Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế sau sự cố Formosa, kết luận báo cáo nêu rõ: “Ðến thời điểm hiện tại, các thông số đặc trưng của môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sản”. Tuy nhiên, kết quả này vẫn có nhiều ý kiến trái chiều. PV báo SK&ÐS đã trao đổi với các nhà khoa học để làm rõ hơn về vấn đề này.
GS.TSKH. Trương Quang Học - Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội): Cần xem xét thay đổi Tiêu chuẩn Việt Nam
Sự việc xả thải của Formosa là một ví dụ rất điển hình về nhiều mặt, Nhà nước mà giải quyết tốt việc này thì sẽ giải quyết đồng bộ được nhiều vấn đề có tính chất chiến lược. Đó là vấn đề lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với Nhà nước; Lòng tin của người dân đối với giới khoa học. Nhất là trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 hoạt động với phương châm là một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và vì dân... Vì vậy, việc giải quyết triệt để sự cố môi trường tại các tỉnh miền Trung cần được làm sáng tỏ hơn lúc nào hết. Đứng về góc độ sinh thái học mà nói, hiện nay cả một hệ sinh thái biển bị suy thoái, độc hại đến mức tàn khốc, và để phục hồi một hệ sinh thái không thể nói là nhanh được. Ví như 9 triệu héc-ta rừng của chúng ta bị tàn phá hiện nay đến bao giờ mới mọc lại lên thành rừng được. Trông xa thì thấy xanh nhưng lại gần thì hóa ra toàn cỏ tranh, và để từ cây lên thành rừng không hề đơn giản, phải mất rất nhiều năm. Đây không phải chỉ là một thảm họa về ô nhiễm mà đây là một hệ thống đường lối chủ trương cho đến quá trình thực hiện, mà việc lỗi do Formosa chỉ là một phần thôi. Việc công bố tiêu chuẩn môi trường biển các tỉnh miền Trung vừa qua là đảm bảo theo Tiêu chuẩn Việt Nam thì Tiêu chuẩn Việt Nam cần phải xem lại, rất nhiều chất độc hại có trong nước chưa có trong Tiêu chuẩn Việt Nam thì môi trường đảm bảo ở đây là cái gì? Vì vậy khi phát biểu phải hết sức thận trọng, không thể ào ào được.
GS.TS.NGND. Võ Quý: Cần thận trọng hơn khi công bố
Vấn đề ô nhiễm của Formosa quá nghiêm trọng, thực tế gần 50 năm nghiên cứu dioxin xử lý về chất độc hóa học của Mỹ rải trên đất liền đã khó, còn các chất độc hại của Formosa thì lại nằm ở dưới biển, không biết ranh giới ở đâu, mà lại công bố là môi trường biển đang có dấu hiệu phục hồi và cải thiện, tôi hơi quan ngại, so với đất liền việc xử lý môi trường biển khó hơn rất nhiều. Đây mới là thời điểm khởi đầu hoạt động sản xuất của Formosa, chưa đi vào hoạt động chính thức đã gây ra hậu quả nguy hiểm đến thế, đến khi đi vào hoạt động chính thức thì nó sẽ nguy hại đến mức nào? Vì vậy cần thận trọng hơn khi công bố. Thực tế trên thế giới nhiều nước phát triển cũng bị tình trạng ô nhiễm môi trường giống Việt Nam, nhưng cũng chưa có nước nào công bố chỉ số môi trường đảm bảo tiêu chuẩn nhanh như vậy, nó phải đến cả trăm năm. Thực tế tại các nhà hàng ven biển đến nay không ai dám ăn hải sản. Không chỉ khách du lịch mà ngay cả dân sở tại họ vẫn chưa dám ăn, chưa dám tắm ở biển, nhìn chung việc khai thác hải sản tại 4 tỉnh vẫn còn ảm đạm. Ngay lúc này đây, khi câu hỏi cá biển đã an toàn chưa, biển đã sạch chưa vẫn đang bỏ ngỏ thì biết đến bao giờ biển mới hồi sinh.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Viện trưởng, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm: Chưa thể dễ dàng phát triển thành một quần thể phong phú và đa dạng ngay được
Đây là thời gian khởi đầu nhưng đã xả thải ra môi trường gây ra sự cố nguy hiểm như vậy, nhưng không dễ dàng xử lý. Ảnh hưởng của việc xả thải này rất ghê gớm đối với môi trường biển. Riêng rạn san hô là một loài động vật phục hồi cực kỳ lâu và khi nó đã bị chết rồi thì nhiều năm sau mới phục hồi được. Trong trường hợp này, rạn san hô bị mất đi thì không khác gì con chim mà không có rừng, con thú mà không có rừng thì không thể sống được và nó chết hết. Con cá, con tôm... những loài động vật khác ở biển dựa vào san hô để phát triển, con nọ làm mồi cho con kia để sống trong quần thể sinh thái thì bây giờ đã không còn nữa. Tuy nhiên, cá là loài biết bơi thì cá có thể từ vùng biển khác sẽ trôi về vùng biển miền Trung, nhưng cũng chưa thể dễ dàng phát triển thành một quần thể phong phú và đa dạng ngay được.
