Đúc kết trong 70 năm hoạt động âm nhạc của NSND Trần Hiếu
Trong buổi ra mắt cuốn sách sáng 11/5/2022 tại Hà Nội, NSND Trần Hiếu đã 87 tuổi nhưng vẫn giữ được sự lạc quan, vui tươi vốn có. Theo NSND Trần Hiếu, trong tiếng hát Việt Nam, ngôn ngữ có vai trò quan trọng nhất, góp phần định hình phong cách trong tiếng hát Việt Nam. Chính vì thế, ông chọn ngôn ngữ làm trọng tâm sức mạnh trong tiếng hát Việt Nam và lấy đó làm đối tượng trọng tâm để nghiên cứu, diễn giải và bàn luận trong cuốn sách ở ngưỡng U90.
Quá trình thực hiện sách cũng khá thú vị, cách viết sách của NSND Trần Hiếu cũng rất đặc biệt. Ở tuổi xưa nay hiếm, những năm gần đây sức khỏe không ổn định, vì thế NSND Trần Hiếu không thể tự tay chấp bút trên từng trang bản thảo. Song, được sự động viên và sát cánh của người bạn đời - bà Nguyễn Thị Minh Ngà, NSND Trần Hiếu đã dần biến mong muốn của mình thành hiện thực.
Bà Nguyễn Thị Minh Ngà – người vợ thứ 3 kém NSND Trần Hiếu 18 tuổi, chia sẻ, vài năm trước, chồng đổ bệnh nặng tưởng không qua khỏi. Trong lúc dọn dẹp đồ đạc của NSND Trần Hiếu, bà Ngà phát hiện một tệp tài liệu cũ kỹ của chồng. Vợ NSND Trần Hiếu liền gọi điện thoại cho NSND Quốc Hưng – học trò của NSND Trần Hiếu, Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để "xử lý" những giấy tờ này. Sau đó, tệp tài liệu chính là bản thảo sơ khai của cuốn Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam hôm nay.
Toàn bộ các phần, chương, mục trong cuốn sách đã nằm trong suy nghĩ của NSND Trần Hiếu, sau này vượt qua bạo bệnh ông đã chia sẻ với người vợ của mình. Bà Ngà ghi chép lại, sau đó cùng đọc để chồng có thể chỉnh sửa theo ý muốn. Sau khi bản thảo đã hoàn thành, được sự góp sức của một người cháu ruột, cùng các học trò mà đứng đầu là NSND Quốc Hưng, cuốn sách chuyển đến nhà in.
NSND Trần Hiếu đã tin tưởng giao cho nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long, cũng là một cậu học trò thanh nhạc của NSND Trần Hiếu chịu trách nhiệm hiệu đính. Và sau khoảng gần 2 năm thực hiện, cuốn sách đã hoàn thành và được giới thiệu đến công chúng hôm nay.
Giọng ca Anh quân bưu vui tính chia sẻ: "Hơn 70 năm ca hát, trải qua những thành công và thất bại trong sự nghiệp của mình, tôi đã nhận ra được hết vẻ đẹp đặc biệt của ngôn ngữ Việt Nam trong tiếng hát mà cha ông chúng ta đã từng dày công xây dựng.
Vẻ đẹp đó được thể hiện qua các phong cách hát dân ca của nhiều miền trong những sân khấu nghệ thuật dân tộc vẫn đứng vững theo năm tháng thời gian. Tôi đã ấp ủ làm một cuốn sách ngôn ngữ Việt trong tiếng hát ngay từ khi mới bước vào nghề và hôm nay rất vui mừng khi ước mơ đã thành hiện thực".
Những giá trị từ cuốn sách của NSND Trần Hiếu
NSND Quốc Hưng đánh giá, cuốn sách của NSND Trần Hiếu vừa trình làng là tư liệu quý mà những thế hệ thanh nhạc sau này nên tiếp cận và đọc để biết về tầm quan trọng trong ngôn ngữ của nghệ thuật ca hát Việt Nam, từ đó thêm phần quyết tâm không ngừng trau dồi trong cách hát. Mặt khác, qua cuốn sách này người đọc còn cảm phục và biết thêm sự yêu nghề, cách tiếp cận các tác phẩm và những tâm huyết trong việc tìm tòi, đưa ra những hướng xử lý tốt nhất cho các tác phẩm.
