Việc phục hồi sau cơn đột quỵ cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên môn và nhà vật lý trị liệu.
Những vấn đề thường gặp sau đột quỵ
Người bị đột quỵ có thể gặp vấn đề về ngôn ngữ như chứng mất ngôn ngữ nếu các cơ kiểm soát lời nói bị tổn thương. Đó có thể là tình trạng không nói được, gặp khó khăn khi tìm đúng từ hoặc không nói được câu hoàn chỉnh.
Đột quỵ có thể làm suy giảm khả năng suy nghĩ và nhận thức, gây ra các vấn đề về trí nhớ. Điều đó cũng có thể gây ra sự mất an toàn, do người bệnh thay đổi về hành vi và không có khả năng hiểu được hậu quả tiềm ẩn từ hành động của mình.
Đột quỵ có thể làm suy yếu các cơ ở một bên cơ thể và làm giảm chuyển động của khớp, từ đó gây ảnh hưởng đến việc đi lại và thực hiện các hoạt động thể chất khác. Đột quỵ cũng có thể gây ra các cơn đau co thắt cơ. Sau cơn đột quỵ, cơ thể có thể không còn khả năng cảm nhận một số cảm giác như nóng, lạnh hoặc đau. Một số chức năng của tai, mắt và mũi có thể bị ảnh hưởng.
Bị trầm cảm sau cơn đột quỵ không phải là hiếm. Nếu bản thân hoặc người thân có cảm giác buồn bã, chán nản hoặc tuyệt vọng kéo dài quá 2 tuần, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh để được chẩn đoán và điều trị trầm cảm.
Chăm sóc người bệnh sau đột quỵ
- Tuân thủ chỉ định của bác sĩ
Bệnh nhân sau đột quỵ cần dùng rất nhiều loại thuốc như: thuốc tim mạch, huyết áp, tiểu đường, thuốc an thần, giảm đau…vv. Mỗi loại thuốc sẽ được bác sĩ kê sao cho hiệu quả điều trị cao nhất với liều thấp nhất có thể, vì vậy việc bỏ một loại thuốc, tăng hoặc giảm liều, thêm một loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng đều nguy hiểm tới sức khỏe thậm chí tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy bệnh nhân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt đơn thuốc của bác sĩ, mọi sự điều chỉnh cần được trao đổi với bác sĩ điều trị.
Việc tuân thủ tập phục hồi chức năng, dinh dưỡng cũng mang tính chất quyết định tới sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhân. Tập phục hồi chức năng giúp khôi phục lại các hoạt động thường ngày của bệnh nhân từ đơn giản tới phức tạp, đây là một quá trình lâu dài và liên tục. Kiên trì và luyện tập theo kế hoạch bác sĩ phục hồi chức năng đưa ra giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và trở lại cuộc sống.
- Về chế độ ăn uống
Ngoài việc điều trị, chế độ ăn uống đóng một vai trò rất quan trọng. Người bệnh cần tăng cường bổ sung thực phẩm chứa axit folic, vitamin B6, B12, C, D, E, axit béo omega-3, magie… có thể giúp cải thiện khả năng phục hồi và giảm thiểu nguy cơ đột quỵ. Đặc biệt là các loại trái cây, rau củ có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất, tăng sự hài lòng và giảm mức độ căng thẳng.
- Về tập luyện
Một số hoạt động thể chất là rất cần thiết để tăng cường sức mạnh và sự phối hợp của cơ, giảm căng cơ và tăng phạm vi chuyển động…cũng vô cùng quan trọng với bệnh nhân sau đột quỵ.
Yoga là một lực chọn tốt để phục hồi sau đột quỵ, đặc biệt là đối với những người có vấn đề về thăng bằng hoặc sợ ngã. Yoga giúp thúc đẩy các chuyển động cơ thể, cải thiện hơi thở và tinh thần.
Ngoài ra, người bệnh có thể tập những môn thể dục ưa thích như đi bộ, làm vườn, tập thở, tập thái cực quyền bao gồm các động tác chậm rãi, uyển chuyển giúp cải thiện sự cân bằng cơ thể và giúp giảm lo lắng, căng thẳng.
- Duy trì cân nặng hợp lý
Duy trì cân nặng hợp lý, giảm tỷ lệ mỡ trong cơ thể là một cách để kiểm soát nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Nếu bị thừa cân béo phì thì việc giảm cân có thể giúp: cải thiện chỉ số huyết áp; giảm cholesterol; giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2; giảm nguy cơ rối loạn lipid máu.
Ngoài ra người bệnh sau đột quỵ cần phải kiểm soát căng thẳng vì mức độ căng thẳng cao có mối quan hệ với nguy cơ đột quỵ. Vì vậy, việc thực hiện các kỹ thuật thư giãn có thể hạn chế một cơn đột quỵ tiếp theo. Một số cách để giảm căng thẳng là: Mát xa; liệu pháp hương thơm; có một vài sở thích nhẹ nhàng như đọc sách, trồng cây hay nuôi thú cưng; suy nghĩ tích cực; ngồi thiền; nghỉ ngơi và làm việc hợp lý.
Tóm lại: Sau khi bị đột quỵ người bệnh có thể gặp một số di chứng, tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe và mức độ bệnh của từng cá nhân. Các di chứng như: các chức năng của cơ thể bị ảnh hưởng, rối loạn giao tiếp, suy giảm trí nhớ và tư duy, thay đổi cảm xúc, thay đổi hành vi. Vì vậy, việc chăm sóc là rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình hồi phục, giảm nguy cơ tái phát đột quỵ và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Đây là một quá trình dài, cần kiên trì và phải có kiến thức cơ bản, đúng cách.