Hàng năm có hàng trăm vụ hỏa hoạn lớn nhỏ xảy ra, gây ra nhiều cái chết thương tâm. Hầu hết nguyên nhân thiệt mạng tại các vụ hỏa hoạn là do ngạt khí và nhiễm độc khí, nhất là ở các không gian kín, tòa nhà cao tầng vì khói và khí độc sẽ từ tầng thấp bốc lên cao hay len lỏi trong lối thoát hiểm, hành lang.
Trong một vụ cháy, có rất nhiều loại khí độc vô cùng nguy hiểm được sinh ra trong khói của đám cháy như CO, CO2, amoniac, axit hữu cơ... trong đó CO và CO2 là nguyên nhân chính gây tử vong.
"Khi vào cơ thể với nồng độ cao loại khí này có thể gây tử vong ngay lập tức mà không hề có phản ứng bảo vệ nào" TS. BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) cho biết.
Khí CO được sinh ra khi đốt cháy các nhiên liệu như gỗ, cây củi, than hoa, xăng dầu các loại động cơ, các vụ cháy nổ….
Phổ biến nhất là đốt nhiên liệu trong điều kiện thiếu không khí như ở vùng nông thôn khi sử than tổ ong, củi, than hoa để sưởi ấm nhà tắm, sưởi ấm phòng vào mùa đông, hay đám cháy tại các tòa nhà cao tầng tại TP…
Theo TS. Nguyên, trước đây, nhà trách vách lá, không gian thoáng đãng, ít xảy ra các vụ ngộ độ khí CO. Tuy nhiên, với kết cấu nhà hiện tại xây kín bưng, hệ thống thông khí hạn chế, nếu đưa các loại đồ cháy vào phòng là tự gây họa cho mình.
Ngoài ra loại khí này còn sinh ra khi chạy các loại động cơ máy phát điện, xe máy… như vụ việc 6 người trong một gia đình ở Bình Dương tử vong do ngạt khí từ máy phát điện.
Khí CO không mùi, không màu, không vị, hấp thu rất nhanh trong cơ thể, ngăn chặn quá trình vận chuyển ôxy của hồng cầu, ngăn cản sự chuyển hóa hô hấp của tế bào, nhất là các tế bào có chuyển hóa hô hấp mạnh như não, tim… Do vậy, nếu hít phải nồng độ cao có thể gây hôn mê, co giật, tử vong nhanh chóng.
Nếu nhiễm độc khí CO nhẹ có thể gây các dấu hiệu như đau đầu, buồn nôn, đau bụng…, tuy nhiên các dấu hiệu này thường hay nhầm với ngộ độc thức ăn, cảm cúm…
Tại BV Bạch Mai đã từng tiếp nhận 3 người trong gia đình nhập viện nghi là ngộ độc thức ăn nhưng khi kiểm tra không phát hiện thức ăn lạ, xét nghiệm thấy nồng độ khí CO trong máu cao, được biết gia đình nấu cơm bằng bếp than hoa, sau đó đưa vào phòng để sưởi ấm mới gây ra ngộ độc.
"Các trường hợp ngộ độc khí CO hàm lượng cao thì không thể qua khỏi, tuy nhiên với các trường hợp nhẹ, đôi khi người bệnh vẫn tỉnh táo, chỉ xuất hiện các dấu hiệu như đau đầu, đau bụng, buồn nôn nên không để ý nếu tiếp tục sẽ hít vào với hàm lượng cao hơn sẽ gây nguy hiểm tính mạng.
Do vậy, khi nghi ngờ nhiễm độc khí CO cần tránh xa không gian đó, đến bác sĩ thăm khám để xác định mức độ an toàn", BS. Nguyên khuyến cáo.
Ở nước ngoài thường hệ thống làm ấm không khí chạy bằng khí gas rất dễ bị ngộ độc, do vậy để phòng ngộ độc khí CO, khí gas người ta thường lắp đặt thiết bị theo dõi dò khí gas, khí CO trong nhà, khi hàm lượng khí cao thiết bị này sẽ có báo động.
Tại nước ta, các vụ ngộ độc thường xảy ra khi đốt các nhiên liệu trong phòng kín do vậy để phòng ngộ độc khí CO không đưa các nhiên liệu như than, củi, nhiên liệu đốt trong phòng kín… Khi sử dụng các loại này phải sử dụng ở không gian rộng, tránh xa nơi ở.