Khu vực Vĩnh Phúc, Hà Nội có thể động đất 5-6 độ
Ngày 3/3, tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra trận động đất 3.2 độ richter. Điều đáng nói tại khu vực này gần như chưa bao giờ ghi nhận được động đất. PGS.TS Cao Đình Triều, PGS.TS Cao Đình Triều, Viện trưởng Viện Địa vật lý ứng dụng cho biết, khu vực xảy ra động đất Yên Lạc (Vĩnh Phúc) nằm trên đới đứt gãy sông Hồng, cùng với Hà Nội. Đới đứt gãy này đang trong thời kỳ yên tĩnh, đặc biệt là đoạn đi qua Vĩnh Phúc – Hà Nội đã nhiều năm qua không ghi nhận động đất khoảng 3 độ richter.
PGS.TS Cao Đình Triều cho biết, động đất này nằm trên đới đứt gãy Sông Hồng chay ngang qua Hà Nội phương tây bắc - đông nam. Dự báo động đất tại đoạn đứt gãy Sông Hồng (trong đó có Hà Nội) có nguy cơ có cấp độ mạnh 5,6-6,0. Tuy vậy đây là dự báo về nguy cơ lâu dài, còn động đất xảy ra cụ thể tại điểm nào cần có nghiên cứu chuyên sâu. Việc dự báo chính xác thời gian xảy ra động đất lại càng không thể.
Động đất có quy luật phân bố theo không gian. Theo PGS.TS Cao Đình Triều, là nơi tiếp cận giữa hai vành đai động đất lớn (Địa Trung Hải và Thái Bình Dương), động đất trên lãnh thổ Việt Nam mang sắc thái đặc trưng, chủ yếu tập trung thành các đới tương đối rõ nét có phương kéo dài, chủ yếu là Tây Bắc - Đông Nam, Đông Bắc - Tây Nam và á Kinh tuyến. Các đới chấn tâm động đất này gắn liền với các đới phá hủy sâu chính lãnh thổ Việt Nam.
Các đới đứt gãy phân khối theo cấu trúc địa chất. Đó là khu vực uốn nếp Tây Bắc, miền uốn nếp Trường Sơn và vùng rìa Hoa Nam có cường độ lớn hơn cả. Nguy cơ xảy ra động đất mạnh lớn nhất trên phạm vi đất liền lãnh thổ Việt Nam là hệ đứt gãy Sông Đà - Sơn La và Sông Cả - Rào Nậy. Tại đây đã xảy ra 3 trận động đất mạnh nhất trên lãnh thổ với độ lớn đạt 6.0-6.9 độ richter.
Ngoài ra động đất còn được phân bố theo quy luật thời gian. Trước khi xảy ra động đất mạnh thường là một thời kỳ yên tĩnh. Khoảng thời gian yên tĩnh này kéo dài khác nhau và phụ thuộc vào điều kiện kiến tạo của từng vùng. Nói cách khác độ kéo dài của thời gian yên tĩnh phụ thuộc vào vận tốc tích lũy và cấp độ mạnh của động đất xảy ra sau đó. Có thể giải thích chu trình tích lũy và giải phóng năng lượng như sau:
Sau động đất mạnh (cực đại trong vùng phát sinh), năng lượng còn dư được giải phóng dưới dạng các dư chấn. Sau thời kỳ này sẽ trở về trạng thái cân bằng mới. Những chuyển động kiến tạo diễn ra không ngừng tại đó đã bắt đầu quá trình tích lũy năng lượng mới (thời kỳ yên tĩnh). Quá trình này diễn ra chậm chạp, phụ thuộc vào cường độ chuyển động kiến tạo. Thời kỳ tiền chấn chính là thời kỳ năng lượng tích lũy bắt đầu giải phóng dưới dạng động đất yếu.
Công trình xây dựng cần tính đến yếu tố kháng chấn
Trên các khu vực có đứt gãy, có nhất thiết phải quy định các công trình xây dựng tính toán đến yêu cầu kháng chấn? Theo PGS.TS Cao Đình Triều, Việt Nam chưa có luật về động đất, trong khi các nước phát triển trên thế giới có nguy cơ xảy ra động đất thì tất cả các công trình phải tính toán yếu tố kháng chấn. Tại Việt Nam, đã đến lúc cần thiết phải kiến nghị kháng chấn trong xây dựng nhà dân sinh và công trình công cộng, công nghiệp…
"Tất cả các công trình xây dựng phải tính toán đến yếu tố kháng chấn. Riêng đối với hu đứt gãy chạy qua cần thiết kế theo quy chuẩn nằm trong đới đứt gãy hoạt động. Đó là cách để phòng ngừa động đất bất thường có thể xảy ra để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra như động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua", PGS.TS Cao Đình Triều nói.
Lý giải việc quy định kháng chấn cho các công trình ngay cả không nằm trên đới đứt gãy địa chất, PGS.TS Cao Đình Triều cho biết, động đất xảy ra trong phạm vi đới sinh chấn nhưng sóng địa chấn tác động đến mọi công trình xung quanh. Biến dạng mặt đất (nâng lên, hạ xuống, dịch chuyển ngang) có thế phá hủy nền đất và công trình trong đới biến dạng. Đứt gãy phát sinh động đất hay còn gọi là đới sinh chấn có thể làm sụp đổ nhà, công trình.
"Vấn đề cấp bách là xác định được chi tiết nguồn phát sinh động đất đi qua TP Hà Nội và dự báo được nguy cơ phát sinh động đất cấp độ mạnh lớn nhất và lập bản đồ độ nguy hiểm động đất phục vụ kháng chấn để phòng ngừa nguy cơ", PGS.TS Cao Đình Triều nói.
Chu kỳ lặp lại động đất mạnh 5,4 ở Hà Nội là 1.100 năm và trận động đất mạnh cuối cùng xảy ra cách đây đã hơn 700 năm (1285). Trong tương lai, hoạt động động đất có thể tăng lên và động đất mạnh có thể xảy ra. Ngoài ra, Hà Nội còn phải chịu tác động của động đất mạnh xảy ra ở những vùng đứt gãy lân cận như đứt gãy sông Lô, Đông Triều, Sơn La.
Vẫn theo ông Triều, ngoài nguy cơ xảy ra động đất lớn, khu vực Hà Nội cũng là vùng có nền đất không tốt nên dễ cảm nhận được rung chấn khi có động đất lớn ở nơi khác. Thưc tế thời gian qua cho thấy Hà Nội đã từng xuất hiện các đợt rung lắc do ảnh hưởng bởi dư chấn động đất từ các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc.
"Vì thế, nếu động đất xảy ra ở Hà Nội sẽ gây ra các chấn động lớn. Chỉ cần xảy ra động đất với cường độ từ 4 độ richter trở lên, những tòa nhà chung cư cũ, khu tập thể cũ đã xuống cấp tại thành phố sẽ không thể chịu nổi," ông Triều nhấn mạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 4/3: Ông Đỗ Hữu Ca Hợp Tác, Khai Nhận 35 Tỷ Đồng Nhưng Chưa Tác Động Để “Chạy Án” | SKĐS