Có tới 1/3 ca COVID-19 có hiệu ứng thần kinh. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa được hiểu rõ. Theo nghiên cứu của JHU, một số tế bào thần kinh mang thụ thể ACE2 mà SARS-CoV-2 đã sử dụng để xâm nhập vào tế bào và bắt đầu sao chép. “Nghiên cứu này là một bước quan trọng giúp khoa học hiểu thêm về nhiễm trùng dẫn đến các triệu chứng, từ đó quyết định điều trị chính xác hơn”, GS William Bishai, đồng tác giả nghiên cứu cho hay.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPS) để tạo ra bộ não mini mà họ gọi là 'BrainSpheres' phục vụ cho nghiên cứu các loại virus, trong đó có conavirus, Zika, sốt xuất huyết và HIV.
SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm bên trong các tế bào não người.
Tuy nhiên, chỉ một mình organoid không thể đại diện đầy đủ cho sinh lý của một cơ quan nên trong trường hợp này, các nhà khoa học đã nghiên cứu cách mà hàng rào máu não bảo vệ não khỏi mầm bệnh. Việc thiếu các triệu chứng thần kinh ở một số bệnh nhân có thể phản ánh hành động của lá chắn bảo vệ nói trên. "Liệu virus có vượt qua rào cản này hay không vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, viêm nhiễm nghiêm trọng như ở bệnh nhân COVID-19, thì hàng rào này đã tan rã', GS Thomas Hartung, đồng tác giả nghiên cứu bổ sung.
Một số nghiên cứu trước đây cũng đã phát hiện thấy virus có thể vượt qua nhau thai, giai đoạn phát triển sớm của bào thai thiếu hàng rào máu não và có mặt của thụ thể ACE2. Điều này làm tăng nguy cơ phát triển không đúng cách của thần kinh. Trong nghiên cứu hiện tại, nhóm đề tài không tìm thấy bằng chứng của rối loạn phát triển nhưng khuyến khích phụ nữ nên thận trọng khi mang thai. “Không còn nghi ngờ gì nữa, virus lây nhiễm giữa các tế bào thần kinh và nhân lên. Trước mắt, khoa học cần nghiên cứu hệ lụy của nó đối với bệnh nhân và sức khỏe cộng đồng, từ đó đưa ra giải pháp ngăn ngừa và chữa trị hữu hiệu". GS Hartung nhấn mạnh thêm.