Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày hôm nay (12/7), ở Bắc Bộ và khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ như: Láng (Hà Nội) 37.1 độ, Hà Nam 37.8 độ; khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ như: Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 38.4 độ, Con Cuông (Nghệ An) 38.1 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 39.0 độ, Ba Đồn (Quảng Bình) 38.4 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 39.0 độ,…; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%.
Ngày 13-14/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%. Khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%
Ngày 13/7, khu vực Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; khu vực đồng bằng và Hòa Bình có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%. Ngày 14/7, khu vực Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%.từ ngày 15/7 nắng nóng kết thúc ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và có khả năng giảm dần ở khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên.
Nắng nóng duy trì từ nay đến ngày 14/7, sau đó nắng nóng thu hẹp phạm vi và tạm thời chấm dứt. Khoảng cuối tháng 7 sang đầu tháng 8 nắng nóng có khả năng xuất hiện trở lại tại Bắc Bộ và Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Cơ quan khí tượng dự báo, trong giai đoạn từ ngày 11/7-10/8, dải hội tụ nhiệt đới có xu thế hoạt động nhiều hơn, mạnh hơn và có thể gây thời tiết xấu (mưa dông, lốc xoáy, sóng mạnh) trên khu vực Biển Đông. Dự báo có khoảng 2-3 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông trong giai đoạn nửa cuối tháng 7 và đầu tháng 8, trong đó khoảng ngày 15-20/7 có khả năng xuất hiện các nhiễu động trên dải hội tụ nhiệt đới và phát triển thành áp thấp nhiệt đới/bão trên Biển Đông.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Lấy Sổ Tiết Kiệm 200 Tỷ “Ảo” Làm “Mồi Câu”, Nữ Quái Giả Danh Đại Tá Lừa Đảo Ca Sĩ Nổi Tiếng | SKĐS