Dưới đây là những lưu ý giúp người bệnh sau điều trị ung thư giảm nguy cơ tái phát và khỏe mạnh.
Đối với chế độ ăn cho bệnh nhân sau điều trị ung thư
Dinh dưỡng của người bệnh ung thư cần được đánh giá từ chuyên gia dinh dưỡng nhằm giảm thiểu nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng, đảm bảo cân nặng và khả năng chịu đựng các tác dụng phụ của điều trị.
Tác dụng phụ của các phương pháp điều trị có thể gây chán ăn, mệt mỏi, sụt cân mất kiểm soát. Do đó, để đảm bảo hiệu quả của điều trị người mắc bệnh ung thư cần duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và bổ sung những thực phẩm giàu dưỡng chất trong chế độ ăn hàng ngày.
Cụ thể:
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa để cung cấp đầy đủ lượng calo cần thiết trong ngày.
- Ăn đa dạng các loại thực phẩm phù hợp với cơ thể.
- Uống nhiều nước và uống từng ngụm nhỏ trong vài phút.
- Giữ thái độ sống tích cực.
- Tránh béo phì, thực hiện chế độ ăn lành mạnh.
- Bổ sung loại vitamin tổng hợp hoặc vitamin và khoáng chất, tích cực ăn rau xanh, quả chín.
- Bổ sung các chất lỏng và đồ ăn nhẹ với nhiều chất dinh dưỡng.
- Chọn thực phẩm phù hợp với cơ thể.
Để giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác ở người bệnh ung thư như: tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, các bác sĩ thường khuyên những người sau điều trị ung thư cần tuân theo các khuyến nghị chung để có sức khỏe tốt. Chúng bao gồm ăn một chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, bỏ hút thuốc, duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm thiểu bia rượu và duy trì hoạt động thể chất thường xuyên.
Đối với tập luyện thể dục sau điều trị ung thư
Hoạt động thể chất cũng cần được đánh giá bởi chuyên gia nhằm giúp người bệnh chuẩn bị cho các phương pháp điều trị, dung nạp và đáp ứng với các phương pháp điều trị cũng như giảm thiểu một số triệu chứng của ung thư và các tác dụng phụ của việc điều trị.
Tập thể dục cần được thực hiện thường xuyên, tùy chỉnh theo từng loại ung thư, các triệu chứng, sức khỏe tổng thể, các loại điều trị và tác dụng phụ của điều trị. Tập thể dục đã được chứng minh là làm giảm các tác dụng phụ như mệt mỏi và đau khớp do điều trị ung thư.
Bệnh nhân không phải đến phòng tập thể dục hay mua thiết bị đắt tiền. Tất cả những gì người bệnh cần là đi bộ bên ngoài hoặc xung quanh nhà để bắt đầu quá trình tập luyện của mình. Hoạt động thể chất có thể được kết hợp vào thói quen hàng ngày của mọi người. Ví dụ, bệnh nhân có thể đi cầu thang bộ thay vì thang máy, đi bộ hay xe đạp thay vì lái xe.
Tập thể dục đều đặn có thể giảm căng thẳng, mệt mỏi, bớt lo lắng, trầm cảm, cải thiện giấc ngủ và chất lượng cuộc sống đối với bệnh nhân ung thư. Dù bệnh nhân đang trong quá trình điều trị hay đã hoàn thành việc điều trị, hãy bắt đầu tập thể dục ngay từ hôm nay.
Chú ý lịch tái khám sau điều trị ung thư
Tùy từng người bệnh các bác sĩ sẽ chỉ định lịch tái khám cụ thể. Bác sĩ sẽ cân nhắc dựa trên các yếu tố: loại ung thư, mức độ tiến triển khi bệnh được phát hiện và phương pháp đã (đang) điều trị.
Nếu đã điều trị xong, thời gian đầu người bệnh có thể sẽ đi tái khám với lịch vài tháng một lần. Thời gian người bệnh không bị tái phát càng dài thì thời gian giữa các buổi tái khám sẽ càng xa nhau. Sau 5 năm, việc tái khám sẽ chỉ thực hiện khoảng một năm một lần. Vì vậy, người bệnh sẽ chú ý ghi nhớ lịch tái khám của bệnh mình.
Việc tái khám là cần thiết để theo dõi tình trạng bệnh, có thể sẽ điều trị, bổ sung các loại thuốc nếu cần. Trường hợp thăm khám, các triệu chứng hay kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh ung thư có khả năng tái phát, bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh thực hiện chụp X-quang, chụp CT, chụp PET, chụp MRI, chụp xạ hình xương hoặc sinh thiết để xác định chính xác tình trạng bệnh.
Tóm lại: Đối với người bệnh ung thư cần có sức khỏe tốt thì việc điều trị ung thư sẽ mang lại kết quả tốt nhất. Và để có được một cuộc sống khỏe sau khi hoàn thành việc điều trị ung thư, bệnh nhân cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên, giữ tinh thần lạc quan, thoải mái. Khi có bất kỳ biểu hiện nghi ngờ khác thường về sức khỏe cần tới ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và đánh giá.