Sau bữa tối ăn nấm rừng xào: Chồng mất mạng, vợ và con dâu phải lên tuyến trung ương điều trị

27-06-2019 18:00 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Sau bữa ăn nấm xào, tang thương đã xảy ra với một gia đình tại Sơn La, khi người chồng qua đời sau 1 ngày bị ngộ độc, vợ và con dâu phải chuyển ngay về Trung tâm chống độc- Bệnh viện Bạch Mai để điều trị tích cực

 

Bất thường ngộ độc nấm giữa mùa hè

Trao đổi với phóng viên ngày 27/6, ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên- Phụ trách Trung tâm Chống độc cho hay, qua khai thác bệnh sử, người nhà bệnh nhân Vi Thị L. và Vi Thi . cho biết, một người con trong gia đình trên đường đi rừng về chiều ngày 22/6 thấy có nấm trắng mọc nhiều thì lấy về làm thực phẩm vì nghĩ chỉ nấm sặc sỡ mới là nấm độc. Gia đình chế biến món nấm xào cho bữa tối. Đến sáng ngày 23/6, 3 người trong gia đình gồm hai vợ chồng bà Vi Thị L và con dâu Vi Thị Nh. rơi vào tình trạng kể trên.

Khi bệnh nhân L. và Nh. được chuyển đến Trung tâm chống độc, mặc dù đã được xử trí ngộ độc nấm ban đầu tại tuyến dưới nhưng men gan của hai bệnh nhân vẫn rất cao từ 6000-7000 so với bình thường, suy gan nặng.

Hình ảnh loại nấm được cho là đã gây ra ngộ độc đối với gia đình bệnh nhân L.

Các bác sĩ của Trung tâm Chống độc đã nỗ lực cứu chữa, đến nay sau 4 ngày được điều trị tích cực, tình trạng của hai bệnh nhân đã khá hơn, tuy nhiên với bệnh nhân Vi Thị L., các bác sĩ cho rằng “vẫn chưa chắc chắn điều gì”

Theo Th.S BS Nguyễn Trung Nguyên, thông thường ngộ độc nấm hay xảy ra vào mùa xuân, mùa mưa, tuy nhiên đối với trường hợp 3 nạn nhân ngộ độc nấm này lại xảy ra bất thường vào dịp hè nắng nóng. “Có thể do người dân không phân biệt được nấm độc với nấm lành, nên khi thấy nấm mọc, nhiều người đã hái nhầm nấm độc về cho cả nhà sử dụng. Những trường hợp ngộ độc nấm thường là bị cả gia đình, từng có gia đình 9 người ăn thì 8 người không qua khỏi. Trung tâm Chống độc thường là nơi tiếp nhận những ca ngộ độc nấm nặng”- ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên nói

Theo thông tin ban đầu, loại nấm gây ngộ độc cho gia đình này là nấm độc tán trắng. Theo Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, nấm độc tán trắng có tên khoa học là Amanita verna. Đây là loại nấm mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng và một số nơi khác..

Tại Việt Nam, nấm tán trắng thường mọc ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Cạn, Phú Thọ. Chúng thường mọc ở các khu vực ven rừng vầu, tre, trúc, cọ và một số khu rừng với nhiều loài cây mọc thưa. Những khu vực có nấm độc tán trắng mọc năm nay thì năm sau thường mọc lại vì khu vực này có các bào tử nấm phát tán ra.

TS Dũng đang thăm khám cho bệnh nhân Vi Thị L.

Độc tố chính có trong nấm tán trắng là các amanitin (amatoxin) có độc tính cao, chỉ cần ăn một cây nấm cũng có thể bị tử vong.

Sai lầm khi nghĩ chỉ nấm sặc sỡ mới là nấm độc

ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên cho hay, tuy dịp mùa xuân vừa qua, tình hình ngộ độc nấm, nhất là tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc “êm ả”, nhưng không với những trường hợp ngộ độc nấm bất thường của gia đình trên cho thấy, nguy cơ ngộ độc nấm luôn hiện hữu. Do đó, công tác thông tin tuyên truyền về phòng tránh ngộ độc nấm phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Về vấn đề ngộ độc nấm, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc cho biết thêm, hiện nay nhiều người vẫn hiểu rằng nấm độc là loại có màu sắc sặc sỡ, điều này không đúng. Ngoài 2 trường hợp bệnh nhân trên, Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp ăn phải loai nấm trắng, ăn rất ngọt, mềm nhưng lại là loại nấm cực độc.

Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng nhấn mạnh quan điểm "cứ loại nấm côn trùng ăn được thì người cũng ăn được" là không đúng. Đối với loại nấm gây chết người thường có tác dụng chậm, sau 12-24 giờ mới có triệu chứng đầu tiên. Động vật chỉ chết sau 4-5 ngày. Thậm chí, một số người thử nấm bằng thìa, đũa, dây chuyền… làm bằng bạc nếu thay đổi màu xám đen thì nấm độc. Điều này hoàn toàn sai, các loại độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu. Việc phân biệt nấm độc với nấm lành không phải dễ, kể cả nhà chuyên môn

Đồng thời các chuyên gia cũng nhấn mạnh nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.

Khuyến cáo từ chuyên gia chống độc

Tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân Vi Thị Nh. đã khá hơn sau 4 ngày điều trị tích cực tại Trung tâm Chống độc

Theo TS Dũng, triệu chứng của ngộ độc nấm mới đầu có thể rất mơ hồ: đau bụng, đi ngoài sau đó tự cầm, nhiều người nghĩ đỡ không đến bệnh viện nhưng các triệu chứng xuất hiện trở lại thì đã hôn mê gan, tổn thương gan.

Các chuyên gia chống độc khuyến cáo: Khi có biểu hiện ngộ độc nấm nếu chưa nôn thì cần móc họng hoặc uống nhiều nước rồi móc họng gây nôn. Phương pháp này chỉ áp dụng cho bệnh nhân còn tỉnh táo, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Chú ý đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện đến cơ sở y tế; mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến đến cơ sở y tế để sơ bộ xác định loại nấm.

Nếu từ lúc ăn đến khi có biểu hiện bệnh dưới 6 tiếng thì có thể điều trị tại trạm y tế xã, bệnh viện huyện. Nếu hơn 6 tiếng thì phải đưa đến bệnh viện tỉnh, nơi có điều kiện lọc máu.

Để phòng chống ngộ độc do nấm độc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo:
1. Người dân “tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại, nấm lạ, không rõ nguồn gốc, nấm nghi ngờ không bảo đảm an toàn dù chỉ một lần”.
2. Khi phát hiện sớm các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm (buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy, đau đầu…) cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.
3. Khuyến cáo nhận dạng nấm độc:
- Nấm có đủ: mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc.
- Bên trong thân cây nấm mầu hồng nhạt, mũ nấm mầu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc


Thái Bình
Ý kiến của bạn