Hiện tượng thiên văn kỳ thú đầu tháng 6
Những ngày đầu tháng 6 này ngay trước khi mặt trời mọc, người dân ở bắc bán cầu (gồm cả Việt Nam) có thể thấy được 6 hành tinh gần như thẳng hàng nhau trên bầu trời hướng đông.
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), hiện tượng 6 hành tinh xếp thẳng hàng trên bầu trời sẽ diễn ra vào ngày 4/6. Bắt đầu vào ngày 4/6, Sao Mộc và Sao Thiên vương sẽ gia nhập vào màn trình diễn và cùng với các hành tinh khác trên bầu trời tạo thành một đường thẳng kéo dài từ Sao Mộc ở sát đường chân trời hướng đông lên đến Sao Thủy, Sao Thiên Vương, Sao Hỏa, Sao Hải Vương và kết thúc ở Sao Thổ đang nằm cao phía trên bầu trời hướng tây.
Khoảng 20 phút trước khi Mặt Trời mọc, tất cả sáu hành tinh đã xuất hiện, mặc dù Sao Thiên Vương (độ sáng biểu kiến là 5,9) và Sao Hải Vương (độ sáng biểu kiến là 7,8) sẽ không thể quan sát bằng mắt thường mà cần đến sự hỗ trợ của một chiếc ống nhòm hay kính thiên văn. Các hành tinh còn lại là Sao Mộc, Sao Thủy, Sao Hỏa và Sao Thổ đều nổi bật ngay cả khi quan sát bằng mắt thường trên một đường thẳng kéo dài khoảng 73° trên bầu trời
Hơn nữa, Mặt Trăng lưỡi liềm mỏng manh cuối tháng cũng sẽ tham gia vào màn trình diễn. Vệ tinh này cũng sẽ không thẳng hàng hoàn toàn do quỹ đạo của nó nghiêng khoảng 5° so với mặt phẳng hoàng đạo.
Đến ngày 5/6, Sao Thủy sẽ đổi chỗ cho Sao Mộc, thay thế hành tinh khí khổng lồ này trở thành điểm cực đông trên đường thẳng dài nối các hành tinh. Trước đó, khoảng tối ngày 04 tháng 06, hai hành tinh này tiến đến vị trí giao hội khi chỉ cách nhau 7'40", tuy nhiên, lúc này chúng đang nằm dưới đường chân trời và không thể nhìn thấy. Cùng trên bầu trời buổi sáng ngày 05, Trăng tàn cuối tháng khi đó cũng được tìm thấy nằm ngay cạnh Sao Thiên Vương
Hết tháng 6, Sao Thủy sẽ nhanh chóng biến mất khỏi tầm nhìn của chúng ta khi nó đi sát Mặt Trời hơn. Lúc này, chỉ còn năm hành tinh tỏa sáng trên bầu trời trước bình minh. Chúng vẫn tiếp tục ở đó tạo thành một đường thẳng đẹp, kéo dài dần 80° từ Sao Mộc đến Sao Thổ (với Sao Thiên Vương, Sao Hỏa và Sao Hải Vương nằm ở giữa). Và trong những ngày cuối tháng, sự trở lại của Mặt Trăng cũng khiến màn trình diễn trở nên thú vị hơn
Việc các hành tinh xếp thẳng hàng với nhau như vậy không phải là một sự kiện quá hiếm gặp nhưng chúng luôn thu hút người nhìn bởi vẻ đẹp riêng mà mỗi hành tinh mang lại. Thật đáng để dành ra chút thời gian, dậy thật sớm, đi ra ngoài và tận hưởng cái nhìn bao quát về Hệ Mặt Trời từ chính sân nhà của bạn.
Quan sát hiện tượng 6 hành tinh thẳng hàng từ Việt Nam
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM, thời điểm từ 5 giờ đến 5 giờ 15 phút sáng các ngày từ 3-5/6 là thời điểm tốt nhất để quan sát hiện tượng này trước khi Mặt Trời ló dạng.
"Để quan sát được các hành tinh có độ sáng cao như sao Mộc, sao Thủy, Hỏa Tinh, sao Thổ, chúng ta hoàn toàn có thể dùng mắt thường để nhận ra chúng như một ngôi sao sáng, bên cạnh đó các hành tinh có đặc tính đặc biệt là hầu như không nhấp nháy so với các ngôi sao thông thường khác", ông Tuấn nói.
Qua một kính thiên văn nhỏ phổ thông, chúng ta có thể nhận thấy được vành đai của sao Thổ, 4 vệ tinh của sao Mộc, màu đỏ trên bề mặt đặc trưng của sao Hỏa hay dạng khuyết của Thủy tinh. Đối với sao Thiên Vương và sao Hải Vương, rất khó để quan sát ngay cả với kính thiên văn nhỏ, bạn có thể phải cần công cụ bản đồ sao cùng với kỹ thuật chụp ảnh để nhận ra chúng trong ảnh chụp như một đốm sáng nhỏ có màu xanh da trời.
Tuy nhiên vào thời điểm đầu tháng 6, sao Mộc và sao Thủy ở vị trí rất sát chân trời, chỉ xuất hiện khi trời đã ửng sáng, nên có thể phải cần tới ống nhòm nhỏ để nhận ra chúng trong làn mây hoặc bụi ô nhiễm ở các thành phố lớn.
Chuyên gia cho biết để có thể quan sát được tốt nhất, chúng ta nên chọn vị trí có thể nhìn thông thoáng sát chân trời đông, càng xa thành phố lớn càng tốt để không bị ảnh hưởng bởi khói bụi sát chân trời. Cũng như các quan sát thiên văn khác, chúng ta cũng cần phải có thời tiết ủng hộ, ngay cả các hành tinh sáng nhất như sao Mộc, sao Thổ cũng khó có thể xuyên qua lớp mây dày.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết khác với đồn đại trên không gian mạng, hiện tượng các hành tinh thẳng hàng nhau trên bầu trời không quá hiếm. Các hành tinh có chu kỳ chuyển động khác nhau quanh mặt trời và đôi khi chúng sẽ gần nhau, cùng một phía với tâm là mặt trời khi nhìn từ trái đất.
"Đây chỉ là hiện tượng thẳng hàng trên bầu trời do phối cảnh góc nhìn từ trái đất, vài năm sẽ diễn ra một lần với các hành tinh khác nhau. Vào giữa tháng 6, sao Thủy sẽ di chuyển sát về hướng mặt trời mà chúng ta sẽ không còn có thể thấy được nó nữa, tuy nhiên sao Mộc sẽ càng ngày càng lên cao xa khỏi mặt trời và hiện tượng 5 hành tinh thẳng hàng sẽ còn diễn ra vài tháng sau đó", ông Tuấn nói thêm.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin tự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 2/6.