Xây dựng mô hình quản trị bệnh viện theo hướng phải thành lập Hội đồng quản lý
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, ngày 11/12/2015, liên bộ Y tế và Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố, Phòng Y tế thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng làm cơ sở pháp lý cho các địa phương kiện toàn, sắp xếp hệ thống y tế ở từng địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm mục tiêu của chương trình cải cách hành chính.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay việc duy trì nhiều trung tâm y tế như Y tế dự phòng; Sốt rét – ký sinh trùng; Phòng chống HIV/AIDS; Chăm sóc sức khỏe sinh sản… tại các tỉnh, thành phố hiện nay chưa phát huy hết hiệu quả công việc và còn chồng chéo. Do đó, theo Bộ trưởng cần phải đổi mới toàn diện hệ thống y tế cơ sở cả về con người, mô hình hoạt động và cơ sở vật chất, tài chính
Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng mô hình quản trị yêu cầu các Bệnh viện tự chủ hoàn toàn hay tự chủ 1 phần đều phải thành lập Hội đồng quản lý, từ đó có thể Hội đồng quản lý sẽ bầu ra Giám đốc bệnh viện. Tiếp đó, về vấn đề đào tạo nhân lực y tế, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta không thể đánh đồng thạc sĩ và BSCK 1. Lấy ví dụ từ thực tiễn, Bộ trưởng đặt câu hỏi liệu các bác sĩ giỏi đang làm can thiệp tim mạch tuyến dưới tốt, giờ cho đi học thạc sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa 1 thì liệu 2 năm sau về có còn làm được kỹ thuật can thiệp tim mạch hay không?
Theo Bộ trưởng, bác sĩ học chuyên khoa 1 để làm thực hành còn học thạc sĩ là hệ khác. Do đó, những bác sĩ tham gia vào Đề án1816, bệnh viện vệ tinh đã làm chủ, làm tốt kỹ thuật cao đề nghị các bệnh viện gửi danh sách về bộ để có hình thức thi chấm thực hành để đào tạo chuyên khoa 1 và 2 nhanh hơn.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, ngành y tế đã và đang đối mới theo hướng kiềng 3 chân. Thứ nhất là phát triển y tế cơ sở để nâng cao chât lượng y tế cơ sơ. Tiếp đến là nâng cao chất lượng khám chũa bệnh song song với đổi mới tinh thần thái độ và phong cách phục vụ người bệnh, xây dựng bệnh viện xanh sạch đẹp và quan trong tiếp theo là đổi mới cơ chế tài chính theo hướng tính đúng, tính đủ để đảm bảo nguồn lực cho bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Đã có 37 địa phương triển khai thực hiện Thông tư 51
Theo Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác, hệ thống y tế địa phương có nhiều khó khăn trong tách nhập. Từ 1998, khi mới hình thành tổ chức, hệ thống y tế địa phương hoạt động tương đối tốt. Tuy nhiên, sau một thời gian tách ra hoạt động riêng cũng vướng phải nhiều khó khăn, chồng chéo và không hiệu quả. Ngày 11/12/2015, khi Thông tư liên tịch số 51 của liên Bộ Y tế và Nội vụ được ban hành đã cố gắng hoàn thiện hệ thống y tế địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm mục tiêu của chương trình cải cách hành chính.
Kể từ khi triển khai Thông tư 51, tính đến nay, đã có 40 tỉnh được UBND cấp tỉnh quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế, để tạo hệ thống y tế và tổ chức mạng lưới y tế cơ sở ở địa phương tạo thành một thể thống nhất, phát huy hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và quản lý sức khỏe cho mọi người dân. Theo Thông tư, tại tuyến tỉnh sẽ thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập các trung tâm có cùng chức năng. Trong số 37 tỉnh đã triển khai thực hiện Thông tư 51, đến nay, đã có 24 tỉnh thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Có 4 tỉnh đang xây dựng đề án kiện toàn thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật gồm Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Trị. Có 9 tỉnh giữ nguyên mô hình các trung tâm hiện có mà không thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật chung.
“Bộ Y tế sẽ có văn bản đề nghị 9 tỉnh này phải giải trình lý do về khó khăn và thuận lợi, đồng thời phải đề xuất lộ trình để thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật chung”- TS Phạm Văn Tác cho hay.
Ở tuyến huyện, kể từ khi thực hiện Thông tư liên tịch số 51, đã có 19 tỉnh sáp nhập bệnh viện với trung tâm y tế thành Trung tâm y tế huyện; 7 tỉnh vẫn duy trì bệnh viện riêng ở tuyến huyện. Với những kết quả đạt được, theo Vụ trưởng Phạm Văn Tác, Thông tư liên tịch số 51 đã đón đầu, phù hợp với nội dung của chương trình cải cách hành chính, đặc biệt về cải cách tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Giải pháp nào để đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi sáp nhập hệ thống y tế tế địa phương?
Sáp nhập các trung tâm y tế hiện nay theo mô hình CDC để nâng cao hiệu quả hoạt động y tế tuyến tỉnh
Hiện nay có địa phương có 6 trung tâm cùng chức năng, có địa phương chỉ 5 trung tâm nhưng có địa phương từ 10-12 trung tâm y tế ở tuyến tỉnh. Thực trạng tổ chức các trung tâm chưa hiệu quả. Do đó, cần phải thay đổi mô hình bệnh tật, thay đổi cơ chế đầu tư, quản lý, tài chính để bảo đảm chăm sóc sức khỏe với sự lồng ghép liên tục và đạt hiệu quả cao nhất bằng việc thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố.
Theo ông Phạm Văn Tác, khó khăn duy nhất là tổ chức mô hình liên quan đến con người, để bảo đảm quyền lợi của người lao động khi thực hiện sáp nhập các hệ thống y tế ở địa phương. Hiện nay đã có 37 tỉnh được phê duyệt, chức năng nhiệm vụ quyền hạn theo Thông tư 51. Mỗi tỉnh có trung bình 6 trung tâm và khi sáp nhập là một sẽ thừa ra 5 trung tâm. Như vậy, chỉ ở tuyến tỉnh đã thừa khoảng 1.200 lãnh đạo. Ở tuyến huyện hiện nay có 500/715 huyện chưa sáp nhập các trung tâm y tế địa phương, cũng dôi dư khoảng 2.000 cán bộ lãnh đạo. Do đó, bài toán sắp xếp nhân sự cũng cần phải giải quyết để làm sao tinh gọn đội ngũ lãnh đạo, giảm hành chính, tăng cường phục vụ công tác chuyên môn.
Theo đó, hướng giải pháp được đưa ra là những người giỏi chuyên môn sẽ chuyển sang làm công tác chuyên môn, ai giỏi quản lý sẽ tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo. Bên cạnh đó, sẽ duy trì việc luân phiên cán bộ để tìm ra lãnh đạo thật sự giỏi quản lý. Với đội ngũ hành chính, bảo vệ, tổ chức cán bộ… sẽ có phương án giải quyết chuyển công tác hoặc tinh giảm biên chế, bảo đảm chỉ có 18-20% số người làm hành chính, giữ nguyên 80-82% làm công tác chuyên môn. Hiện nay, Bộ trưởng đang chỉ đạo Đại học Y tế công cộng và Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh xây dựng chương trình đào tạo cán bộ quản lý với Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện, Trạm trưởng trạm y tế xã trở lên… Do đó, khi những người vào quy hoạch cán bộ sẽ được đào tạo quản lý.