Hà Nội

Sạt lở sông Thu Bồn, uy hiếp phố cổ Hội An

27-05-2014 21:54 | Thời sự
google news

SKĐS - Dọc bờ sông Thu Bồn, đoạn kè từ chợ cá Thanh Hà, qua tuyến đường Hùng Vương đến đường Nguyễn Du, thuộc khối phố Thanh Chiếm, phường Thanh Hà, TP. Hội An (Quảng Nam) bị sụt lún

Dọc bờ sông Thu Bồn, đoạn kè từ chợ cá Thanh Hà, qua tuyến đường Hùng Vương đến đường Nguyễn Du, thuộc khối phố Thanh Chiếm, phường Thanh Hà, TP. Hội An (Quảng Nam) bị sụt lún, sạt lở nặng nhiều đoạn, nước lấn sâu vào phần đất liền, tới sát mép đường bộ hơn 3m lại có đoạn nước khoét rất sâu vào bên trong khu dân cư, nạn xâm thực bờ sông ngày càng khốc liệt hơn, năm sau nghiêm trọng hơn năm trước đang uy hiếp đến di sản phố cổ Hội An kế bên.

Chúng tôi đi dọc hạ lưu bờ sông Thu Bồn (đoạn qua phường Thanh Hà) trên tuyến đường ĐT 608 (đường Hùng Vương), tình trạng sạt lở diễn ra với tốc độ nhanh và ngày càng khủng khiếp hơn, nhất là vào mùa mưa lũ hằng năm. Theo quan sát của chúng tôi, mất đất, mất đường và luôn đe dọa khu dân cư, chỉ một thời gian nữa nếu không có biện pháp giải cứu kịp thời. Tuyến đường Hùng Vương cũng đang bị uy hiếp từng ngày, nước đã tiến sâu vào khu vực dân cư và tuyến đường bộ, khoảng 1km bờ kè nằm sát đường này bị lở sạt, hư hỏng gần như hoàn toàn trong hai đợt bão lụt hồi tháng 11/2013.

Tuyến đường ĐT 608 bị sạt lở, nước xâm nhập vào đất, uy hiếp phố cổ Hội An.

Tuyến đường ĐT 608 bị sạt lở, nước xâm nhập vào đất, uy hiếp phố cổ Hội An.

Tình trạng trên làm cho người dân sinh sống trên tuyến xung quanh đoạn kè này luôn thấp thỏm  lo lắng... Anh Ngô Văn Ân, nhà trên đường Hùng Vương bức xúc: “Tình trạng sụt lún, sạt lở diễn ra trong nhiều năm gần đây, với tốc độ ngày càng nhanh và khó lường hơn, có khả năng tuyến ĐT 608, đoạn qua phường Thanh Hà sẽ bị sạt lở nghiêm trọng vào mùa mưa lũ sắp tới, nếu bây giờ không có biện pháp, kế hoạch xây dựng tuyến kè chắn kiên cố, thì nguy cơ đe dọa khu dân cư và uy hiếp phố cổ Hội An chỉ còn là thời gian”. Chị Lê Thị Huệ, đang sinh sống trên đường Nguyễn Du thì có nỗi niềm: “Sinh ra và lớn lên ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn, sợ nhất là vào mùa mưa bão hằng năm, nước lũ đổ về rất nhanh gây ngập lụt, rồi thì nạn sạt lở phần đất liền, đất cuốn trôi theo dòng lũ xuống sông, để lại nỗi lo mất đất, mất nhà, mất đường và những hệ lụy khác mà thiên tai gây ra cho con người. Chỉ có xây dựng bờ kè chắn bê tông kiên cố thì mới đảm bảo an toàn lâu dài hoặc nơi nào sạt lở nghiêm trọng mà không thể khắc phục được, thì Nhà nước cho dân di dời đi nơi khác. Có vậy, nhân dân nơi đây mới yên tâm sinh sống, an cư lạc nghiệp”. Còn ông Trương Văn Nên, “già làng” sinh sống cạnh tuyến đường ĐT 608 lại bộc bạch: “Tôi sinh ra và lớn lên tại đây, năm nay đã hơn 86 tuổi rồi, chứng kiến đường ĐT 608 trước đây nằm tít xa phía tận bờ sông hàng mấy trăm mét, còn nay do nhiều nguyên nhân như biến đổi khí hậu, nạn khai thác cát bừa bãi... đặc biệt đoạn sông này nằm cuối vùng hạ lưu sông lớn Thu Bồn, cho nên mùa lũ nước chảy xiết, triều cường mạnh cuốn phăng đất xuống sông, nước xâm thực phần đất liền, khu dân cư và đường sá ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến Di sản văn hóa thế giới Hội An. Mong sao, các cấp chính quyền quan tâm đến chuyện này”.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, quá trình sạt lở có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến làng gốm Thanh Hà. Năm 2001, chính quyền TP. Hội An đã quy hoạch làng gốm thành điểm tham quan du lịch với tổng kinh phí lên đến 8,9 tỷ đồng, trong đó chú trọng việc xây dựng tuyến kè kiên cố. Song, hàng loạt tuyến kè sông Thu Bồn đã được xây dựng từ những năm 1980 của thế kỷ trước nên đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Do đó, nếu không có phương án xây dựng trên toàn tuyến thì phố cổ cũng không an toàn. Tình trạng sạt lở bờ sông, đoạn qua phường Thanh Hà diễn ra nhanh và rất khó khắc phục. Đây là 1 trong 5 điểm mà chính quyền thành phố xây dựng bờ kè bằng đá kèm bê tông cốt thép. Do công trình phân bố nhiều nơi nên việc tính toán, kinh phí xây dựng phải được UBND tỉnh phê duyệt. Còn đoạn kè tại phường Thanh Hà nay đã xuống cấp gần như hoàn toàn, nhiều điểm đá bong tróc, rơi hết xuống sông, rất khó khăn trong việc quy hoạch, xây dựng bờ kè mới.

Rõ ràng, vấn nạn sụt lún, sạt lở sông Thu Bồn ngày càng nghiêm trọng hơn, uy hiếp phố cổ Hội An, cần có những biện pháp cấp bách, hữu hiệu giải cứu ngay để đảm bảo an toàn các công trình, nhà cửa, đường sá... ở vùng nội thị và ngoại ô phố cổ Hội An? Câu hỏi này dành cho chính quyền, ngành chủ quản liên quan TP. Hội An và tỉnh Quảng Nam.          

   Bài, ảnh: Bảo Ngọc

 


Ý kiến của bạn