Sát thủ trong giây lát

14-04-2015 10:19 PM | Thời sự

SKĐS - Có nhiều bệnh nhân tâm thần nguy hiểm đang sống cùng với gia đình, bạn bè và xã hội. Không ai biết họ bị bệnh vì họ luôn tìm cách che giấu các triệu chứng của mình.

* Có nhiều bệnh nhân tâm thần nguy hiểm đang sống cùng với gia đình, bạn bè và xã hội. Không ai biết họ bị bệnh vì họ luôn tìm cách che giấu các triệu chứng của mình. Trong bài viết này, xin đề cập tới các dấu hiệu khiến bệnh nhân có thể trở thành sát thủ trong phút chốc.

Người bệnh tâm thần cần được quản lý và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa, tránh gây hậu quả đáng tiếc cho bản thân và cộng đồng (ảnh minh họa).

Người bệnh tâm thần cần được quản lý và điều trị tại các cơ sở chuyên khoa, tránh gây hậu quả đáng tiếc cho bản thân và cộng đồng (ảnh minh họa).

Ý định và hành vi tự sát

Ý định tự sát rất hay gặp ở người bị bệnh trầm cảm, tâm thần phân liệt, nghiện rượu, ma túy và nghiện game online. Ít nhất 95% số người tự sát là do họ có bệnh tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm đến 70%, nghiện chất và game online chiếm 20%, tâm thần phân liệt chiếm 3%. Ý định tự sát được hiểu đơn giản là bệnh nhân có ý định tự giết mình. Lúc đầu họ nghĩ đến cái chết như hậu quả của bệnh mà họ đang có (mất ngủ, mệt mỏi thế này thì chết mất). Về sau họ lại nghĩ rằng hay mình chết quách đi cho đỡ đau khổ, cho mọi người trong gia đình nhẹ gánh... Khi đó, ý định tự sát đã hình thành. Lúc này, người ta có thể lên một kế hoạch chu đáo để đảm bảo tự sát thành công theo đúng ý đồ của họ. Họ có thể chuẩn bị chất độc để uống, dây thừng để treo cổ, dao sắc để cắt mạch máu, súng, chất nổ... Bên cạnh đó, họ thường tính tới một thời điểm bất ngờ khiến những người xung quanh không kịp trở tay, ngăn cản. Có người chọn thời điểm ban đêm khi mọi người trong gia đình đi ngủ, có người chọn thời điểm ban ngày khi những người trong gia đình đã đi làm, đi học hết và chỉ còn mình họ ở nhà.

Khi họ đã thực hiện hành vi tự sát, dù chết hay không thì chúng ta cũng kết luận rằng bệnh nhân đã có hành vi tự sát chứ không còn dừng lại ở ý định nữa. Nếu một bệnh nhân có một hành vi tự sát không thành công, họ có thể sẽ lặp lại hành vi tự sát trên nhiều lần, cho đến chết.

Như vậy, ý định và hành vi tự sát là một triệu chứng rất nguy hiểm vì có thể làm bệnh nhân tử vong. Nhưng nếu ý định và hành vi tự sát lại phối hợp với ý định giết người thì nguy hiểm còn lớn hơn gấp bội. Ý định giết người và tự sát có thể gặp trong trầm cảm, tâm thần phân liệt, nghiện rượu, ma túy và game online... Bệnh nhân mong muốn cao độ giết một ai đó hoặc giết nhiều người rồi tự sát. Họ muốn chết, nhưng không muốn chết một mình mà muốn “mang theo” một hay nhiều người. Triệu chứng này hay gặp ở các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh với hành vi giết em bé rồi tự sát. Tuy nhiên, các triệu chứng này cũng xảy ra ở các đối tượng khác nữa như phi công, tài xế, kỹ sư... và khi xảy ra ở các đối tượng này thì hậu quả thảm khốc sẽ đến với nhiều người, thậm chí là hàng trăm người vô tội. Thủ phạm ở đây thường lên kế hoạch kỹ càng trước khi hành động, họ tìm cách che giấu các kế hoạch giết người và tự tử của mình nên rất khó ngăn chặn. Các triệu chứng gợi ý mà những người xung quanh có thể nhận thấy là bệnh nhân than phiền mất ngủ, mệt mỏi, chán nản và rất bi quan. Tuy nhiên, các triệu chứng này cũng hay gặp ở các trường hợp trầm cảm không có ý định tự sát khác và đặc biệt khó phát hiện ở các đối tượng sống một mình.

