Sau chiến tranh, chúng tôi là bạn!

01-05-2011 07:20 | Xã hội
google news

Đại tá John Stiles, tướng Dan Cherry không quân Hoa Kỳ, trước kia là “kẻ thù” của phi công lái MIG 21 Nguyễn Hồng Mỹ - Chiến sĩ đoàn không quân Sao Đỏ, Quân chủng phòng không không quân Việt Nam mấy năm nay họ trở thành bạn của nhau.

Đại tá John Stiles, tướng Dan Cherry không quân Hoa Kỳ, trước kia là “kẻ thù” của phi công lái MIG 21 Nguyễn Hồng Mỹ - Chiến sĩ đoàn không quân Sao Đỏ, Quân chủng phòng không không quân Việt Nam mấy năm nay họ trở thành bạn của nhau.

Dan Cherry đã viết cuốn sách My enemy, my friend (Kẻ thù của tôi, bạn tôi) mấy trăm trang để nói về tình bạn khá đặc biệt này.

Ba mươi chín năm về trước. Câu chuyện bắt đầu từ trước khi Không quân Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược B52 ném bom rải thảm Thủ đô Hà Nội. Dan Cherry cùng Bob Mock và John Stiles từng lái phản lực dội bom xuống các vùng ven Hà Nội để thăm dò sức mạnh không quân MIG và hỏa lực phòng không mặt đất đối phương. Nguyễn Hồng Mỹ thì hàng ngày trực chiến sẵn sàng xuất kích cùng đồng đội chặn đánh máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Tổ quốc.

Ngày 17/1/1972, phi đội của Nguyễn Hồng Mỹ và Lê Khương được lệnh xuất kích. Cả hai anh đã quần nhau với 12 chiếc F4 của Không quân Mỹ, bắn hết 8 quả đạn tên lửa nhưng không rơi chiếc nào.

Hai ngày sau, vào lúc 10 giờ sáng ngày 19/1/1972, phi đội của Nguyễn Hồng Mỹ lại xuất kích, nhưng lần này, bay số 2 cho anh là Thượng úy Lê Minh Dương. Vừa lên tới độ cao 3.000m thì Sở chỉ huy thông báo có địch, anh gọi số 2 bay về hướng có địch từ Thái Lan vào…

Đến vùng trời Hòa Bình, Nguyễn Hồng Mỹ phát hiện một tốp 8 chiếc F4 bên trái cách xa 18km, lập tức anh báo Dương tiếp cận mục tiêu rồi nhanh chóng tăng tốc thì phát hiện thêm một chiếc F4 đang cơ động phía trên. “Số 2 cảnh giới cho tôi”, Nguyễn Hồng Mỹ chỉ kịp nói nhanh vào hộp thoại, rồi lao vào công kích chiếc “con ma F4” này. Sau một loạt động tác cơ động rất điêu luyện, chiếc F4 rướn lấy độ cao bay về hướng Thanh Hóa. Anh không lấy độ cao bám đuổi mà nhanh chóng tăng tốc rượt theo đến lúc cách mục tiêu còn chừng 8km thì đèn báo dầu trong buồng lái của anh nhấp nháy báo động.

 Cựu phi công Việt Nam Nguyễn Hồng Mỹ ký tặng những người mua sách “My enemy, my friend” (Kẻ thù của tôi, bạn tôi) của tác giả Dan Cherry.

Tình hình báo về mặt đất, Sở chỉ huy lệnh cho anh quay về ngay. Tiếc quá, mục tiêu đã gần mà nhiên liệu thì hết. Trong giây khắc vụt lóe trong đầu “vẫn có thể bám được mục tiêu, tiếp tục công kích”. Và khi khoảng cách còn 4km, anh kéo máy bay lên theo mục tiêu, cự ly chỉ còn 2.000m, anh ấn cò phóng liền hai quả tên lửa như hai mũi tên lao thẳng vào chiếc F4 làm nó không kịp phản ứng; chiếc phản lực bùng cháy dữ dội, đứt làm đôi như một nhát dao chém, đầu máy bay lao xuống bên phải, phần đuôi rơi sang trái.

Đạn nổ quá gần, chiếc MIG của Nguyễn Hồng Mỹ lao vào vùng lửa cháy nên bị tắt máy, cứ thế rơi như một chiếc lá xuống độ cao còn chừng vài ba nghìn mét, anh bình tĩnh khởi động lại được động cơ nhưng cũng đúng lúc đèn báo dầu cạn kiệt. Nguyễn Hồng Mỹ tìm cách hạ cánh xuống sân bay Thọ Xuân – Thanh Hóa nạp nhiên liệu rồi mới bay về nơi căn cứ xuất kích…

Sau trận không chiến đó, Trung úy Nguyễn Hồng Mỹ được Chủ tịch nước tặng Huy hiệu Bác Hồ - phần thưởng cao quý dành cho những phi công bắn rơi máy bay địch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên soái Bachisky, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô cũng đến động viên biên đội, tìm hiểu, rút kinh nghiệm trận không chiến, mà lực lượng quá chênh lệch giữa biên đội của Nguyễn Hồng Mỹ với Không quân Hoa Kỳ.

