Theo các chuyên gia thừa cân, béo phì - căn bệnh thời hiện đại ngày càng gia tăng với tốc độ báo động, là mối đe dọa làm giảm tuổi thọ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, kéo theo hệ lụy về các bệnh lý khác như: Cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim, đái tháo đường, ung thư…
Thừa cân, béo phì không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn tác động nhiều đến tâm lý, đặc biệt đối với phái nữ, khiến người bệnh dễ mặc cảm, tự ti trong giao tiếp.
Để giảm gánh nặng của thừa cân béo phì, mục tiêu giảm cân là cần thiết. Tuy nhiên cần lựa chọn cho mình biện pháp phù hợp. Có rất nhiều phương pháp đã được áp dụng trong việc điều trị béo phì trên thế giới và Việt Nam như: Các biện pháp thay đổi lối sống, tăng cường vận động thể lực đã được chứng minh chỉ có tác dụng với những người thừa cân và cũng chỉ đem lại hiệu quả trong thời gian ngắn. Một số thuốc điều trị nội khoa cũng không đem lại kết quả mong muốn trong thời gian dài.
Vì vậy phẫu thuật chữa bệnh béo phì đã được các chuyên gia y khoa tính đến như một trong những phương pháp chữa bệnh khá chủ động và bền vững có tác dụng làm giảm cân nặng điều trị các bệnh phối hợp với béo phì rất hiệu quả.
GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết trước đây người ta thường không nghĩ béo phì là bệnh, tuy nhiên đây là một bệnh lý cần được điều trị. Chữa bệnh béo phì có nhiều phương pháp, như giảm chế độ ăn, tập luyện cường độ cao, dùng thuốc. Tuy nhiên, các phương pháp này không có tác dụng về mặt lâu dài. Béo phì có thể giảm xuống trong một vài tháng đến 1-2 năm nhưng sau 5 năm có tới 95% các trường hợp béo phì này quay trở lại cân nặng lúc ban đầu thậm chí tăng hơn.
Chính vì vậy việc điều trị ngoại khoa về lâu dài có kết quả rất khả quan. Ngoài ra, người bị béo phì thường có rất nhiều rối loạn chuyển hoá trong đó tỉ lệ bị đái tháo đường rất cao và nặng. Những năm gần đây, trên thế giới có một xu hướng rất mới đó là sử dụng phương pháp phẫu thuật nội soi để điều trị các bệnh chuyển hoá, đặc biệt là bệnh đái tháo đường.
Hiện kỹ thuật này được chỉ định cho những trường hợp thừa cân kèm theo đái đường chứ không đơn thuần là béo phì.
Cũng theo GS.TS Trần Bình Giang, Bệnh viện Việt Đức là cơ sở đầu tiên trong cả nước thực hiện phẫu thuật điều trị béo phì từ năm 2005. Qua theo dõi các trường hợp phẫu thuật béo phì tại bệnh viện, các kết quả đánh giá cho thấy cân nặng trung bình của mỗi người sau phẫu thuật một năm giảm khoảng 35kg.
Có trường hợp sau 2 năm cân nặng giảm từ 160kg xuống còn 78kg. Một số bệnh nhân nữ có thân hình "quá khổ" lập gia đình nhiều năm không có con nhưng đã được làm mẹ sau 2 năm phẫu thuật điều trị béo phì.