Hà Nội

Sau 6 năm chậm tiến độ, đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức khai thác thương mại

04-11-2021 17:51 | Xã hội

SKĐS - Chiều 4/11, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức họp báo cung cấp thông tin về kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành giai đoạn đầu tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro) Hà Nội thông tin, thực hiện khuyến cáo của đơn vị tư vấn Pháp ACT, phía công ty đã bổ sung 82 nhân sự, trong đó 44 nhân viên an toàn ke ga và 38 nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu.

Ngoài ra, cũng theo khuyến cáo của ACT, Metro Hà Nội đã tiến hành diễn tập với 63 tình huống có thể xảy ra trong quá trình khai thác, thay vì 10 tình huống như trước kia.

Dự kiến giai đoạn một năm đầu đưa vào khai thác sẽ chia làm 2 kỳ, 6 tháng đầu sau khi tiếp nhận và 6 tháng tiếp theo.

Sau 6 năm chậm tiến độ, đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức khai thác thương mại - Ảnh 1.

Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Metro Hà Nội (đơn vị tiếp nhận khai thác, vận hành dự án) thông tin về quy trình vận hành hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Cao Tuân

Trong 6 tháng đầu, sẽ vận hành làm sao vừa phù hợp với thông lệ chung vừa phù hợp với mức độ sử dụng dịch vụ của người dân; điều hành linh hoạt căn cứ vào thực tiễn.

Giai đoạn này sẽ vận hành 6 đoàn tàu, giờ mở tuyến 5h30, đóng tuyến vào 22h, tuần đầu dự kiến vận hành đều đặn 15 phút/chuyến, tuần trở đi là 10 phút/chuyến.

Giai đoạn 6 tháng sau, sẽ vận hành 9 đoàn tàu, giờ mở tuyến là 5h30 và kết thúc lúc 22h30, tuần suất thời điểm bình thường là 10 phút/chuyến, giờ cao điểm 6 phút/chuyến.

Sau 6 năm chậm tiến độ, đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức khai thác thương mại - Ảnh 2.

Trong 6 tháng đầu khai thác, tàu sẽ chạy từ 5h30 sáng đến 22h hàng ngày. Cứ khoảng 15 phút có một chuyến, tùy theo lượng khách, có thể tăng chuyến lên.

Giá vé của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được TP Hà Nội xây dựng trên cơ sở khuyến khích người dân sử dụng vận tải khách công cộng, có trợ giá, có bảo hiểm, đặc biệt đối tượng được ưu tiên miễn phí xe buýt sẽ được ưu tiên sử dụng tuyến đường sắt đô thị này.

"Tuyến đường sắt này áp dụng giá vé linh hoạt, đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu mà không phải thanh toán cả chặng như xe buýt; vé tháng là 30 ngày tính từ ngày kích hoạt chứ không phải tính từ ngày mua vé", ông Trường thông tin.

Sau 6 năm chậm tiến độ, đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức khai thác thương mại - Ảnh 3.

Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của hành khách thì yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 cũng là mục tiêu hết sức quan trọng. Bởi vậy, khách lên tàu phải quét mã QR code, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế về phòng, chống dịch.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: "Đúng 7h ngày 6/11, Bộ GTVT và UBND Hà Nội sẽ tổ chức bàn giao dự án. Sau khi Bộ GTVT và UBND Hà Nội ký biên bản bàn giao, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành thương mại".

Theo ông Tuấn, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là 1 trong 10 tuyến đường sắt đô thị trong tương lai đã được phê duyệt quy hoạch. Đây là giai đoạn đầu để tương lai sẽ nghiên cứu kéo dài tuyến tới Xuân Mai.

"Trước đây, dự án dự kiến đến năm 2014 hoàn thành, nhưng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và các thủ tục nên dẫn tới dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị chậm và bị chậm đến này là 6 năm", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Sau 6 năm chậm tiến độ, đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức khai thác thương mại - Ảnh 4.

Theo Bộ GTVT, để phát huy hiệu quả tối đa, dự án cần có kết nối đồng bộ giữa các loại hình giao thông khác cũng như sớm hoàn thiện hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao thông đã được thông qua.

Việc dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông triển khai xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc nhưng khi nghiệm thu lại là đơn vị tư vấn ACT của Pháp theo tiêu chuẩn châu Âu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lý giải, thời điểm ký kết hợp đồng với tổng thầu EPC để triển khai dự án thì Việt Nam chưa có tiêu chuẩn về thiết kế, đặc biệt là liên quan đến các thiết bị. Bởi vậy, tại thời điểm đó (năm 2013), tiêu chuẩn nào mà Việt Nam không có thì sử dụng tiêu chuẩn Trung Quốc.

"Tiêu chuẩn của Trung Quốc cũng dựa trên hệ tiêu chuẩn của châu Âu, nhưng tùy thuộc điều kiện mỗi quốc gia có tiêu chí áp dụng khác nhau. Ngay cả tiêu chuẩn của Trung Quốc tại thời điểm ký kết hợp đồng cũng chưa đầy đủ, chưa có tiêu chuẩn về khai thác, họ cũng vừa làm vừa xây dựng nên không đồng bộ ngay từ đầu. Còn tư vấn Pháp ACT đánh giá an toàn theo phương pháp đánh giá của châu Âu chứ không phải dùng tiêu chuẩn châu Âu để đánh giá an toàn dự án Cát Linh- Hà Đông. Tuy vậy, đây cũng là bài học cho Bộ GTVT, các đô thị lớn trong việc triển khai các dự án đường sắt đô thị sau này", ông Đông cho biết.

Về việc chậm tiến độ dự án Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin: "Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam và Thủ đô Hà Nội, dự án thí điểm, tức là "vừa làm vừa dòm". Trách nhiệm để dự án chậm trễ thì Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, trách nhiệm chung là của chủ đầu tư, trong đó cũng có nêu rõ chậm tại khâu nào, xét xét trách nhiệm đến đâu…".

Xem thêm video đang được quan tâm:

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

Cao Tuân
Ý kiến của bạn