Hà Nội

Sau cú xe máy đâm, bé trai 7 tuổi bị chấn thương thận

29-08-2019 19:00 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Vừa qua Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi N.T.T, 7 tuổi, nhà ở Tiền Giang được chuyển từ tuyến dưới lên với chẩn đoán ban đầu là chấn thương thận phải.

Theo BS. Phan Nguyễn Ngọc Tú – Khoa Niệu BV Nhi Đồng 2: Qua khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhi bị xe máy tông vào hông lưng phải, sau tai nạn bệnh nhi tỉnh táo, than đau bụng vùng hông phải và tiểu máu. Xác định đây là một bệnh lý cấp tính có thể ảnh hưởng tới tính mạng bệnh nhi, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiến hành thăm khám một cách toàn diện và kỹ lưỡng nhằm loại trừ các thương tổn khác kèm theo. Kết quả siêu âm và CT-scan góp phần  khẳng định chẩn đoán bệnh nhi bị chấn thương thận phải kín độ III-IV. Đây là một bệnh lý chấn thương có thể theo dõi điều trị bằng nội khoa. Do đó bệnh nhi đã được nằm theo dõi điều trị tại khoa Niệu- Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Trong quá trình điều trị bệnh nhi được truyền 3 đơn vị máu, kháng sinh, và giảm đau. Qua 3 tuần điều trị tình trạng huyết động học của bệnh nhi ổn định. Tuy nhiên, gần đây bệnh nhi thường xuyên sốt cao kèm lạnh run, than đau bụng. Khám lâm sàng phát hiện một khối chắc vùng hông phải, ấn đau, các xét nghiệm về tình trạng nhiễm trùng tăng. Bệnh nhi được làm siêu âm và phát hiện một khối có kích thước 8x9x12 cm dịch hồi âm ở cạnh thận phải. Để đánh giá chính xác các đặc điểm của khối tụ dịch bệnh nhi được làm CT-scan cho thấy: khoang sau phúc mạc thận phải có một cấu trúc nang dịch lớn 12x10x9 cm.

Hình ảnh thận lúc chấn thương

Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch , Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, đây là một tình trạng nhiễm trùng khối tụ dịch lớn quanh thận sau chấn thương thận không đáp ứng với điều trị nội khoa. Để tránh một cuộc phẫu thuật lớn cho bệnh nhi chúng tôi đã tiến hành một phương pháp xâm lấn tối thiểu  để giải quyết tình trạng trên bằng cách soi bàng quang đặt JJ bàng quang – niệu quản ngược dòng giúp giảm áp lực đường niệu phía trên thận bị chấn thương, góp phần cho các tổn thương nhu mô và đường bài niệu nhanh hồi phục,tránh tình trạng nước tiểu tiếp tục tràn ra ngoài.

Đối với khối tụ dịch nhiễm trùng quanh thận, các bác sĩ đã sử dụng dẫn lưu qua da bằng sonde Pigtail dưới hướng dẫn của siêu âm, BS Thạch cho biết thêm.

Sau can thiệp tình trạng của bệnh nhi cải thiện rõ rệt, hết sốt, ăn uống tốt.

Được biết, nang niệu (urinoma) là một biến chứng hiếm gặp sau chấn thương thận. Đây là một khối nước tiểu nằm bên cạnh thận có thông thương với đường bài xuất nước tiểu (đài thận, bể thận,...), hậu quả sau một chấn thương thận nặng ( độ III, IV theo ASST) có vỡ nhu mô thận thông vào đường bài xuất, gây trào nước tiểu ra xung quanh thận.

Chấn thương thận ngày càng có xu hướng gia tăng tại các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển.

Tại Mỹ, chấn thương là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế ở giới trẻ. Tại Pháp, chấn thương là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3. Chấn thương hệ tiết niệu chiếm khoảng 10% các trường hợp chấn thương bụng, trong đó chấn thương thận là thường gặp nhất. Tại Việt Nam, chấn thương bụng nói chung và chấn thương thận nói riêng ngày càng phổ biến, nguyên nhân thường gặp nhất là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt và thể dục thể thao. Chấn thương thận chủ yếu là chấn thương thận kín, chiếm 80 - 85% các trường hợp tổn thương thận. Chấn thương thận kín là trường hợp tổn thương thận nhưng thành bụng hay thành lưng không bị thủng.

Một người bình thường có 2 quả thận, hình hạt đậu, nằm hai bên cột sống, trong ổ thận kín sau phúc mạc. Kích thước thận trung bình cao khoảng 12 cm, rộng 6 cm, dày 3 cm, cân nặng khoảng 150g. Bao bọc quanh thận là lớp mỡ quanh thận và lá cân tương đối chắc ( cân Gerota ), vì vậy trong chấn thương thận kín, lá cân Gerota giúp cho những khối máu tụ sau phúc mạc tạo ra một áp lực lên thận chấn thương giúp tự cầm máu.



Nguyễn Vũ
Ý kiến của bạn