Khi có các biểu hiện khác thường phải đưa người bệnh đến khám các bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Khi có các biểu hiện khác thường phải đưa người bệnh đến khám các bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Hoang tưởng bị truy hại

Bệnh nhân cho rằng có một ai đó, một thế lực nào đó tìm cách hại đến tính mạng bản thân họ và các thành viên khác trong gia đình của họ, phá hoại việc làm ăn, cản trở việc thăng tiến... Ý nghĩ này là sai và rất vô lý, nhưng bệnh nhân lại rất tin tưởng vào điều đó. Do luôn sợ bị hại, họ sẽ tìm cách “tự vệ” như hạn chế đi ra ngoài, luôn hóa trang khi ra khỏi nhà, không tiếp xúc với người lạ hoặc các đối tượng khả nghi. Họ tìm mọi cách để điều tra xem kẻ định hại họ là ai. Khi đã “xác định” được kẻ thù bằng các suy diễn vô lý, họ sẽ tìm cách thông báo với các thành viên trong gia đình để đề phòng, kiện cáo ra công an và chính quyền để nhận được sự bảo vệ, che chở. Khi những biện pháp trên không có hiệu quả, bệnh nhân sẽ tìm cách đánh đối thủ trong tưởng tượng của mình. Những ai không may trở thành “kẻ thù” của bệnh nhân chắc chắn sẽ bị no đòn, mang thương tích hoặc tệ hơn là bị họ giết.

Triệu chứng này tuy rất nguy hiểm nhưng khó che giấu như triệu chứng ý định và hành vi tự sát. Chúng hay gặp trong bệnh tâm thần phân liệt và loạn thần do ma túy nhóm kích thần (ma túy đá).

Ảo thanh ra lệnh

Bệnh nhân luôn nghe thấy tiếng người nói trong đầu, ra lệnh cho mình làm một việc gì đó. Tiếng nói này tuy không có thật nhưng bệnh nhân lại nghe thấy rất rõ ràng. Họ có thể nhận ra đó là giọng nói đàn ông hay đàn bà, của người quen hay người lạ. Nếu ảo thanh này chỉ ra lệnh cho bệnh nhân các việc lặt vặt như quét nhà, rửa bát... thì chúng không nguy hiểm mấy. Nhưng chớ có coi thường triệu chứng này vì tới một lúc nào đó nó sẽ ra lệnh cho bệnh nhân đập phá, đánh người, đốt nhà, giết người hoặc tự sát. Bệnh nhân thường phàn nàn với mọi người về nội dung của ảo thanh nên triệu chứng này khó bị che giấu hơn so với ý định tự sát. Ảo thanh hay gặp ở bệnh nhân tâm thần phân liệt, loạn thần do rượu và ma túy đá.

Do cả ba triệu chứng trên đều rất nguy hiểm cho bệnh nhân và những người xung quanh, nên khi phát hiện ra, mọi người trong gia đình cần hợp sức lại để cưỡng bức bệnh nhân đi khám và điều trị bệnh tại cơ sở y tế có chuyên khoa tâm thần. Khi khám cho bệnh nhân, nếu phát hiện ra các triệu chứng trên, bác sĩ cần phải thông báo kịp thời cho người hộ tống bệnh nhân để họ có biện pháp quản lý chặt chẽ việc điều trị cho các bệnh nhân này.

PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần - Bệnh viện 103)

 

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH