Hà Nội

Saranai ở Trường Sa

18-05-2014 09:53 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Vượt ra ngoài ranh giới của Thánh địa Mỹ Sơn, của văn hóa Chăm, khèn Saranai đã đến với mảnh đất Trường Sa hết sức tình cờ. Chính sự tình cờ này đã tạo nên một món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa và đặc biệt.

Giữa đại dương bao la, âm thanh đó vang lên đã mang đến sự kỳ vọng về một Trường Sa yên bình, hạnh phúc. Vượt ra ngoài ranh giới của Thánh địa Mỹ Sơn, của văn hóa Chăm, khèn Saranai đã đến với mảnh đất Trường Sa hết sức tình cờ. Chính sự tình cờ này đã tạo nên một món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa và đặc biệt.

Ông già và cây khèn

Khi những tia nắng vừa ló lên khỏi mặt biển thì cũng là lúc đoàn hành trình chúng tôi vừa kịp mang vác hành lý lên con tàu HQ 571 để chuẩn bị cho chuyến hành trình thăm huyện đảo Trường Sa. Cầu cảng Cát Lái TP. Hồ Chí Minh hôm nay nhộn nhịp hơn hẳn. Có lẽ mọi người trong đoàn hành trình đều hiểu họ sắp có một chuyến đi dài ngày trên biển nên ai cũng cố gắng nán lại để nhìn thật kỹ đất liền một lần nữa.

Đây đã là năm thứ tư Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức những chuyến tàu ra thăm các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Quần đảo Trường Sa. Mỗi năm có hàng chục chuyến tàu như thế này nhưng chỉ có duy nhất một chuyến tàu thăm thân. Bởi vậy, người ta vẫn ví von đây là chuyến tàu “nặng” nhất của năm. Mỗi thân nhân trên chuyến hải trình lần này đều là những vị khách rất đặc biệt. Đặc biệt bởi họ đều là những người thân thiết nhất của các cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại đảo Trường Sa. Vậy nên ai cũng đều chuẩn bị những món quà tinh thần từ đất liền vô cùng ý nghĩa.

Tiếng kèn Saranai của ông Bảo là món quà tinh thần đầy ý nghĩa với các chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn.

Tiếng kèn Saranai của ông Bảo là món quà tinh thần đầy ý nghĩa với các chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn.

Những ông bố, bà mẹ, những người vợ... - họ đến từ mọi miền của Tổ quốc. Bởi vậy, có những gương mặt hiện rõ sự khắc khổ, sự vất vả nhưng vô cùng chất phác của người nông dân hai sương một nắng. Nhưng hôm nay, dường như niềm vui sắp được gặp người thân đã phủ kín tất cả những nhọc nhằn đời thường đó. Sự phấn khởi, vui sướng đang hiện hữu “tràn trề” trên nét mặt của những thân nhân này khiến chúng tôi cũng được thơm lây niềm vui đó.

Trên boong tàu lúc này, mọi người đã tập trung gần như đông đủ để chứng kiến nghi lễ xuất quân trên cầu cảng Cát Lái. Dường như ai cũng muốn được vẫy tay chào tạm biệt đất liền để bắt đầu cho một hành trình mới. Chúng tôi cũng đứng ở đây cùng họ. Bỗng trong ánh nắng bình minh vàng rực của những ngày hè tháng 6, từ sau boong tàu, có một ông lão đi ra. Chiếc khăn quấn trên đầu cùng bộ râu dài trắng muốt trên khuôn mặt đầy ấn tượng của ông lão đã thu hút sự quan tâm của gần như tất cả mọi người đang đứng trên boong lúc đó và chúng tôi cũng không ngoại lệ. Cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông lão trong thời khắc ngắn ngủi trước khi khởi hành đó chỉ đủ cho chúng tôi biết được tên ông là Lộ Phú Bảo (quê ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Chiếc khăn quấn trên đầu của ông chính là nét văn hóa của dân tộc Chăm. Ông lão ra thăm con trai là Lộ Lam Sinh - chiến sĩ đang công tác trên đảo Trường Sa Lớn.

Con tàu của chúng tôi bắt đầu rời cảng. Có lẽ chưa quen với sóng biển nên ngày đầu tiên, mọi người trong đoàn đều cảm thấy hơi mệt. Đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” buổi tối hôm đầu tiên đó được tổ chức để tiếp thêm tinh thần cho cả đoàn nhưng cũng được kết thúc nhanh chóng bởi sự mệt mỏi của những người lần đầu tiên đi biển dài ngày.

