Sắp xếp nguyện vọng trong tuyển sinh đại học thế nào cho trúng và đúng?

26-03-2024 08:05 | Xã hội

SKĐS - Theo các chuyên gia tư vấn tuyển sinh, năm 2024 là năm cuối học sinh thực hiện thi theo chương trình cũ, do đó thí sinh cần lên chiến lược lựa chọn ngành học, trường đại học đúng với sở thích, sở trường để gia tăng cơ hộ trúng tuyển.

Đến thời điểm này, các trường đại học đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2024. Về cơ bản, phương thức tuyển sinh của các trường vẫn giữ ổn định như các năm trước. Phương thức xét tuyển sớm (xét tuyển học bạ) vẫn được nhiều trường áp dụng, trong đó có nhiều trường tuyển sinh với số lượng lớn chiếm đến khoảng 60% chỉ tiêu tuyển sinh.

Cần lên chiến lược lựa chọn các ngành học, trường đại học từ sớm

Dành lời khuyên cho học sinh lớp 12 trong việc tìm hiểu ngành nghề, trường đại học và chọn lựa phương thức xét tuyển, TS. Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Gia Định cho rằng, việc chuẩn bị từ sớm cho các kỳ thi và lên chiến lược lựa chọn các ngành học, trường đại học đúng với sở thích, sở trường sẽ gia tăng cơ hội hoàn thành mục tiêu trong năm nay cho các thí sinh cuối cùng theo học chương trình hiện hành.

"Các em cần xác định được ít nhất 1-3 ngành học tại các trường đại học và cao đẳng để chuẩn bị phương án nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì vẫn có phương án dự bị. Tuy nhiên, khi lựa chọn nguyện vọng các em nên ưu tiên nguyện vọng 1 lên trên cùng. Nguyện vọng 1 cần đúng với năng lực và sở thích của bản thân. Bên cạnh đó, các em cũng có thể tham khảo ý kiến từ các tư vấn viên của trường đại học, các thầy cô, gia đình trước khi quyết định".

Sắp xếp nguyện vọng trong tuyển sinh đại học thế nào cho trúng và đúng?- Ảnh 1.

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2024.

Theo TS. Mai Đức Toàn, kiến thức giữa hai chương trình về cơ bản sẽ không quá khác biệt, các tổ hợp xét tuyển đại học cũng sẽ có môn chính như Toán, Văn, Ngoại ngữ. Dù vậy, thí sinh cần tận dụng tối đa các phương thức tuyển sinh từ các trường đại học như: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ hay kết quả thi đánh giá năng lực.

Chia nguyện vọng thành các nhóm phù hợp với năng lực

Theo quy chế, thí sinh cần cập nhật lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống) tất cả dữ liệu có thể phục vụ cho việc xét tuyển như: điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực, các chứng nhận để cộng điểm ưu tiên.

Lưu ý và nhắc nhở thí sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Một quy định cũ nhưng vẫn "mới" với nhiều học sinh và phụ huynh năm nay là, sau khi đã đủ điều kiện trúng xét tuyển sớm của các trường, thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển lên Hệ thống và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số nguyện vọng đã đăng ký thì mới hợp lệ.

Hệ thống chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất. Vì thế trên Hệ thống, thí sinh cần sắp xếp thứ tự đặt nguyện vọng mình yêu thích lên trên. Thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp. Thí sinh chỉ cần quan tâm tới nguyên tắc: ngành nào thích nhất đặt lên trước. Trường hợp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm nhưng không phải ngành thích nhất, thí sinh có thể xếp sau".

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhắc lại, trên Hệ thống, thí sinh được đăng ký số lượng nguyện vọng không giới hạn. Do vậy, thí sinh không nên chỉ đăng ký một vài nguyện vọng, vì sẽ làm giảm cơ hội trúng tuyển. Thí sinh không nên đặt tất cả nguyện vọng của mình chỉ vào top những ngành, trường học có mức độ cạnh tranh quá cao. Bởi khi đó, nếu các em không trúng tuyển nguyện vọng này thì hầu hết những nguyện vọng còn lại ở nhóm trường cùng mức cạnh tranh cao cũng khó trúng tuyển.

Thí sinh cũng không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Thay vào đó, các em nên chia nguyện vọng thành các nhóm: trường top đầu, top trung - phù hợp với năng lực của mình hơn thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn rất nhiều.

Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh phải làm quen với thao tác trực tuyến. Bộ GD&ĐT sẽ dành một khoảng thời gian nhất định để thí sinh thử thực hành nhập nguyện vọng của mình lên Hệ thống, thay đổi nguyện vọng và xác nhận những bước cuối cùng. "Thí sinh phải thực hiện hết quy trình từ đầu đến cuối, không được dừng lại và thoát ra giữa chừng, như vậy các thao tác sẽ chưa được ghi nhận. Phải thực hiện cho đến hết quy trình, khi hệ thống báo rằng những nguyện vọng này đã được xác nhận".

Theo kế hoạch, thí sinh học lớp 12 sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trực tuyến từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5. Cũng theo kế hoạch trên, từ ngày 24/4 đến hết ngày 26/4, thí sinh sẽ được lập và giao tài khoản đăng ký dự thi.

Trước khi tiến hành đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT chính thức, thí sinh đang học lớp có 5 ngày (từ 24/4 đến hết 28/4) thử đăng ký dự thi trực tuyến trên hệ thống Quản lý thi.

Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào ngày 26, 27, 28, 29/6.

Thi tốt nghiệp THPT: Xử lý thế nào nếu thí sinh cần cấp cứu?Thi tốt nghiệp THPT: Xử lý thế nào nếu thí sinh cần cấp cứu?

SKĐS - Để kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 bảo đảm an toàn, nghiêm túc, Bộ GD&ĐT ban hành quy chế thi với các quy định cụ thể cho từng tình huống có thể xảy ra, thí sinh cần nhớ để tránh "trượt oan".


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn