Sau 20 năm, Hội Nhà văn Việt Nam đã có chủ tịch mới

24-11-2020 22:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã bầu ra Ban chấp hành khóa mới. Tân chủ tịch Hội là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Trong ngày làm việc hôm nay, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (diễn ra từ 23 – 25/11) đã nghe báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2015 - 2020, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025, kiểm điểm của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX, tiến hành giới thiệu và bầu nhân sự Ban chấp hành khóa X.

từ trái qua : Nhà văn Lê Phương Liên, nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh, nhà văn Lê Thấu - nguyên TBT Báo Sức khỏe & Đời sống

Nhà văn Thùy Dương và nhà văn Y Ban (bên phải)


Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX, nhà thơ Hữu Thỉnh đưa ra danh sách 11 người do Ban chấp hành khóa IX giới thiệu và đề nghị Đại hội giới thiệu thêm 4 người nữa. Nhà thơ Hữu Thỉnh không tiếp tục ứng cử Ban chấp hành khóa mới. Sau đó các đại biểu đã thông qua danh sách 15 nhà văn để bầu vào Ban chấp hành khóa X (nhiệm kỳ 2020 - 2025) và Đại hội đã tiến hành bỏ phiếu.

Cuối giờ chiều 24/11, Ban tổ chức Đại hội đã công bố danh sách các nhà văn trúng cử vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020 - 2025) gồm 11 người :  Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Quang Thiều, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Thị Thu Huệ, Bích Ngân, Phan Hoàng, Lương Ngọc An, Trần Hùng, Vũ Hồng, Hữu Việt. Ban chấp hành sau đó đã bầu nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa X; nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà thơ Nguyễn Bình Phương là Phó Chủ tịch Hội.

Cách đây ít giờ, nhà văn Y Ban cũng đã cập nhật trạng thái trên facebook cá nhân với nội dung: “Nhiệt liệt chúc mừng tân Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều và Ban chấp hành mới... Mong các đồng chí sức khoẻ dồi dào để gánh vác công việc nặng nhọc này”.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam


Tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa X Nguyễn Quang Thiều hiện là Giám đốc, Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn Việt Nam (từ tháng 5/2017). Sinh năm 1957 tại làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây, nay thuộc Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tốt nghiệp đại học ở Cuba, từng làm việc tại tuần báo Văn Nghệ, Ủy viên Hội đồng thơ; Ngoài ra ông còn là Trưởng ban Sáng tác, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật văn học Hội Nhà văn Việt Nam khoá 8, Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi.

Từ trái qua : Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, nhà văn Nguyễn Hoàng Thu, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Trung Trung Đỉnh


Trong hoạt động sáng tác văn học, Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ có nhiều tác phẩm tiêu biểu được giới làm nghề, bạn đọc đánh giá cao, trong đó phải kể đến các tập thơ: Sự mất ngủ của lửa, Những người lính của làng, Nhịp điệu châu thổ mới, Bài ca những con chim đêm, Thơ tuyển cho thiếu nhi, Châu thổ... Không chỉ giỏi trong sáng tác thơ, Nguyễn Quang Thiều còn là người đa tài khi gần đây ông lấn sân sang lĩnh vực hội họa bên cạnh việc viết truyện ngắn, tiểu thuyết, dịch sách, viết báo… Ông cũng là người đoạt nhiều giải thưởng thơ và truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Ngoài thơ ông còn viết kịch bản phim, kịch bản sân khấu.

Từ trái qua : Nhà văn Thùy Dương, nhà văn Lê Hồng Nguyên, nhà văn Mai Hương , phó Vụ trưởng Vụ VHVN Ban Tuyên giáo TW Phương Lan, nhà văn Như Bình, nhà thơ Nguyễn Phương Liên. Hàng ngồi : Nhà thơ Đàm Khánh Phương, nhà văn Ngô Thảo

Hai nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và Phan Huyền Thư

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X có gần 600 đại biểu là các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học...trên cả nước tham dự

Trước đó, đánh giá về nhiệm kỳ 2015-2020, nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét văn học đã đồng hành cùng dân tộc, có nhiều tác phẩm có giá trị cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong thời hiện đại, khi vị thế đất nước ngày càng được nâng cao và sự hội nhập quốc tế ngày càng trỗi lên mạnh mẽ. Đặc biệt, theo nhà thơ Hữu Thỉnh: “Tư duy văn học, đề tài, phương pháp sáng tác luôn được đổi mới, đem đến một diện mạo văn học phong phú, đa dạng. Dòng chủ lưu của văn học nước ta hiện nay là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, sự hội nhập và đạo đức xã hội”.

Hoạt động văn học dịch trong 5 năm qua có nhiều khởi sắc, có nhiều công trình dịch thuật văn học Hán-Nôm. Số lượng sách của các nhà văn Việt Nam được dịch và xuất bản ở nước ngoài cũng tăng lên rõ rệt. Nhiều tác giả nhận được giải thưởng văn học của Thụy Điển, Ý, Hàn Quốc,… Hội Nhà văn Việt Nam cũng tiếp tục duy trì hợp tác với Hội Nhà văn Á-Phi-Mỹ Latinh và tích cực duy trì vị trí sáng lập giải thưởng Văn học Mekong.

Mặc dù vậy, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết nhiệm kỳ qua văn học còn nhiều hạn chế do tài năng, vốn sống và tầm tư tưởng của một số nhà văn chưa tương xứng với đòi hỏi của thời đại và bạn đọc. Thêm vào đó, số lượng thành viên Ban chấp hành còn quá ít so với số lượng hội viên nên Ban chấp hành chưa nắm được hết tâm tư, nguyện vọng cũng như khó khăn của hội viên.


Phạm Hoa
Ý kiến của bạn