Buổi sáng giữa đại dương, cảm giác thật khó tả. Có lẽ mọi người cũng đã quen với nhịp sóng, bởi vậy, ai cũng cố leo lên boong tàu để cố hít thật sâu bầu không khí trong lành của đại dương. Phía đầu mạn tàu, có những cánh tay chỉ về hướng xa xa trước mặt. Đảo Trường Sa Lớn lúc này đã như một chấm nhỏ giữa trời và nước. Trong khi mọi người còn đang mải miết ngắm biển, ngắm đảo thì bỗng có tiếng khèn nghe rất lạ tai vang lên từ phía lan can của buồng lái.

Thật đặc biệt, tiếng khèn có một sự lôi cuốn đến lạ kỳ. Không ai bảo ai, mọi người đều cùng tập hợp về phía phát ra thứ âm thanh đó. Và thật ngạc nhiên làm sao khi trước mắt chúng tôi là hình ảnh ông già Chăm mà chúng tôi đã được trò chuyện lúc trước chính là người đang chơi điệu khèn. Hình ảnh một ông lão đầu quấn khăn, mặc áo trắng, bộ râu trắng đang thả hồn vào những điệu khèn mang đặc trưng của văn hóa Chăm đều khiến mọi người nhìn không chớp mắt. Giữa khung cảnh đại dương bao la, tiếng khèn đã như sợi dây vô hình “buộc” mọi người trong đoàn hành trình chúng tôi xích gần nhau hơn. Tiếng khèn đầy mê hoặc với những nhịp điệu từ trầm bổng đến bay cao rồi dồn dập như những trận đánh giao tranh trong sử thi Chăm đã khiến cho cả tàu vô cùng thích thú. Từ im lặng thưởng thức cho đến sôi động cổ vũ đã khiến ông già Chăm càng hưng phấn thổi hồn mình trong tiếng khèn Saranai đó.

Lúc này tôi mới thực sự cảm nhận được sự hưng phấn của mọi người kể từ khi bắt đầu hành trình. Dường như tiếng khèn Saranai của ông già Chăm đã có sức mạnh lạ kỳ khi nó đã xua tan mọi mệt mỏi, suy tư của mọi người để thay vào đó là một tiếng trống thúc giục, một tiếng trống tinh thần gắn kết mọi người lại với nhau. Tôi nhận ra sự hào hứng cùng niềm tin và sự kỳ vọng hiện rõ trên khuôn mặt của mọi người.

Sau lần trình diễn ngẫu hứng đó, tiếng khèn Saranai đã trở thành món ăn tinh thần trong những căn phòng tập thể trên tàu. Thi thoảng chúng tôi lại thấy tiếng khèn vang lên ở một góc phòng nào đó. Và khi nó dừng thì luôn kèm theo những tràng pháo tay và những lời cổ vũ không ngớt, rồi cả những lời cười đùa vui vẻ của những người trong căn phòng đó. Tôi hiểu, lúc này, khèn Saranai đã làm được một việc vô cùng ý nghĩa - đó là đã mang đến những cuộc đoàn tụ tình cờ cho đoàn hành trình chúng tôi.

Nốt thăng kỳ vọng

Trường Sa đây rồi! Mọi người đều gần như vỡ òa cảm xúc khi tàu HQ 571 của chúng tôi cập cảng đảo Trường Sa Lớn. Mọi người dường như lúc này chỉ có một sự quan tâm duy nhất là nhìn thật kỹ người thân mình đang ở đâu. Và lúc này đây, những vòng tay ôm, những giọt nước mắt, những nụ cười hạnh phúc đã ngập tràn nơi cầu cảng. Ai cũng bận rộn với những câu chuyện, lời hỏi thăm của người thân. Nhìn khung cảnh đang diễn ra trước mắt, chúng tôi cảm thấy mình thật may mắn và có lẽ tôi hơi tham lam nếu nói chúng tôi còn hạnh phúc hơn cả những thân nhân này. Bởi giữa đại dương mênh mông này, chúng tôi lại được nhìn thấy những tình cảm chân thành, xúc động và tốt đẹp nhất của con người với nhau. Thật khó diễn tả cảm xúc lúc này nhưng nó đã làm tôi cảm thấy lương thiện và yêu cuộc đời hơn bao giờ hết.