GS. TS. Đặng Kim Chi - Phó Viện trưởng Viện KH&CN Môi trường, Đại học Bách Khoa HN, Ủy viên BCH Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Phát triển để tự bảo tồn, đó là bản năng sống của sinh vật
Tôi cũng là thành viên của Hội đồng thẩm định báo cáo trước khi công bố, vì lý do khách quan nên không tham gia. Theo tôi được biết, cách đây vài tháng cũng có ý tưởng tuyên bố xúc lớp trầm tích dưới đáy biển để xử lý, tôi cho rằng đó là sự không tưởng, nó không thực tế, thực ra cuối cùng người ta chỉ dựa vào quá trình tự làm sạch, cân bằng lại môi trường của hệ sinh thái thôi, nó là quá trình tự làm sạch, tự thích nghi. Thiên nhiên bao giờ cũng có sự thích ứng rất tốt, nó tự tiêu diệt những gì định làm hại nó và nó sẽ thích nghi và phát triển để tự bảo tồn, đó là bản năng sống của sinh vật.
Ông Nguyễn Ngọc Oai - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT): Tiếp tục khai thác thủy sản bình thường trên các vùng biển an toàn ngoài 20 hải lý
Tổng cục Thủy sản đã tham mưu Bộ NN&PTNT ban hành văn bản hướng dẫn khai thác, nuôi trồng thủy sản gửi tới 4 địa phương miền Trung. Đến thời điểm này, các địa phương tổ chức tuyên truyền hướng dẫn ngư dân tiếp tục khai thác thủy sản bình thường trên các vùng biển an toàn ngoài 20 hải lý; chất lượng môi trường biển tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung đã trở lại bình thường nên chất lượng thủy sản sẽ tốt. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục kết hợp với Bộ Y tế cùng các địa phương tiếp tục kiểm tra chất lượng sản phẩm hải sản đang chứa tại các kho hải sản, hoặc hải sản sau khi đánh bắt, tập kết ở các cảng cá ở các địa phương, đảm bảo an toàn khi người dân sử dụng.
TS. Vũ Đức Lợi - Phó Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Quốc gia tìm nguyên nhân cá chết: Chưa có đủ căn cứ nói cá có ăn được hay không
Tôi đồng tình với ý kiến của chuyên gia người Đức, TS. Friedhelm Schroeder thuộc Trung tâm khoa học Helmholtz Geestacht (Đức), người cũng tham gia khảo sát thảm họa môi trường này tại Việt Nam. Không thể lấy mẫu và đưa về phân tích vì ông cần đến những thiết bị tinh vi mà ông không thể tiếp cận. Do rạn san hô mới bắt đầu hồi phục, cá con mới bắt đầu trở về, ở khía cạnh bảo tồn không nên đánh bắt cá con, để nó hồi phục hệ sinh thái. Thứ hai là chưa có đủ căn cứ nói cá ấy có ăn được không. Cho nên khuyến cáo là không nên đánh bắt cá con trong phạm vi 20 hải lý trở về. Nếu có đánh tốt nhất là đánh vùng ngoài khơi vừa ít bị tác động, vừa đảm bảo đa dạng sinh học được bảo tồn. Về những loại cá tự nhiên bắt được sẽ cần phải có kiểm tra lượng phenol trước khi ra chợ. Tuy nhiên, khả năng cao là chúng sẽ ổn trong vài tháng tới.