Sạt lở nghiêm trọng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

28-04-2017 13:56 | Xã hội
google news

SKĐS - Chỉ trong vòng 1 tuần qua, lần lượt các tỉnh Đồng Tháp rồi An Giang đều hứng chịu nạn sạt lở nghiêm trọng bờ sông Tiền và sông Hậu.

Chỉ trong vòng 1 tuần qua, lần lượt các tỉnh Đồng Tháp rồi An Giang đều hứng chịu nạn sạt lở nghiêm trọng bờ sông Tiền và sông Hậu. Đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân đã bị ảnh hưởng không nhỏ bởi tình trạng sạt lở này…

Đồng Tháp và An Giang đều “dính” của sạt lở

Vụ sạt lở bên bờ sông Vàm Nao đoạn qua ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang vừa diễn ra, ăn sâu vào đất liền hơn 35m khiến 16 nhà dân bị nhấn chìm. Vết nứt dọc bờ sông kéo dài hơn 200m, cách điểm sạt lở sông Vàm Nao 10km, đe doạ cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch của hơn 18.000 dân.

Theo ông Lâm Quang Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, hiện ngoài xã Mỹ Hội Đông thì địa phương còn có 2 điểm sạt lở rất nguy hiểm với chiều dài hơn 270m cũng được lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt. Theo đánh giá của tỉnh An Giang, nguyên nhân gây sạt lở do chế độ dòng chảy của các sông trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều trong mùa kiệt, chế độ dòng chảy từ thượng lưu về trong mùa lũ, diễn biến thời tiết bất thường có mưa trái mùa phức tạp, trong đó có cả tác động của con người. Tình trạng sử dụng sà lan để hút cát cũng là một trong những nguyên nhân gây sụt lở 2 bên bờ sông.

Vụ sạt lở tại các tỉnh ĐBSCL gây thiệt hại khoảng 9 tỷ đồng.

Vụ sạt lở tại các tỉnh ĐBSCL gây thiệt hại khoảng 9 tỷ đồng.

UBND tỉnh An Giang cho biết, hiện toàn tỉnh có 51 đoạn có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài hơn 160km (chiếm 40% đường bờ sông trên địa bàn). Trong đó, 15 đoạn dài 30km nằm trong tình trạng sạt lở nguy hiểm, uy hiếp hơn 20.000 hộ dân, tạo nhiều áp lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Riêng hai năm 2015 và 2016, An Giang có 38 vụ sạt lở bờ sông, cuốn trôi 142 căn nhà, thiệt hại trên 100 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường đề xuất Chính phủ có chính sách về nhà ở di dời hơn 20.000 hộ ảnh hưởng sạt lở bờ sông trong vòng 5 năm tới, ông Lâm Quang Thi nói.

Tại Đồng Tháp, tình hình sạt lở bờ sông ở Đồng Tháp diễn biến phức tạp. Mới đây, ở khu vực xã Bình Thành, huyện Thanh Bình xảy ra sạt lở đất với chiều dài khoảng 2.300m, ăn sâu vào đất liền, gây ảnh hưởng đến 200 hộ dân và một số kho bãi tại đây. Nguyên nhân sạt lở được xác định là do bờ phải thuộc xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang bồi lắng; khu vực sạt lở nằm ngay ngã ba Cồn Én của huyện Thanh Bình; đoạn sông cong, dòng chảy đâm thẳng vào bờ phía xã Bình Thành, huyện Thanh Bình kết hợp nền đất yếu nên gây sạt lở xoáy hàm ếch, độ sâu nơi sạt lở đo được hơn 10m. Theo nhận định của ngành chức năng, sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới và còn diễn biến phức tạp.

Tái khởi động dự án khu dân cư vượt lũ đảm bảo an toàn cho người dân

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh An Giang vừa diễn ra tại tỉnh này, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, tình hình sạt lở khu vực này còn diễn biến phức tạp, cần khảo sát, đánh giá đầy đủ mới có biện pháp khắc phục hiệu quả, lâu dài. Trước mắt, địa phương cần quan tâm ổn định đời sống người dân, nhất là những hộ mất nhà và tài sản. Huy động mọi nguồn lực, mọi tầng lớp xã hội cùng chung tay giúp sức với bà con. Bên cạnh đó, đặc biệt phải tuyệt đối đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho người dân, nhất là các cháu học sinh, Bộ trưởng nói.

Để từng bước khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng TN&MT chỉ đạo trước mắt sẽ yêu cầu Viện Khoa học địa chất phối hợp với các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu, đánh giá cụ thể, bài bản về hiện trạng sạt lở ở sông Tiền, sông Hậu. Từ đó, đề xuất giải pháp giúp An Giang đưa ra hướng xử lý ổn định dòng chảy những nơi nguy hiểm được cảnh báo. Khi xác định rõ nguyên nhân sạt lở, địa phương phân ra các khu vực có mức độ nguy hiểm, nguyên nhân khác nhau và di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời, Bộ TN&MT sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND tỉnh An Giang trực tiếp khảo sát hiện trạng khu vực sạt lở cũng như đời sống người dân bị ảnh hưởng để báo cáo với Chính phủ đề xuất giải pháp hỗ trợ.

Về phía địa phương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị phải chủ động phối hợp với các bộ, ngành để xác định những vùng sạt lở nguy hiểm nhằm có giải pháp giải quyết căn cơ, hiệu quả, đồng thời lưu ý An Giang trong việc điều chỉnh quy hoạch, có cơ chế phối hợp liên vùng bảo vệ lòng sông và hạn chế tình trạng khai thác cát, nạo vét bờ sông. Bộ trưởng chỉ đạo địa phương trước mắt bố trí cho những bà con bị mất nhà cửa và những hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao được vào ở các khu tái định cư. Đặc biệt là sẽ kiến nghị Chính phủ tái khởi động dự án khu dân cư vượt lũ trước đây, nay là khu dân cư cho vùng sạt lở để đảm bảo người dân yên tâm sinh sống kể cả trong mùa mưa và mùa lũ.

Hy vọng với sự vào cuộc quan tâm của Bộ TN&MT cùng với các bộ, ngành, dự án này sẽ đi vào thực tiễn để không chỉ tỉnh An Giang mà các tỉnh ĐBSCL hiện cũng đang xảy ra tình trạng sạt lở này có được những khu dân cư vượt lũ, để hàng năm khi mùa mưa lũ về, người dân không còn phải chịu lo sợ vì cảnh sạt lở đe dọa đến tính mạng.


Thoại Sơn
Ý kiến của bạn