Chiếc máy bay F4 mà Nguyễn Hồng Mỹ bắn rơi ngày 19/1/1972 năm đó có gì khác thường mà thu hút sự quan tâm đặc biệt đối với cả hai phía. Báo chí Mỹ đã tốn khá nhiều giấy mực để đưa tin, viết bài, bình luận về trận không chiến có một không hai này. Họ nói đó là trận đánh của một phi công tài ba. Đấy là trận đánh của một tay lái hoàn toàn làm chủ kỹ thuật, quả cảm tuyệt vời để bảo vệ bầu trời Tổ quốc của mình. Còn nhiều những lời ngợi ca đối phương với lòng ngưỡng mộ thật sự trước một phi công lái MIG Việt Nam lúc đó mới 26 tuổi. Nhưng phải mãi 36 năm sau, nghĩa là khi anh đến tuổi nghỉ hưu, các vết thương chiến trận đã hằn sẹo, Nguyễn Hồng Mỹ mới hay rằng hai phi công lái chiếc phản lực bị anh bắn trúng đã kịp nhảy dù trước khi máy bay bốc cháy rồi sau đó được trực thăng đến giải cứu, đó là Đại tá John Stiles và Bob Mock. Trong khi tôi đang viết bài này thì hay tin Bob Mock vừa bị tử nạn trong vụ va chạm giao thông còn John Stiles hiện là Hiệu trưởng Trường Chỉ huy và tham mưu Không quân Hoa Kỳ. Hai phi công kịp giải cứu thành công John Stiles, Bob Mock là Nikki Philip và Bob Noble đều còn sống…

Nhắc đến chuyện đó, tôi vẫn nhớ mấy cựu chiến binh Mỹ lần đầu tiên sang thăm Việt Nam trong đó có Tướng Dan Cherry lội bộ ra phố Cầu Đất bên sông Hồng, như ông ta nói vui là đi tìm “kẻ thù của tôi, bạn tôi” là phi công lái MIG 21 Nguyễn Hồng Mỹ. Ông kể, ông Nguyễn Hồng Mỹ đã bắn rơi máy bay của hai đồng đội của ông là John Stiles và Bob Mock ngày 19/1/1972. Nhưng ba tháng sau đó, ngày 16/4/1972, trong một trận không chiến quá chênh lệch về số lượng máy bay, quần nhau quyết liệt trên bầu trời và hết sức nhọc nhằn ông mới bắn trúng chiếc MIG của Hồng Mỹ khiến ông ấy phải nhảy dù.

Trong chiến trận, đôi bên đối mặt thua được, được thua là chuyện mặc nhiên, nhưng ở trận không chiến này, qua con mắt của Dan Cherry và đồng đội thì phi công Nguyễn Hồng Mỹ là một người hùng. Giữa vòng vây máy bay đối phương, “kẻ địch” phóng tới tấp đến 5 quả tên lửa mà Nguyễn Hồng Mỹ vẫn chủ động né tránh được hết. Tới quả thứ 6, trong một cái thế chẳng đừng, Nguyễn Hồng Mỹ mới chịu bung dù trước quả tên lửa này của Dan Cherry.

Hồi đó, người Mỹ đặc biệt quan tâm đến những trận đụng độ giáp chiến giữa Không quân Việt Nam và Hoa Kỳ. Báo giới Mỹ không giấu giếm nói rằng, năm 1972, những cái đầu nóng đầy toan tính ở Lầu Năm Góc đã rất tỉ mỉ và công phu cho ra đời một kế hoạch xâm nhập “bày binh bố trận” tiến công áp đảo miền Bắc Việt Nam bằng một lực lượng không quân gần 2.000 chiếc gồm đủ các loại phản lực hiện đại Thần Sấm, Con Ma, pháo đài bay B52, máy bay rải nhiễu trinh sát... nhằm nhanh chóng đè bẹp một nhóm MIG17, MIG21 của Hà Nội, biến Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá. Vậy mà trận đầu tiên xuất kích mang tính chất thăm dò thử sức của chiến dịch, Không quân Hoa Kỳ đã bị Nguyễn Hồng Mỹ bắn hạ chiếc F4 “tiên phong mở đường thăm dò” làm cho người Mỹ lúc đó chới với, hoang mang chẳng hiểu Không quân Việt Nam có những bí quyết sức mạnh gì?

Ngưỡng mộ về một con người, một phi công Việt Nam như thế, tháng 4/2009, Tướng không quân Mỹ Dan Cherry đã tha thiết mời Nguyễn Hồng Mỹ sang thăm Mỹ.

