biên phòng, cũng vì tình cảm chân thành của người lính đã chinh phục được chàng trai bản lúc ban đầu không thích anh bộ đội vì ghen, vì người con gái trai bản yêu lại yêu anh bộ đội. Trên thực tế đạo diễn Việt Hương cho biết, chị thấy đã rất nhiều đồng chí đồn trưởng tại các tỉnh biên giới lấy vợ người H’mong. Nên kịch bản nội dung chính là xoay quanh mối tình của người lính Biên phòng và cô gái H’mong.
Chất liệu âm nhạc chủ đạo là H’mong. Trong album, có những bài quen như Chiều biên giới, Bài ca trên núi, Tình yêu bên suối, nhưng cũng có những bài vẫn còn lạ đối với đại bộ phận công chúng như Tiếng chim họa mi hót, Thương anh nhiều lắm đấy. Khánh Hòa mong sau đây những ca khúc ấy sẽ trở nên quen thuộc hơn. Riêng Thơ tình của núi, NSUT Khánh Hòa hát song ca cùng với ca sỹ Lê Anh Dũng nhưng anh không xuất hiện trên hình vì phải tuân theo kịch bản. Trong kịch bản để Thiện Tùng đóng hình ảnh của người con trai đó để thống nhất xuyên suốt một hình ảnh nhân vật.
Các cảnh quay của album này được thực hiện ở Hà Giang với nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, các góc quay bằng flycam như đưa người xem được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ và lãng mạn của mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Cột cờ Lũng Cú hiện lên trên màn ảnh cùng tiếng hát về tình quân dân, với trọng tâm là người lính Biên phòng đã đem lại những cảm xúc dạt dào với công chúng thưởng thức.
Có thể nói NSUT Khánh Hòa là một nghệ sĩ nặng lòng với các chiến sĩ ở những nơi tuyến đầu. Trước album này, năm 2012, NSƯT Khánh Hòa đã giới thiệu album phim ca nhạc Gần lắm Trường Sa được thực hiện hết sức công phu đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của bộ đội Hải quân cũng như trong toàn quân. Đồng thời, Gần lắm Trường Sa cũng được công chúng yêu âm nhạc cả nước yêu thích.