Chúng tôi vẫn không quên dõi theo ông già Chăm. Bởi tôi biết ông và chiếc khèn Saranai sẽ là một trong những món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa không chỉ với cậu con trai của ông mà còn với cả đảo Trường Sa Lớn.

Sau cái khoác vai và nụ cười đầy mãn nguyện khi gặp được cậu con trai ngoài cầu cảng, chúng tôi theo ông và chiến sĩ Lộ Lam Sinh vào cụm chiến đấu 3, đơn vị của anh Sinh. Không mất nhiều thời gian để ông già Chăm cùng các thân nhân khác làm quen với Trường Sa. Chỉ một lượt giới thiệu các chiến sĩ ở cụm chiến đấu 3, ông lão đã trở thành công dân tạm thời của đảo. Ngồi ở bộ bàn ghế đá được kê dưới tán phong ba, ông già Chăm đã không quên tặng các chiến sĩ Trường Sa món quà tinh thần mà ông rất tâm huyết. Và cứ thế, thật tự nhiên, tiếng khèn Saranai lại được cất lên, trầm bổng, quyện cả vào những vòm phong ba. Các chiến sĩ của cụm chiến đấu 3 ai cũng chăm chú lắng nghe tiếng khèn của ông lão. Có thể họ không hiểu hết ý nghĩa của từng giai điệu trong những nhịp thổi của ông già Chăm, nhưng dường như các chiến sĩ ai cũng vô cùng thích thú, hiếu kỳ và tò mò.

Từ hôm đó trở đi, ông già Chăm được các chiến sĩ Trường Sa gọi bằng một biệt danh rất trìu mến: “Ông già Saranai”. Và cứ thế, những ngày sau trên đảo, cứ ở đâu có ông, có chiếc khèn Saranai là y như rằng ở đó đang có không khí như một mùa lễ hội của người Chăm. Đó là bóng dáng của những nàng Chiêm nữ óng ả thoáng hiện trong tưởng tượng, là những điệu múa nức lòng du khách bên tháp Chàm Pônagar huyền thoại. Mọi người đều bị thuyết phục trước nội lực tiềm tàng và niềm đam mê cháy bỏng của ông già Chăm 65 tuổi này. Lần đầu tiên vượt qua khỏi Thánh địa Mỹ Sơn, khèn Saranai – linh hồn của dàn nhạc cụ dân tộc Chăm đã đến với mảnh đất Trường Sa. Tiếng khèn với những cung bậc trầm bổng đã dường như tiếp thêm tinh thần, khí thế cho các chiến sĩ Trường Sa.

Cái duyên của chúng tôi với “ông già Saranai” vẫn chưa dừng ở đó. Khi cầu cập cảng Cam Ranh, theo chân ông, chúng tôi về thị trấn Phước Dân. Mảnh đất Ninh Thuận đầy nắng gió, khô cằn nhưng hôm nay, trước mắt chúng tôi, mảnh đất đó không hề khắc nghiệt như điều người ta vẫn thường nói. Có lẽ do chúng tôi được dẫn đường bởi “ông già Saranai” bình dị mà đậm chất văn hóa Chăm.

Mọi người trong gia đình đã có mặt đông đủ từ sáng sớm để đón ông lão trở về. Ai cũng háo hức để được nghe những câu chuyện về Trường Sa, về cậu con trai út Lộ Lam Sinh. Chiếc khèn Saranai là tâm điểm của câu chuyện ông kể với gia đình. Và rằng ai cũng thích thú, tò mò và muốn được thổi thử cây khèn Saranai. Nhờ có nó mà ông lão đã mang đến được bao niềm vui cho những cuộc đoàn tụ trên đảo Trường Sa Lớn.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là thứ âm thanh mạnh mẽ và hùng tráng đó của khèn Saranai được cất lên giữa ngàn trùng đại dương đã như một tiếng trống ra trận. Tiếng trống thúc giục những người con đất Việt có thể đi đến bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần đến họ. Tôi không biết sau lần này, đến bao giờ Trường Sa lại có dịp được nghe tiếng kèn Saranai nữa. Chỉ biết là thứ âm thanh đó đã được vang lên ở mảnh đất thiêng của Tổ quốc với những nốt thăng kỳ vọng về một Trường Sa yên bình, hạnh phúc. 

Bài, ảnh: Vi Thảo

 


Ý kiến của bạn