Nhiều khán giả, nhất là các em thiếu nhi các giai đoạn rất yêu mến NSND Trần Hiếu khi hát những bài hát mang phong cách hài hước. Ông chia sẻ rằng từ một người hát nhạc chính ca, để trở thành một anh hề trên sân khấu ca nhạc, ông đã rất dày công nghiên cứu, đồng thời học hỏi từ các vị tiền bối như nhạc sĩ Đỗ Nhuận hay một thầy giáo dạy văn hóa...
Cũng trong cuốn sách, NSND Trần Hiếu còn cho thấy sự hiểu rộng và sâu của ông về vốn lịch sử âm nhạc Việt Nam, chất liệu dân gian dân tộc, đồng thời cách ông áp dụng nó vào trong biểu diễn và giảng dạy.
Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất của NSND Trần Hiếu thể hiện trong cuốn sách là việc ông phân tích sâu về vai trò và ý nghĩa của âm vị học trong tiếng hát Việt Nam, đưa ra các đặc điểm về nguyên âm, phụ âm, đặc điểm về khiếu thưởng thức ca hát của người Việt Nam, tính tượng hình tượng thanh trong cái tai người Việt, tác động của phụ âm "đầu và cuối âm tiết" vào nguyên âm tiếng Việt, tính biến hóa sinh động của việc xử lý phụ âm cuối âm tiết trong tiếng hát Việt Nam...
"Có lẽ đây là lần đầu tiên có một cuốn sách, một công trình khảo cứu về nghệ thuật thanh nhạc Việt Nam bàn sâu về vấn đề này. Cho nên đây là đóng góp rất lớn của NSND Trần Hiếu cần được ghi nhận. Cuốn sách này thực sự có giá trị đối với giới âm nhạc với nghệ thuật ca hát Việt Nam và là một tài liệu có giá trị để các công trình nghiên cứu khoa học, các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ làm tài liệu tham khảo", NSND Quốc Hưng chia sẻ.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long khẳng định, mặc dù cuốn sách có nội dung phú, chuyên biệt có độ dài hơn 100 trang bàn về tiếng hát nổi bật vai trò là sức mạnh của ngôn ngữ, nhưng nó lại dễ dàng tiếp cận với các đối tượng độc giả chứ không chỉ khu biệt trong nhóm đối tượng có liên quan đến mảng đề tài mà nội dung sách đề cập. "Không chỉ có vậy, cuốn sách còn có vị trí như cẩm nang những thông tin quý giá góp phần hỗ trợ cho công tác đào tạo thanh nhạc tại các đơn vị đào tạo âm nhạc các đơn vị nghệ thuật trên cả nước", nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nhận định.
NSND Trần Hiếu sinh năm 1936, là một trong những nghệ sĩ có cống hiến lớn cho nền âm nhạc mới Việt Nam nói chung, nghệ thuật ca hát mới Việt Nam nói riêng. Ông nổi tiếng ở hai lĩnh vực biểu diễn và đào tạo.
Trong lĩnh biểu diễn, ông là một giọng hát lừng danh. Trong lĩnh vực đào tạo, đã phát hiện, đào tạo và chắp cánh cho nhiều học trò, sau này trở thành những nghệ sĩ hàng đầu của nền nghệ thuật ca hát Việt Nam như: NSND Thanh Hoa, NSND Y Moan, NSND Nguyễn Đình Chiểu, NSND Hoàng Chè, NSND Trọng Nghĩa, NSND Quốc Hưng, NSƯT Tấn Minh, NSƯT Đức Long, NSƯT Hồng Kỳ, ca sĩ Trọng Tấn, ca sĩ Trần Thu Hà...