Sông Son đôi bờ tơi tả
Chúng tôi trở lại tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, đôi bờ sông Son đoạn chảy qua xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) có di sản thiên nhiên vắt ngang qua dòng sông như dải lụa, tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, sông nước lung linh, cảnh quan hang động kỳ bí không nơi nào có được mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Quảng Bình và Quảng Bình đã, đang phát huy, gìn giữ, tôn tạo di sản có một không hai này. Ai một lần đặt chân đến đây dù chỉ vài tiếng đồng hồ nhưng chắc chắn trong ký ức vẫn in đậm một tuyệt tác, một khoảnh khắc đáng nhớ trong đời mà họ đã tham quan, chiêm ngưỡng…
Thế nhưng, từ điểm dừng chân mua sắm hàng lưu niệm trong chuyến du lịch, trước khi xuống thuyền xuôi dòng sông Son đến nơi tham quan di sản dài khoảng hơn 6km đường sông đi tới đâu cũng thấy nham nhở đất lở, đất bồi, sông xâm thực mạnh, gây ra sụt lún, sạt lở đến kinh hoàng. Nhiều rặng tre trốc gốc, cây cối chống lũ và hàng chục căn nhà nằm chỏng chơ, trơ ra trước sức tàn phá của thiên tai bão lũ. Không những mất đất canh tác, đất thổ cư của người dân sinh sống ven đôi bờ sông, mà đất sạt lở đã tấn công vào con đường tỉnh lộ DT562, huyết mạch chạy dọc sông Son nối hai nhánh Đông - Tây Trường Sơn. Có đoạn mép sông chỉ cách lề đường khoảng 5-7m. Tình trạng sạt lở đất, sông xâm thực sâu vào đất liền năm sau nhiều hơn năm trước, nguy cơ hiểm họa là khó lường. Một số hộ dân đã được di dời, hiện có trên 50 hộ sống ven đôi bờ cũng cần phải di dời khẩn cấp. Ngoài ra, 15 trạm bơm và tuyến đường DT562 nằm dọc sông Son cũng đang bị đe dọa. Những nguyên nhân gây ra là hậu quả sự tác động của thiên tai, bão, lũ lụt tàn phá hàng năm, lấy đi phần đất liền đổ xuống sông theo dòng lũ, biến đôi bờ ngày càng ngập nước, xâm thực, đây là nguyên nhân chính mà dòng sông Son hiện nay phải đối mặt. Bên cạnh đó, mỗi ngày, dòng sông phải gồng mình gánh chịu những đợt triều cường, sóng tấp vào bờ bởi hơn 350 tàu thuyền du lịch chuyên chở du khách tham quan động Phong Nha và vãn cảnh di sản thiên nhiên, dọc bờ sông.
![]() Một đoạn sông Son bị sạt lở nghiêm trọng. |
“Giải cứu” dòng sông di sản
Dòng sông Son đang báo động, kêu cứu, muốn giữ được đôi bờ sông Son, các làng quê Xuân Sơn, Phong Nha, Hà Lời, thôn Na của xã Sơn Trạch và vùng phụ cận, đặc biệt là bảo vệ tuyệt đối an toàn Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, nhất thiết cần phải khẩn trương xây dựng bờ kè bê-tông dọc đôi bờ sông để ngăn chặn nạn sạt lở, xâm thực của sông. Được biết, nhiều lần nhân dân và chính quyền xã Sơn Trạch đã phát biểu ý kiến, kiến nghị Nhà nước cần phải xây dựng bờ kè đôi bờ sông Son, không ít lần tiếp xúc cử tri đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh Quảng Bình nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Bà Trương Thị Hằng, sinh sống bên bờ sông Son thì lo lắng, bức xúc: “Thiên tai rồi thì biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt hơn, tôi sinh sống cạnh bên sông nước nhưng giống như ngồi trên “đống lửa”, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ nạn sạt lở sông, sập nhà… nhất là vào mùa mưa lũ. Mong sao Nhà nước có giải pháp bảo vệ cuộc sống người dân, bảo vệ tài sản quý giá mà tạo hóa, thiên nhiên đã ban tặng con người: Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng”. Còn anh Phan Công Hưng, hướng dẫn viên du lịch của một công ty du lịch lữ hành TP. Đà Nẵng thường xuyên đưa đón hướng dẫn du khách, tham quan động Phong Nha thì phản ánh: “Dọc đôi bờ sông Son cảnh quan rất đẹp, sông nước hữu tình, song vào mùa mưa hằng năm nạn lũ lụt, xâm thực làm sạt lở đôi bờ đang đe dọa sông Son và cuộc sống người dân. Chỉ có làm bờ kè chắn mới đảm bảo an toàn”. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhiều lần lãnh đạo tỉnh Quảng Bình trả lời khi tiếp xúc cử tri, xây dựng bờ kè bê-tông chống sạt lở trên dòng sông Son là hết sức bức bách nhưng nằm ngoài khả năng của tỉnh vì thiếu kinh phí, nguồn vốn…
Đề nghị Chính phủ, bộ ngành Trung ương liên quan sớm kiểm tra, khảo sát, xử lý sự cố, “giải cứu” dòng sông di sản.
Bảo Ngọc