Khó mà nói hết được sự tiếp đón thân tình và đầy thiện chí của các cựu phi công Hoa Kỳ đối với Nguyễn Hồng Mỹ mà một thời họ từng là đối thủ của nhau trên bầu trời đêm ngày ngầu đục khói súng và bom.

Chuyện cứ như là mơ, cứ như là trời đất đã xếp đặt sẵn. Đặt chân lên đất Mỹ, anh phi công Việt Nam Nguyễn Hồng Mỹ năm nào, gần 40 năm rồi hôm nay mới có dịp gặp những phi công đối phương từng bị anh bắn hạ ngày 19/1/1972, đó là Bob Mock, John Stiles. Gặp cả mấy phi công đã kịp đến giải cứu Bob Mock, John Stiles. Gặp lại tướng Dan Cherry sau khi ông ở Việt Nam trở về Mỹ kể từ buổi gặp gỡ giữa hai người tại Chương trình truyền hình “Như chưa hề có cuộc chia ly” làm rơi nước mắt nhiều người vì xúc động, với anh thì đó là một tay lái kỳ phùng địch thủ ngang tầm đã thắng được anh trong một trận không chiến quyết liệt ngang ngửa sống mái, buộc anh phải bung dù...

 Cựu phi công Việt Nam Nguyễn Hồng Mỹ (bên phải), Tướng không quân Hoa Kỳ Dan Cherry (bên trái) cùng quan chức bang Kentucky trồng cây lưu niệm.

Nhưng thôi, đó là chuyện đã qua. Chiến tranh đã khép lại rồi. Hôm nay, giữa các người bạn Mỹ và Việt Nam, giữa các cựu phi công Hoa Kỳ và cựu phi công Nguyễn Hồng Mỹ chỉ có những nụ cười, những ánh mắt bè bạn vơi đầy cùng những cốc bia sủi bọt vừa rót chào mời bạn Việt Nam Nguyễn Hồng Mỹ đến Mỹ.

Xúc động lắm, những vòng tay chia sẻ, những nụ hôn nhẹ nhàng đặt lên má nhau bày tỏ nỗi niềm và tình bằng hữu. Một nụ cười thật cởi mở của cựu chiến binh phi công Nguyễn Hồng Mỹ: “Xin mời các bạn nâng ly. Chiến tranh đã khép lại và chấm dứt từ lâu rồi. Bây giờ và mãi mãi chúng ta sẽ là bạn! Hy vọng sẽ không còn chiến tranh trong tương lai”.

Những câu nói ấy làm vỡ òa cái không khí trang nghiêm giữa chủ và khách, giữa những người lính lái máy bay Mỹ và Việt Nam... Xóa đi mọi mặc cảm ngăn cách... Nhiều ly bia “dô” cao hướng cả về phía phi công Nguyễn Hồng Mỹ. Riêng Tướng Dan Cherry và John Stiles thì cụng bia với anh.

Nhấp một ngụm bia, Dan Cherry hóm hỉnh giới thiệu Nguyễn Hồng Mỹ đứng cạnh với mọi người quanh mình: My enemy, my friend (kẻ thù của tôi, bạn tôi).

Trong chuyến làm khách trên đất Mỹ, tướng Dan Cherry mời phi công Nguyễn Hồng Mỹ về thăm bang Kentucky quê mình. Tại đây, đích thân thống đốc bang, trước đông đảo các chiến binh không quân Hoa Kỳ và người dân Mỹ đã trao quân hàm danh dự đại tá không lực Hoa Kỳ cho cựu phi công trung úy Nguyễn Hồng Mỹ, cùng anh trồng cây lưu niệm trong công viên, trước tòa nhà Bowling Star lớn nhất Kentucky. Thuê cả họa sĩ về chân dung để tặng anh. Với tư cách giám đốc bảo tàng không quân của bang, tướng Dan Cherry mời Nguyễn Hồng Mỹ cầm kéo cùng cắt băng khánh thành bảo tàng với các quan chức bản xứ, mời anh dự những cuộc dạ tiệc, gặp mặt vui chơi với các bạn Mỹ và các cựu phi công Mỹ mái tóc đã bạc phơ. Cả hai người đã đứng cả tiếng đồng hồ cầm bút ký tặng mọi người xếp hàng mua sách “My enemy, my friend” của tác giả Dan Cherry.

Suốt những ngày sống trên đất Mỹ, Dan Cherry và Nguyễn Hồng Mỹ lúc nào cũng như hình với bóng chẳng rời nhau. Hình ảnh tướng Dan Cherry và cựu phi công Nguyễn Hồng Mỹ - hai người lính lái máy bay Mỹ và Việt Nam trong cuộc chiến tranh đã khép lại mấy thập kỷ nay, bưu điện Mỹ đã dùng làm con tem phát hành rộng khắp trên nước Mỹ như một biểu tượng đẹp về tình hữu hảo Việt - Mỹ sau chiến tranh.          

Bài và ảnh: Đỗ Quảng


Ý kiến của bạn