Theo BVĐK tỉnh Kon Tum, sẹo hẹp khí quản là tình trạng các mô xung quanh khí quản bị tổn thương và hình thành sẹo, dẫn đến hẹp đường thông khí của cơ thể.
Người đàn ông bị sẹo hẹp khí quản vừa được cứu là ông A L. (trú xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, Kon Tum). Đến ngày 5/8, bệnh nhân L. đã ổn định sức khỏe, cải thiện khó thở, hết tiếng rít thanh quản và đang được tiếp tục theo dõi, chăm sóc.
Trước đó, ông L. được người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng khó thở, đau ngực dữ dội, suy hô hấp.
Tại BVĐK tỉnh Kon Tum, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán ông L. bị sẹo hẹp khí quản, mức độ rất nặng, sẹo gần như bịt kín khí quản. Để cứu người bệnh, tránh nguy cơ tử vong vì không thở được, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật loại bỏ sẹo.
BSCKII Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Kon Tum phẫu thuật viên chính, trực tiếp cắt bỏ vết sẹo dài 2 cm ra khỏi khí quản người bệnh.
BSCKII Phạm Thanh Việt cho biết: "Bệnh nhân đã qua tình trạng nguy kịch. Ở trường hợp này, nếu không phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong vì suy hô hấp bởi khí quản gần như đã bị bịt kín".
Theo BSCKII Phạm Thanh Việt, sẹo hẹp khí quản là trường hợp ít gặp, thường do di chứng sau đặt ống nội khí quản. Khi người bệnh bị sẹo hẹp khí quản nguy cơ tử vong rất cao nếu không được chẩn đoán đúng và kịp thời.
Qua trường hợp của bệnh nhân L., bác sĩ Việt khuyến cáo, những ai từng có tiền sử đặt nội khí quản nếu có tình trạng khó thở, khó thở tăng cần đi nội soi phế quản bằng ống mềm ngay để kiểm tra. Nếu nội soi phát hiện sẹo hẹp khí quản phải điều trị sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm.